17/05/2005 00:37 GMT+7

Vì sao học sinh không thích văn học cổ?

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
HOÀNG HƯƠNG thực hiện

TT - Văn học góp phần bồi bổ tâm hồn và khơi nguồn cảm xúc vô tận đối với HS. Nhưng làm sao có thể truyền dẫn được cảm xúc yêu thích văn chương đến với HS.

thHI4xvd.jpgPhóng to
Học sinh Trường THPT bán công Marie Curie TP.HCM trong giờ học môn văn - Ảnh: Kim Liên

Ngoài yếu tố nội dung chương trình, dường như vai trò người thầy đối với trọng trách này là hết sức quan trọng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Đoàn Thị Thu Vân, khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phân tích:

- Qua vụ việc của em Phi Thanh, tôi cho có hai nguyên nhân trực tiếp: em Thanh không thích tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc vì trong những tiết học văn giáo viên (GV) không làm cho em hiểu được và cảm nhận được hết cái hay, cái tinh túy của tác phẩm. Mặt khác, chính bản thân HS cũng không có thiện chí muốn tìm hiểu và muốn học thật sự. Tôi thấy thậm chí

nhiều GV ngày nay cũng không thích văn học cổ. Bản thân GV không thích thì không thể truyền đạt cảm xúc của mình đến HS. SV sư phạm khoa văn mà hiểu “hào khí Đông A” là hào khí Đông Á, phân tích Bình Ngô đại cáo nói rằng “Nguyễn Trãi chống giặc Thanh”, có em lại nói là “chống giặc Nguyên”... thử hỏi làm sao giảng dạy cho HS hiểu đúng.

* Nhưng có ý kiến cho rằng văn học cổ rất khó nên cả GV và HS đều ngại đụng tới?

- Ngại vì nhiều lý do: thi pháp, ngôn ngữ của văn học cổ có sự gián cách với thế hệ trẻ ngày nay và có sự khác biệt với thời kỳ hiện đại. Nếu để ý sẽ thấy từ trước đến nay hầu hết các đề thi tốt nghiệp cuối cấp và thi tuyển sinh ĐH, CĐ đều cho văn học hiện đại. Học gì thi nấy, nếu không thi đâu cần học kỹ, tìm hiểu kỹ làm gì.

HS mang tâm lý xem thường những tác phẩm văn học thời kỳ trung đại, chỉ học cho có vì học xong cũng “xếp xó” đâu có sử dụng để thi. GV cũng chủ yếu tìm tòi, giảng dạy kỹ phần trọng tâm là văn học hiện đại để cho HS đi thi. Nếu thay đổi cách ra đề thi, tôi nghĩ GV và HS sẽ có thái độ khác.

Nhiều GV phổ thông cũng than rất nhiều về chương trình không hợp lý và nặng nề theo kiểu: lớp thấp học khó, lớp cao học dễ. Từ trước đến nay, chương trình cứ dạy theo trình tự thời gian: cổ đại, trung đại rồi đến hiện đại.

Trong khi khả năng cảm nhận, độ trưởng thành trong nhận thức của HS lớp 10, lớp 11 yếu hơn HS lớp 12 thì lại bắt các em học những tác phẩm của thời kỳ cổ và trung đại khó, tinh tế và sâu sắc với nhiều tầng ý nghĩa. Không chỉ cách ra đề, đáp án chấm điểm môn văn cũng quá chi tiết với barem quá ư chi li đã ràng buộc người GV một cách cứng nhắc khi chấm điểm, không khuyến khích được sự sáng tạo của HS.

* Như vậy, theo PGS, phải làm sao để dạy và học văn học cổ hiệu quả?

- Ngoài nội dung thi cử, điều quan trọng nhất là làm sao cho cả SV sư phạm (tức các GV sau này) và HS hiểu đúng và sâu, hiểu một cách thấu đáo và cảm nhận được sự thú vị và say mê khi học văn học cổ. Trước hết, chương trình sư phạm nên bớt những môn chung có tính chất đại cương mà tăng thời lượng cho những môn chuyên ngành.

Phải để cho SV sư phạm “tắm mình” trong văn hóa của thời đại đó bằng cách tăng thời lượng học về triết học phương Đông, văn hóa phương Đông, Hán - Nôm... Nếu không có những môn học trên rất dễ dẫn đến việc SV “đứng bên ngoài” khi học văn học cổ.

Đối với HS cũng thế, phải chuẩn bị cho các em một tâm thế và nền tảng khi bước vào chương trình văn học trung đại. Ví dụ như giảng về Nguyễn Đình Chiểu hãy dẫn một câu chuyện hay một giai thoại nào đó cho HS nghe. Rồi trước đó nên có phần giới thiệu những vấn đề về ngôn ngữ, thi pháp, cách miêu tả, diễn đạt, không gian, biện pháp tu từ, lịch sử...

Ví dụ như nhiều HS đã cho là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc lúc quá màu mè, bóng bẩy, lúc lại quá mang tính khẩu ngữ, không văn vẻ tí nào. Như câu “Tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm”, nhiều em đã cười “tấm lòng son sao không nói đại ra là tấm lòng trung thành hay chung thủy đi cho rồi”. Các em đâu biết đặc trưng của văn học cổ là như vậy, là dùng biện pháp nghệ thuật ẩn dụ, tượng trưng, ước lệ...

Rồi “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”. Có em đã vội vàng chê “thơ mà không văn vẻ tí nào, thô thiển quá”. Các em đâu biết “trắng lốp”, “đen sì” mang sắc thái biểu cảm âm tính nhằm thể hiện ý chê và ghét. “Ăn gan”, “cắn cổ” cũng vậy - nếu không biết bài văn tế nói về hình tượng người nghĩa sĩ - nông dân, miêu tả tâm trạng người nông dân ít học chuyên dùng ngôn ngữ bình dị và bộc trực thì đâu hiểu được cái đặc sắc của tác phẩm.

Bên cạnh đó, các trường nên có những hoạt động hỗ trợ việc giảng dạy văn học cổ: làm cho HS hứng thú hơn qua những buổi thuyết trình, thi đọc diễn cảm, đọc thơ, bình thơ, thảo luận theo đề tài, làm bài tập sưu tầm, nói chuyện ngoại khóa...

Khi HS tự nỗ lực kiếm tìm kiến thức sẽ có sự cảm nhận sâu hơn là tới lớp nghe thầy cô giảng bài một cách thụ động. Và thêm nữa, ngoài việc truyền đạt kiến thức cũng cần dạy và hướng dẫn cho HS cách thức cũng như thói quen tự học thêm, đọc thêm...

HOÀNG HƯƠNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên