Thứ 5, ngày 19 tháng 5 năm 2022
Vì sao ông Nguyễn Hữu Linh vẫn tại ngoại?
TTO - Sáng 6-11, TAND TP.HCM đã tuyên y án sơ thẩm đối với ông Nguyễn Hữu Linh. Tuy nhiên, đến nay ông Nguyễn Hữu Linh vẫn đang được tại ngoại. Vậy việc thi hành án đối với ông Linh sẽ diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Hữu Linh tại phiên tòa phúc thẩm sáng 6-11 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng nay, TAND TP.HCM đã tuyên phạt ông Nguyễn Hữu Linh - cựu phó viện trưởng VKSND TP Đà Nẵng - 1 năm 6 tháng tù về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Đây là phiên tòa phúc thẩm, do đó bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, ông Nguyễn Hữu Linh vẫn được tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú. Việc thi hành án đối với ông Linh sẽ thực thiện như thế nào?
Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết vụ án do TAND quận 4 xử sơ thẩm, TAND TP.HCM xử phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm nên theo quy định của pháp luật sau khi có bản án phúc thẩm, TAND TP.HCM sẽ chuyển bản án cho TAND quận 4 để tổ chức thi hành án.
Theo luật sư Đức, do ông Nguyễn Hữu Linh có hộ khẩu thường thú tại quận Hải Châu, TP Đà Nẵng nên TAND quận 4 sẽ ra quyết định ủy thác cho TAND quận Hải Châu ra quyết định thi hành án đối với ông Nguyễn Hữu Linh.
Về thời hạn thi hành án, theo luật sư Ngô Quang Nhật (Đoàn Luật sư TP.HCM), khoản 2, khoản 3 Điều 364 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định thời hạn ra quyết định thi hành án là 7 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của chánh án tòa án đã xét xử sơ thẩm thì chánh án tòa án được ủy thác phải ra quyết định thi hành án.
Theo điều 22, Luật Thi hành án hình sự, trường hợp người bị kết án đang tại ngoại, quyết định thi hành án phải ghi rõ trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, người bị kết án phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện nơi người đó cư trú, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người đó làm việc.
Do đó, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, ông Nguyễn Hữu Linh phải có mặt tại cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện (quận Hải Châu) để thi hành án. Quá thời hạn này mà ông Linh không có mặt, lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp sẽ thực hiện áp giải để thi hành án.
Cũng theo quy định của pháp luật, trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu sẽ ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt.
Ông Nguyễn Hữu Linh đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm
Sau phiên tòa phúc thẩm sáng nay, ông Nguyễn Hữu Linh đã có đơn gửi chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, đồng thời đề nghị viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy bản án sơ của TAND quận 4 và bản án phúc thẩm của TAND TP.HCM và đình chỉ vụ án.
Trong đơn này, ông Linh cho rằng kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Bởi tại hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều chỉ nhận định Nguyễn Hữu Linh có hành vi ôm hôn vào má bị hại, không xác định được bàn tay phải của Nguyễn Hữu Linh đặt ở đâu nhưng lại "xác định hành vi của bị cáo có đặc điểm thỏa mãn nhu cầu về cảm xúc tính dục đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về thân thể, nhân phẩm, danh dự và sự phát triển bình thường về tâm sinh lý của trẻ em".
"Rõ ràng cáo trạng chỉ mô tả tôi có "hôn vào má" phải, tay. Cáo trạng cũng không xác định tôi có dùng tay sờ mó, hôn hít vào bộ phân sinh dục hoặc chà xát bộ phận sinh dục của mình với bộ phận sinh dục của bị hại. Cáo trạng chỉ xác định có "hôn vào má, tay" như thế thì liệu rằng có đủ cơ sở để khẳng định hành vi này là hành vi "dâm ô" với người dưới 16 tuổi hay chưa? Và nó có phù hợp với hành vi khách quan của tội "dâm ô với người dưới 16 tuổi" hay không?" - đơn viết.
Ngoài ra, ông Linh còn cho rằng Nghị quyết 06/2019 mới xác định hành vi "hôn vào má" là hành vi phạm tội nhưng đến ngày 5-11-2019 Nghị quyết này mới có hiệu lực thi hành cho nên thời điểm đó hành vi của ông không phải là hành vi phạm tội.
-
TTO - Trận bán kết thứ nhất môn bóng đá nam SEA Games 31 giữa U23 Thái Lan và U23 Indonesia đã bắt đầu. Mời bạn đọc theo dõi trực tuyến.
-
TTO - Vừa lắp đặt được 4 ngày, nửa số phao trên các cây cầu qua sông Hồng do nhóm tình nguyện của anh Nguyễn Ngọc Khánh thực hiện đã biến mất.
-
TTO - Tính đến 16h ngày 19-5, đoàn thể thao Việt Nam đã đoạt 140 HCV, 85 HCB và 77 HCĐ, tiếp tục dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương. Như vậy, đoàn thể thao Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu HCV tại SEA Games 31.
-
TTO - Sự cố VĐV Lò Thị Thanh của tuyển điền kinh Việt Nam bị tước HCB nội dung chạy 10.000m nữ vì mang giày sai quy định đã gây ra nhiều tranh cãi.
-
TTO - Nhờ làm căn cước công dân, một phụ nữ ở xã Hoài Châu Bắc (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) đã tìm được thông tin của người chị em sinh đôi thất lạc từ năm 1975.
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận
Xem thêm bình luận