29/04/2004 08:21 GMT+7

Vì sao tăng trưởng kinh tế chậm?

    HUY GIANG
    HUY GIANG

TT - Ngày 28-4-2004, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng với đoàn công tác gồm lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã dành cả ngày làm việc với TP.HCM để mổ xẻ tìm hiểu nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP chựng lại trong 4 tháng đầu năm.

ulex1dZQ.jpgPhóng to
Thủ tướng Phan Văn Khải trao đổi với lãnh đạo TP trong giờ giải lao
TT - Ngày 28-4-2004, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng với đoàn công tác gồm lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã dành cả ngày làm việc với TP.HCM để mổ xẻ tìm hiểu nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP chựng lại trong 4 tháng đầu năm.

Nguyên nhân sâu xa: cơ cấu các ngành kinh tế bất hợp lý

Báo cáo với Chính phủ, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải cho biết các nhóm ngành công nghiệp đã có sự phục hồi và tăng trưởng khá hơn trong tháng tư và có triển vọng đạt mức như năm ngoái. Theo ông Lê Thanh Hải, nguyên nhân sâu xa, cơ bản là do sự tồn tại của cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế bất hợp lý: lợi thế cạnh tranh của nhiều sản phẩm đang mất dần; các sản phẩm hàng hóa dịch vụ phản ánh thế mạnh của TP chuyển dịch chậm, chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế.

Riêng về vấn đề quản lý đô thị, tình trạng vừa thiếu vốn vừa lãng phí đầu tư dưới nhiều hình thức vẫn đang tồn tại, và theo ông Lê Thanh Hải, “bệnh” nặng nhất là công tác khảo sát thiết kế, trên 50% công trình chậm và kém chất lượng là do nguyên nhân này. Thủ tướng Phan Văn Khải cắt ngang: cái này do tiêu cực, cứ nói hoài khuyết điểm này từ năm này sang năm khác mà không khắc phục được. Thủ tướng cho rằng cần phải chế tài thật nghiêm khắc thì mới làm ăn đàng hoàng.

Ông Trần Xuân Giá, Ban nghiên cứu của Chính phủ, cho rằng hạn hán, giá cả tăng, cúm gà không phải là nguyên nhân làm chựng sự phát triển kinh tế của TP. Để chứng minh, ông Giá nói có nhờ Cục Thống kê cung cấp nhiều chỉ tiêu thông tin cho thấy TP sút giảm dần dần trong nhiều năm qua như tỉ lệ thu hút vốn đầu tư chẳng hạn…

Vấn đề bức xúc rơi vào 3 chữ C

Theo Bộ Tài chính, cơ cấu kinh tế TP phát triển theo chiều rộng và đến nay đã bão hòa, không thể phát triển được nữa, do vậy phải đầu tư phát triển theo chiều sâu. Trong khi đó một số ngành phát triển chiều sâu lại chậm và định hướng chưa rõ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Trần Đình Khiển cũng khuyến cáo TP phải sớm hoàn thành qui hoạch chung về công nghiệp trên địa bàn, trong đó có công nghiệp mũi nhọn và công nghiệp cơ khí, không chỉ lắp ráp xe mà còn có thông tin, điện tử... Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng vấn đề bức xúc của TP rơi vào 3 chữ C: cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tất cả đều là những vấn đề quan trọng, cơ bản và cấp bách.

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng cho rằng làm cải cách mấy chục năm nay mà dân vẫn kêu, rất nhiều cán bộ công chức không làm tròn nhiệm vụ được phân công vẫn không bị loại khỏi bộ máy, đó là do cơ chế đề bạt, cất nhắc. Thủ tướng nói ở trung ương cũng vậy.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tấn Vạn thì nói bộ đang lo cho TP hai vấn đề: thứ nhất tốc độ xây dựng chậm lại (thông qua tiêu thụ ximăng); thứ hai về công tác qui hoạch, lực lượng TP và cả của bộ đều mỏng, do vậy phải chú trọng công tác đào tạo… Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết bức xúc hỏi vậy các đồng chí ở bộ giúp TP được gì cụ thể chứ? Thứ trưởng Vạn nói còn tùy thuộc vào lực lượng!

Chưa thấy các bộ cộng đồng trách nhiệm với thành phố

Theo ông Trần Xuân Giá, Ban nghiên cứu của Chính phủ, cần lập một nhóm thoát ra khỏi công việc hằng ngày để tìm ra nguyên nhân, nghiên cứu thật sự một lộ trình cho sự phát triển, thậm chí chấp nhận sự chựng lại trong vài ba năm để có những bước tiến mạnh hơn, nếu không thì cứ làng nhàng như vậy mãi mà không bứt lên được.

Thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu TP phải đánh giá các mặt chựng lại đó như thế nào, những nguyên nhân nói trên là cơ bản hay nhất thời, xem lại trên địa bàn sản xuất cái gì, cái gì có thể tăng được thì tìm cách nâng lên... TP phải năng động tranh thủ ý kiến các chuyên gia nước ngoài. Thủ tướng và Chính phủ rất muốn đẩy nhanh khu công nghệ cao vì đây là đại diện cho trình độ khoa học công nghệ hiện đại, do vậy đã có cơ chế chính sách. Ngoài ra, Thủ tướng cũng cho rằng nếu TP không chuyển cơ cấu kinh tế đi vào công nghệ cao thì chắc là không làm tròn nhiệm vụ phát triển.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết tiếp thu và cho rằng TP luôn có tư tưởng tiến công, tự phê bình, sẽ tìm ra nguyên nhân cơ bản để khắc phục. Tuy nhiên ông Triết nói các bộ góp rất nhiều nhưng chưa thấy có bộ nào đứng ra nhận cộng đồng trách nhiệm với TP cả!

Đối với các kiến nghị của TP, Thủ tướng Phan Văn Khải kết luận chỉ đạo như sau:

- Về công nghiệp cơ khí: TP có tiềm năng, có nhân công, tay nghề, nếu không phát triển là có tội. Cần đi vào cơ khí chính xác, chất lượng cao và hiện đại; đồng ý cho TP.HCM một nhà máy sản xuất xe vận tải hành khách.

- Phát triển thị trường vốn: nghiên cứu liên kết vốn với Singapore; cho phép các doanh nghiệp bán cổ phiếu ra thị trường chứng khoán, giao Bộ Tài chính quản lý như thế nào cho lành mạnh.

- Vốn cho Khu công nghệ cao: trước mắt tạm ứng vốn năm 2005, nhưng khuyến khích tự tìm nguồn vốn chứ trông chờ vào ngân sách không thì không được; cơ chế gì còn ràng buộc chưa phát huy được thì sẵn sàng sửa đổi.

- Thành lập Sở Phòng cháy chữa cháy và cứu hộ: cho phép TP thí điểm thành lập trước, giao Bộ Nội vụ cùng công an và Văn phòng Chính phủ phối hợp trình Chính phủ ra quyết định thí điểm.

- Về nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng cho TP.HCM: Bộ Tư pháp đang nghiên cứu, trong vài tháng nữa sẽ trình Chính phủ.

- Trong tuần tới sẽ ban hành cơ chế, chính sách mới cho Hà Nội và TP.HCM.

    HUY GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên