Phóng to |
Từ trái qua: Chị Tạ Thị Ngọc Thảo, chị Chị Huỳnh Thị Kiều Thu, NSƯT Kim Xuân, chị Nguyễn Thị Tâm và người mẫu Thanh Hằng tại buổi giao lưu trực tuyến sáng 7-3 - Ảnh: Thanh Đạm |
Xem video clip "Hoa hồng cần có...gai"
300 câu hỏi đã được gửi về buổi giao lưu trực tuyến Gai của hoa hồng, do Tuổi Trẻ Online tổ chức vào sáng 7-3-2007, để cùng trao đổi với những người phụ nữ đã và đang khẳng định mình trên nhiều lĩnh vực. Họ, có người đẹp, có người sắc sảo, có người nền nã, có người bình dị..., nhưng tựu trung, đều là những phụ nữ mà sự yếu đuối không lấy đi được nghị lực chinh phục thử thách...
* Người ta nói: đằng sau những người đàn ông thành đạt đều có bóng dáng của những người phụ nữ, những người vợ đảm đang, hy sinh cho chồng. Vậy có phải đằng sau các chị là điều ngược lại? (Dũng, 28 tuổi, nqdung77@)
Các khách mời của chương trình, gồm:
- Nữ doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo, Tổng giám đốc Công ty T.T.N.T., một nữ doanh nhân tên tuổi trong thị trường bất động sản.
- Một trong những "Người phụ nữ làm rung động trái tim Việt Nam", điển hình của tấm gương nghị lực chống chọi với căn bệnh ung thư Huỳnh Thị Kiều Thu.
- Nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân, người đã thể hiện rất nhiều hình tượng người vợ, người mẹ đẹp trên sân khấu và cũng đồng thời là một phụ nữ chu toàn việc nhà ở ngoài đời.
- Chị Phạm Bích Thủy, GĐ Tài năng công ty Unilever
- Chị Nguyễn Thị Tâm, GĐ Công ty ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt
- Cựu hoa hậu ảnh báo Phụ nữ VN, siêu mẫu VN Thanh Hằng
- Chị Tạ Thị Ngọc Thảo: Đằng sau sự thành công của người phụ nữ có bóng dáng của Nhà nước tạo điều kiện, có cộng đồng tạo môi trường và có cả gia đình hậu thuẫn. Thiếu một trong ba điều này, có thể phụ nữ cũng sẽ thành công nhưng ở đỉnh thấp, khó cạnh tranh phụ nữ toàn cầu.- Thanh Hằng: Hằng nghĩ sẽ không ai đứng trước hay đứng sau mà sẽ là đứng ngay bên cạnh nhau. Vì ít nhất khi mình cần một bờ vai thì chỉ cần ngả người chứ không cần quay lại sau lưng.
* Chào chị Kiều Thu! Em từng đọc bài viết về chị và đã viết cảm tưởng khâm phục ý chí và nghị lực sống của chị. Xin chị cho em hỏi: Niềm tin và động lực nào khiến chị yêu cuộc sống đến như vậy? Vì bản thân em có điều kiện hơn chị rất nhiều mà nhiều lúc em cảm thấy mình chẳng muốn sống nữa. Cuộc sống nhiều lúc với em thật vô nghĩa khi mà quan hệ vợ chồng, đồng nghiệp không như mình mong muốn... (Thu Hằng, 40 tuổi, trangthu129@)
- Chị Huỳnh Thị Kiều Thu: Hằng ơi, tên của em có tên của chị, chị là Kiều Thu, còn em là Thu Hằng. Chị luôn yêu cuộc sống này và em chắc cũng yêu nó. Những chặng đường gập ghềnh, khó khăn cũng là hành trang để vượt qua chính mình.
Chị nghĩ cuộc sống rất đẹp, trước kia có Bà Trưng, Bà Triệu, sau này có Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Định, Tạ Thị Kiều và ngày hôm nay thì có các chị như chị Thảo, chị Tâm... đã có những cống hiến cho xã hội mình ngày càng phát triển. Thu Hằng sẽ vượt qua được những khó khăn đó, có thể hơn chị.
Em may mắn hơn chị, vì em đang có mái ấm, tập thể của em. Trong cuộc sống bao giờ cũng có những va chạm và những thắc mắc, vui buồn... nhưng điều đó cũng rất bình thường.
Hẹn gặp em một ngày nào đó! Chúc em vui và may mắn!
Phóng to |
Quang cảnh buổi giao lưu trực tuyến - Ảnh: Thanh Đạm |
- Nguyễn Thị Tâm - GĐ Cty Hồn Việt: Chào bạn, cám ơn bạn đã quan tâm đến nghề nghiệp của tôi. Nhưng không như bạn nghĩ, làm chuyên gia tâm lý mà "lạnh lùng hóa" trong cảm xúc thì không thể giúp gì cho ai được.
Bạn biết không, nếu ta không trải lòng để cảm nhận được những nỗi đau, bức xúc, dồn nén của thân chủ thì không cách gì có thể giúp đỡ họ, khi đó bạn không thể cảm nghiệm điều mà thân chủ đang cảm nghiệm. Làm sao có thể hiểu họ, lắng nghe, chia sẻ và gợi mở cho họ.
Khi tiếp xúc thường xuyên với những nỗi niềm của thân chủ, chuyên gia tư vấn tâm lý không thể chai sạn mà phải có một sức mạnh nội tâm thật mạnh mẽ mới có thể điều khiển cảm xúc của mình cũng như định hướng vấn đề cho thân chủ.
Khái niệm hạnh phúc là một khái niệm mang tính cá nhân, riêng tôi thì nghĩ: Đam mê công việc mà mình đang làm, có nhiều cống hiến cho cộng đồng từ những ý tưởng của mình, cảm thấy thỏa mãn với chính mình, là bạn đã sung sướng trong tâm hồn.
Chúc bạn luôn có cuộc sống hạnh phúc.
Phóng to |
NSƯT Kim Xuân |
- NSƯT Kim Xuân: Phượng ơi, chị chưa đạt đến chữ người phụ nữ vẹn toàn như em nói đâu, cũng phải trải qua va vấp nhiều lắm, được gia đình và mọi người góp ý dữ lắm mới được như bây giờ. Chị nghĩ là cuộc sống chính là nơi giúp mình rèn luyện ngày một tốt hơn. Cảm ơn về sự yêu mến em đã dành cho chị, chúc em khỏe.
* Xin gửi đến các nữ doanh nhân: "Phụ nữ phải được coi là một lực lượng kinh tế nòng cốt" như khẳng định của bà Trần Thị Mai Hương - Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam có phải là điều còn xa vời trong bối cảnh XH Việt Nam hiện nay? (Mai Trần, tranmai@)
- Chị Tạ Thị Ngọc Thảo: Phụ nữ không chỉ là lực lượng nòng cốt trên lĩnh vực kinh tế mà còn là nguồn lực quan trọng của quốc gia. Theo tôi, phụ nữ ngày nay hoàn toàn có thể tham gia lãnh đạo đất nước, điều tiết kinh tế vĩ mô, đối ngoại. Vấn đề là tạo cơ chế để phụ nữ được tham gia như thế nào.
- Chị Phạm Bích Thủy, GĐ Tài năng Unilever: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Theo kinh nghiệm của mình (vì không có số liệu khảo sát), thì điều này không còn xa vời. Lấy một ví dụ nhỏ, trong phạm vi gia đình: thực tế cho thấy, trong nhiều gia đình, phụ nữ hiện nay "vất vả" hơn, vì không phải được chồng "nuôi ở không" như trước đây, mà vai trò là một trong những người tạo thu nhập chính cho gia đình. Nếu nhân rộng con số này ra, nhìn trên phạm vi một khu vực, một quốc gia thì phụ nữ không phải là lực lượng kinh tế nòng cốt sao? Đây là một thực tế rất rõ ở nhiều thành phố, và cũng phổ biến ở các khu vực nông thôn.
* Chị Thanh Hằng ơi, chị có thể cho em biết 8-3 này chị thích nhận quà gì nhất do người ấy của chị tặng? (Nguyễn Bảo Tường, 26 tuổi, baotuong_81@)
- Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam 2002, người mẫu Thanh Hằng: Hiện tại thì chị không có người "ấy" (cười), nhưng nếu có thì cái mà chị nghĩ là quan trọng chính là món quà mà người ấy hiểu mình đang cần gì và muốn gì. Chị nghĩ đó là món quà mà người phụ nữ nào cũng cần và cảm thấy hạnh phúc hơn khi nhận được.
* Có phải y phục, trang sức sẽ làm nên hình ảnh một người phụ nữ? (Mỹ Linh, 19 tuổi, linhmeo@)
- NSƯT Kim Xuân: Ý thức về vẻ ngoài của người phụ nữ, theo chị, đó là kiến thức là văn hóa, là nền tảng của chính người phụ nữ đó. Vẻ ngoài của người phụ nữ chính là hình ảnh của gia đình, là thể diện của chồng con. Khi đến một quốc gia, người ta nhìn vào cách sống, cách cư xử, phong cách ăn mặc của người phụ nữ ở nơi đó sẽ biết được đời sống, văn hóa nơi đó như thế nào.
* Theo chị, người phụ nữ độc thân trong xã hội ngày nay có lợi và hại như nào đối với cuộc sống và cho xã hội. (Lương Kim Nhàn, 26 tuổi, luongkimnhan@)
- Chị Nguyễn Thị Tâm - GĐ Công ty Tâm lý Hồn Việt: Ngày nay, phụ nữ là lực lượng lao động hùng hậu tham gia vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Thật khó để phân tích rạch ròi về yếu tố lợi - hại. Tôi nghĩ rằng, với nhịp sống xã hội công nghiệp phát triển, đời sống của người phụ nữ ngày nay có nhiều biến đổi: áp lực công việc, nhu cấu học tập, thăng tiến nghề nghiệp... đã lấy rất nhiều thời gian của người phụ nữ, làm cho việc lập gia đình trở nên muộn màng hơn. Xét về góc độ gia đình thì độc thân không tốt cho họ, nhưng về góc độ xã hội thì họ có nhiều cơ hội để cống hiến và phát triển bản thân. Vấn đề là họ biết sắp xếp các thứ tự ưu tiên cho kế hoạch cuộc đời mình.
Phóng to |
Chị Kiều Thu |
- Chị Kiều Thu: Hòa thương mến! Trước tiên chị chia sẻ nỗi niềm của gia đình em. Sông có khúc, người có lúc, sinh lão bệnh tử là chuyện thường tình. Cuộc đời của chị lúc tuổi trẻ thì bệnh tật, về già thì lại ung thư. Nếu như chị buồn thì chị phải buồn cả cuộc đời này. Mà như vậy thì mình quá ích kỷ và không trân trọng cuộc đời làm người của mình. Cho nên chị phải cố gắng vượt qua và bảo vệ nó bằng chính sự rèn luyện, chịu đựng và vươn lên. Không ai muốn nỗi đau, khó khăn, bệnh tật đến với mình nhưng nó đã vô tình hay cố ý đến với mình thì chị nghĩ chúng ta phải chịu khó, chấp nhận nó.
Ung thư, chị xem nó như một tế bào trong cơ thể, có lúc chị phải chịu đựng đau đớn với nó, có lúc thủ thỉ với nó... và chị chấp nhận sống chung với nó. Nó đi đến đâu chị đi đến đó và chị nghĩ chị đi đến đâu nó đi đến đó. Mặc dù chị không cống hiến được cho đời nhưng chị muốn sống để nhìn thấy những cống hiến của chị em phụ nữ chúng ta đối với sự phát triển của xã hội. Đó là bí quyết để chị có niềm tin và sống những ngày còn lại mặc dù thân thể đang mang bệnh ung thư quái ác.
Thực tế có những lúc bệnh hành hạ khiến chị không ngóc đầu lên nổi, cảm thấy thần chết đang ở bên cạnh mình. Chị nằm la liệt mấy tháng trời. Ngóc đầu lên thì ngộp thở vì bị tràn dịch màng phổi. Nhưng chị vẫn cố ngóc đầu lên. Ngóc lên nhiều lần như thế. Ý chí chị đã có nhưng thể lực chị phải rèn luyện. Ngồi không được thì chị lăn, có khi bị rớt xuống giường, lúc đó rất đau nhưng chị đã lăn, trườn, lết... tại chỗ và tập đi lên từng nấc cầu thang một... Cho đến 5, 10 nấc cầu thang, và một ngày chị lên được nấc cầu thang của chung cư Miếu Nổi 18 tầng...
Sau đó khi đi ra đường, có một cháu bé tên Tân học lớp 4 chạy theo, níu xe chị và hỏi "Cô có phải là cô Kiều Thu không, con thấy cô trong tivi". Cháu kể mẹ cháu bệnh ung thư chết, cha lấy vợ khác, cháu hiện sống với bà ngoại đã quá già. Cháu chỉ nói đến đó rồi nhìn chị. Bốn mắt nhìn nhau, chị nhìn thấy trong đó lời hứa hẹn sẽ vượt qua hoàn cảnh. Chị nghĩ một đứa bé hoàn cảnh như thế mà cũng cố vượt qua thì chị cũng nên vượt qua bệnh ung thư để sống những ngày ý nghĩa.
Nếu biết địa chỉ của em, chị sẽ đi đến nhà em bằng xe đạp của chị và chị nghĩ nếu gia đình nhìn thấy chị luôn tươi cười thì gia đình sẽ bớt buồn phiền, và có thể sẽ làm được điều gì đó cho người bệnh. Chúc may mắn!
* Tôi là một người đàn ông luôn quan tâm đến sự bình đẳng giới. Tôi hoàn toàn đồng ý sự bình đảng cần thiết. Nhưng tôi đặt câu hỏi cho cánh phụ nữ thế này: Nếu như một ngày nào đó sự bình đẳng nam nữ đạt đến mức tuyệt đối thì người phụ nữ có mất đi nét đẹp vốn có (Chăm sóc gia đình, việc nhà...) của mình hay không? (VNAnh, 25 tuổi, vna_office@)
- Thanh Hằng: Tôi nghĩ là không vì một khi nguời phụ nữ đã hiểu được sự bình đẳng thì sẽ nhận thức và phân biệt được việc chăm sóc gia đình và quan hệ ngoài xã hội. Trong mỗi người phụ nữ luôn tồn tại những yếu tố cũng như những nét đẹp vốn có của họ. Chỉ khác nhau về tư duy, suy nghĩ và cách làm nhưng bản chất thì không thay đổi.
- Chị Nguyễn Thị Tâm - GĐ Cty Tâm lý Hồn Việt: Bình đẳng giới là một khái niệm mà bất cứ người phụ nữ nào cũng nên hiểu nó chỉ mang tính tương đối mà thôi. Không thể nào có sự rạch ròi, bởi thiên chức của người phụ nữ không cho phép họ đòi hỏi sự công bằng ngang ngửa với đàn ông. Bản chất cuộc sống gia đình đòi hỏi phải có sự hy sinh, tận tụy, vén khéo và chu toàn. Điều này thuộc về thiên bẩm của người phụ nữ. Đừng đòi hỏi đàn ông cũng phải như mình.
Theo giả thuyết bạn đặt ra: Nếu có sự bình đẳng tuyệt đối giữa hai giới thì lúc này theo tôi người phụ nữ sẽ mất đi sức hấp dẫn vốn có của họ. Bởi họ chỉ thật sự đẹp trong mắt đàn ông khi họ bộc lộ cái riêng có của mình: nét nền nã dịu dàng, chịu thương chịu khó qua từng hành động chăm sóc gia đình.
- Chị Phạm Bích Thủy: Rất vui được đối thoại với người đàn ông quan tâm đến sự bình đẳng giới.
Bản chất của sự bình đẳng vốn rất đẹp. Lấy ví dụ việc chăm sóc nhà của một cặp vợ chồng đi nhé! Chăm sóc việc nhà là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong gia đình, bao gồm rất nhiều những công việc có tên và không tên, từ việc quét dọn nhà cửa, chăm sóc cây cảnh, giặt quần áo, đi chợ, nấu nướng, sửa chữa vật dụng trong nhà... Người phụ nữ độc thân sẽ phải cáng đáng hết những công việc đó.
Nhưng nếu có một người đàn ông ở bên cạnh, cần phải có sự phân chia rõ ràng và cụ thể (vì không phân chia đồng đều thì sẽ gây ra sự bất mãn vì cảm giác không được tôn trọng - cho dù công việc nhà có ít ỏi), phù hợp theo khả năng và điều kiện thể chất của từng người: anh nấu ăn giỏi thì nên đảm trách việc nấu ăn; em khéo léo thì phụ trách việc chăm sóc cây cảnh; anh rành về điện, thì phải làm công việc sửa chữa vật dụng điện nếu bị hư hỏng; em có thời gian thì phụ trách việc giặt quần áo...
- Chị Kiều Thu: Trong quá trình phát triển của loài người, quy luật tự nhiên là có nam có nữ. Trước kia nam giới được nhiều quyền, lợi... còn nữ giới bị bức ép, ràng buộc... Qua từng thời kỳ, đến giai đoạn hiện nay, phụ nữ có điều kiện để phát triển về mọi mặt và có những đóng góp quan trọng cho xã hội. Những điều kiện ấy do xã hội và do cả cánh đàn ông đàn ông tạo ra, đối với người phụ nữ, đó là niềm vui, hạnh phúc, là thành công... và điều đó không hề làm mất đi nét đẹp vốn có của họ.
Phóng to |
Chị Tạ Thị Ngọc Thảo (thứ hai từ phải qua) |
2) Là chuyên gia về bất động sản và đô thị, chị có ý tưởng hay mong muốn gì đối với TP.HCM với tính cách là trung tâm hay là vùng kinh tế vùng ven biển quan trọng nhất của cả nước? (nguyễn trung, 70 tuổi, nguyentrung-vt@)
- Chị Tạ Thị Ngọc Thảo:
1) Năm nay, là năm đầu tiên nước ta hội nhập trọn vẹn vào nền kinh tế thế giới, cũng là năm bầu cử Quốc hội, tôi vẫn nghĩ Quốc hội là cơ quan lập pháp, là một tổ chức có quyền lực cao nhất. Vì vậy, là một người dân, tôi kỳ vọng Quốc hội khóa XII thực hiện trọn vẹn quyền lực của mình và có tiếng nói độc lập, để xứng đáng là đại biểu của nhân dân.
2) Là một doanh nhân lâu năm trong ngành bất động sản, tôi chân thành góp ý với Nhà nước về lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị. Nên chăng, Nhà nước nên hạn chế đến mức thấp nhất những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng rải rác trên khắp tỉnh thành (cảng biển, cảng hàng không, kinh tế cửa khẩu, v.v...) không mang lại hiệu quả kinh tế. Nên dành nguồn lực đó để xây dựng những khu đô thị vệ tinh, những khu đô thị mới có quy mô lớn, như thế sẽ căn cơ hơn.
Một ví dụ cụ thể, TP.HCM đang thực hiện dự án Thủ Thiêm có quy mô 7,7 km2 (770ha); theo tôi, vùng đất Thủ Thiêm là một vùng đất đẹp, quý hiếm, hoàn toàn có thể xây dựng một Phố Đông - Sài Gòn giống như Phố Đông Thương Hải (522km2) và quỹ đất để thực hiện dự án này là toàn bộ huyện Thủ Đức cũ (huyện Thủ Đức, Quận 9 và Quận 2) với quy mô 211,50 km2.
Tôi xin được phép cảnh báo, sai sót trong quy hoạch, phát triển, xây dựng đô thị là không có cơ may sửa sai.
* Xin chào chị Tạ Thị Ngọc Thảo. Xin hỏi chị rằng để có được vị trí như ngày hôm nay, chị có thể kể vài nét về quá trình học tập, phấn đấu và nhất là hậu phương vững chắc như cha mẹ chị cũng như gia đình riêng của bản thân chị đã góp phần như thế nào vào cho sự thành công hiện nay của chị không. (Nguyên, 24 tuổi, start_0803@)
- Chị Tạ Thị Ngọc Thảo:
Tôi là một người có khởi điểm bằng không, nếu không muốn nói là nhỏ hơn không. Nhưng tôi luôn có ý thức tự học và tự đào tạo. Tôi tin rằng con người ta chỉ có thể thông qua giáo dục mới thay đổi thân phận của mình. Tôi được nhiều người trong xã hội biết đến như một người ham học và tự học là chính.
Nhân đây, tôi cũng xin được cám ơn những người thầy (không dạy ở trường) đã chia sẻ kinh nghiệm, sách vở, thông tin để rút ngắn khoảng cách trí tuệ. Tôi cũng xin cảm ơn một số trường Đại học đã tạo điều kiện cho tôi đến dự giờ ở những môn tôi cần thiết bổ sung kiến thức, chuyên môn. Và cảm ơn các thầy cô ở Chương trình Kinh tế Fulbright Việt Nam đã "xé rào", cho phép tôi được học dự thính bất cứ khóa học nào tôi có nhu cầu, điều chưa từng có ở trường. Từ những tấm thịnh tình của xã hội, nếu tôi không trưởng thành thì thật sự là có lỗi.
* Tôi muốn được chia sẻ nghị lực từ chị Huỳnh Thị Kiều Thu, điều gì đã giúp chị có đủ tự tin và nghị lực để vượt qua đường dài Trường Sơn dài thăm thẳm với nhiều khó khăn và vất vả như thế? (Trần Thị Kim Thoa, 27 tuổi, thoakimln@)
- Chị Kiều Thu: Chị năm nay 57 tuổi, Kim Thoa 27 tuổi, được Thoa gọi bằng chị, chị rất vui và hạnh phúc! Thoa ơi! Tật nguyền rồi lại bệnh ung thư, tuổi trẻ rồi đến tuổi già. Nhưng chị còn hạnh phúc hơn các đồng đội đồng chí của chị đã "mãi mãi tuổi 18, 20" trên đường Trường Sơn huyền thoại. Đó là một động lực mà chị tự giác, tự một mình "về nguồn" tìm đến các nghĩa trang liệt sĩ. Chị quá xúc động khi đến nghĩa trang Đồng Lộc, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, trên 10.000 anh hùng liệt sĩ nằm lại đó. Sự hi sinh quá lớn nên dù có đi một lần, 2 lần hay nhiều lần để thắp nén hương thầm, chị cũng thấy mãn nguyện.
Trong cuộc sống của chị, hàng ngày khi luyện tập, chị luôn đặt cho mình một mục tiêu và nhất định phải đạt mục tiêu đó. Ví dụ chị đặt cho mình mỗi lần phải đạp xe vài tiếng đồng hồ, mỗi lần 30 phút, khi về nhà mà vẫn chưa đủ 30 phút, chị lại đạp xe đi xung quanh cho đến khi đủ 30 phút… Những lúc “ghiền” phim, chị vừa xem vừa tập bước chân lên xuống… để quên nỗi đau và tăng thể lực… Tất cả đã thành thói quen nên khi đi đường Trường Sơn, quãng đường quá dài “thăm thẳm chiều trôi”, chị vẫn thấy nó trong những lúc chị luyện tập ở nhà.
* Tại sao hoa hồng lại có gai? (Minh Huệ, 21 tuổi, macon@)
- Chị Tạ Thị Ngọc Thảo: Gai là để phân biệt hoa hồng khác với các loài hoa khác, nếu ai đó lựa chọn hoa hồng để yêu thì xin sẵn lòng yêu luôn gai của hoa hồng. Hoa hồng sẽ được yên tâm hơn rất nhiều trong cuộc sống nhờ vào những cái gai nhỏ xíu của mình. Xin đừng ai toan tính chuyện bẻ gai để làm mất đi sự khác biệt của hoa hồng với các loài hoa khác.
- Thanh Hằng: Đẹp và luôn biết tự bảo vệ mình.
- Chị Phạm Bích Thủy, GĐ tài năng Unilever: Cảm ơn câu hỏi thú vị của bạn. Theo mình, hoa hồng đẹp đẽ đem hạnh phúc đến cho người khác (người khác được nhìn ngắm, thư giãn, tạo được những ý tưởng/ cảm xúc tích cực...). Phụ nữ cần luôn là một đóa hoa hồng trong cuộc đời này. Tuy nhiên, để việc đem hạnh phúc đến cho những người lương thiện, việc cống hiến cuộc đời mình cho cuộc sống được lâu bền, hoa hồng cần có gai để tự bảo vệ mình và chống lại những kẻ ích kỷ, xấu tính muốn bẻ cành hái hoa cho riêng mình mà không nghĩ đến số phận của hoa hồng và niềm hạnh phúc của những người khác nữa.
* Xin gửi đến các chị câu hỏi: Khi cuộc sống đặt ra cho chúng ta nhiều thử thách, các chị có thấy mình dũng cảm khi đã có nghị lực vượt lên sự đánh đố của số phận, để có những gì của ngày hôm nay? Và khi đã vượt qua, các chị có cảm giác... coi thường cánh đàn ông không? (Kim Trân, 30 tuổi, kimtran@)
- NSƯT Kim Xuân: Đánh đố với số phận, vượt qua mọi thử thách là đặc tính của con người, không riêng ở phụ nữ. Khi cảm thấy tự tin trước cuộc sống, tôi thấy mình bình đẳng với mọi người. Và tại sao phải coi thường đàn ông hả bạn?
- Chị Phạm Bích Thủy: Sự coi thường người đàn ông (nếu có) sẽ không bao giờ xuất phát từ việc bản thân người nữ vượt qua được những khó khăn của mình, mà xuất phát từ việc chứng kiến người đàn ông không có nghị lực để vượt lên những hạn chế của chính mình. Cuộc sống là luôn luôn thử thách. Bản thân tôi ít khi xem là dũng cảm khi vượt qua được những thử thách và khó khăn, mà tôi thấy việc phải vượt qua nó là cần thiết để tồn tại và cống hiến lâu dài hơn cho cuộc sống.
* Thanh Hằng có vẻ ít điều tiếng với những scandal, có phải vì Thanh Hằng khéo léo hay bạn biết chọn cho mình một lối sống chừng mực? (Ngọc Minh, 24 tuổi, minhmeo@)
- Thanh Hằng: nhiều người hay có cái nhìn quá khắt khe về nghề người mẫu hay bất cứ người nào làm nghệ thuật. Riêng bản thân Hằng, đối với cách làm việc hay trong mối quan hệ bạn bè, Hằng nghĩ mình cũng là một cá thể của xã hội nên cách làm luôn có sự chừng mực. Bản thân cảm nhận được cái nào đúng, cái gì sai để mà làm. Nên không có bất cứ chuyện gì có thể làm ảnh hưởng đến lập trường của Hằng được. Chắc vì thế mà những scandal tránh xa Hằng chăng! (cười)
* Có người nói: "Đằng sau thành công của một người đàn ông là một người phụ nữ, còn đằng sau sự thành công của một người phụ nữ là một chậu đồ chưa giặt", các chị nghĩ sao về điều này? Và nói gì với những người đó để thay đổi suy nghĩ của họ. (HNK, 25 tuổi, reddevil123vn@)
- NSƯT Kim Xuân: Vui lắm khi đọc câu ví von của em. Không phải chỉ là một chậu đồ chưa giặt đâu em ạ mà là một núi công việc không tên, những công việc không được ghi vào sách, không thể đếm trên đầu ngón tay được và cũng không thể kể khổ cho ai, ngay cả đối với mẹ mình, vì mẹ sẽ nói là "đó là công việc của mình mà con, không ai có thể kế tục công việc này ngoài mình".
Một nửa của đời mình nếu thông cảm, chỉ cần họ làm hết những phần việc người ta thường bảo người đàn ông phải làm trong gia đình đã quí lắm rồi, không thì người phụ nữ còn phải cáng đáng luôn phần việc này thì tội lắm các ông ơi...
* Chị Kiều Thu ạ, tôi đang bị bệnh viêm gan C mà đã muốn chết cho xong, nghị lực của chị thật hiếm có, đúng là hoa hồng thật đẹp và phải có gai, còn tôi chắc là hoa bụp trước cửa nhà nên vấp ngã rất đau và đang đau lắm chị ạ. (Nguyễn Thu Thảo, 54 tuổi, Thaonhaque2006@)
- Chị Kiều Thu: Thu Thảo thương mến! Nhức đầu sổ mũi hay viêm gan C hay bệnh ung thư như chị Kiều Thu đều thấy khó chịu và đau đớn, nhất là nỗi đau về tinh thần. Nếu em cố gắng, em vẫn là "hoa hồng có gai". Em hãy chặn và đừng để viêm gan C biến thể thành giai đoạn đầu của ung thư mà hãy cho nó tan biến theo cố gắng và nghị lực cộng của em thêm khoa học, thuốc men... Chị tin rằng em nhất định sẽ lành bệnh trong thời gian ngắn nhất (từ 18 tháng đến 2 năm). Chị cũng có người bạn như thế và đã hết bệnh. Chúc Thảo mau lành bệnh và hẹn gặp nhau! Hoa nào cũng là hoa, em à!
* Chị Kim Xuân ơi tôi là một hoa hồng nhưng lại không gai vì tôi luôn luôn phải chiều chồng để có cuộc sống yên nhà. Có lần tôi cải tổ đã không chiều chồng dù việc ấy rất nhỏ thế là có chuyện ngay. Chị giúp tôi với vì tôi cảm thấy mình quá bị thiệt thòi, không có gì là cho riêng mình cả. (Nguyễn Thu Thảo, 54 tuổi, Thaonhaque2006@)
- NSƯT Kim Xuân: Tôi không biết kinh nghiệm của bản thân khi áp dụng vào chuyện của chị Thảo thì có thể thành công không. Thật lạ chị ạ, người chồng có thể là niềm vui nhưng cũng là nỗi buồn lớn nhất của người phụ nữ. Tôi có thể vững vàng trước những lời phê bình của mọi người, nhưng lại hết sức mất tự tin chỉ với một câu nói vô trách nhiệm của chồng. Qua nhiều lần đã góp ý nhưng vẫn không sửa đổi, tôi đã lao vào tập thể dục, sinh hoạt với nhiều bạn bè trong câu lạc bộ, rút được nhiều kinh nghiệm của những chị em khác cũng như mình, tôi dần lấy lại sự lạc quan với cuộc sống và tìm ra được phương cách đối phó.
* Thưa chị, ngày nay với cơ chế hội nhập, mở cửa thì phụ nữ cần những tố chất gì? Làm sao để nâng cao năng lực, vị thế của chị em? (Tam, 20 tuổi, lam_sao_tot_cho_ca_hai_2002@)
- Chị Tạ Thị Ngọc Thảo:
Mục tiêu cao nhất của người phụ nữ Việt Nam trong thời toàn cầu hóa là phấn đấu trở thành người phụ nữ có tầm ảnh hưởng toàn cầu trên những lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, v.v… Nếu không đặt ra mục tiêu cao như thế thì cộng đồng thế giới sẽ dễ dàng lãng quên phụ nữ Việt Nam.
Tuy vậy, để Việt Nam có những người phụ nữ “lớn” thì rất cần môi trường xã hội như một Nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự thật sự. Tôi hy vọng sắp tới chúng ta sẽ có những người phụ nữ có tầm thế giới như bà ngoại trưởng Mỹ C.Rice, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Phó Thủ tướng Trung Quốc Ngô Nghi...
* Tôi không đồng ý với ý kiến của chị Thảo khi chị nói rằng, phụ nữ đừng tự ru ngủ mình với việc nuôi con khỏe dạy con ngoan. Bởi trên hết, phụ nữ tượng trưng cho nguồn cội của mọi sự bắt đầu. Nếu phái nữ không làm tốt thiên chức ấy, phải chăng chúng ta đã xóa mờ khái niệm về giới, về những thiên chức! Mỗi người một vai trò, làm tốt vai trò của mình không hơn sao so với việc cố ganh đua vị trí, vai trò của nhau. (Trinh Lâm, 33 tuổi)
- Chị Tạ Thị Ngọc Thảo: Với người phụ nữ Việt Nam của chúng tôi, niềm hạnh phúc lớn là niềm hạnh phúc với gia đình, là nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Nhưng, phụ nữ Việt Nam thời nay, thời toàn cầu hóa, không tự cho phép mình sống như thế.
Việt Nam của chúng ta là một đất nước có GDP tăng trưởng cao vào loại nhì thế giới nhưng lại là một trong những nước kém phát triển (GDP 720 USD/người). Phải chăng, đây là điều hổ thẹn của người Việt Nam chúng ta? Và nỗi hổ thẹn này theo tôi giới nam và giới nữ bằng nhau (nếu không muốn nói rằng phụ nữ hổ thẹn hơn vì chúng tôi nhạy cảm hơn). Vì thế, chúng tôi nào dám ru ngủ mình với niềm hạnh phúc riêng tư, trong khi chúng tôi có khả năng đóng góp cho xã hội nhiều lần hơn như thế.
* Gửi NSUT Kim Xuân: Trong việc làm nghệ thuật, chị có đứng trước những cám dỗ không? Nếu có, chị bảo vệ mình và phản ứng như thế nào để trọn vẹn đôi đường? (Mai Linh, 25 tuổi, banana@)
- NSƯT Kim Xuân: "Khi người ta còn trẻ, chuyện gì cũng có thể xảy ra". Chị thấy vui vì mình đã vượt qua được sóng to vì tay chèo khá vững. Trong những chuyện này, có lúc người phụ nữ chỉ có một mình để đương đầu với thử thách, không dám thổ lộ cả với một nửa của mình "Ôi, sao bất công quá ha!"... Nói thế thôi, giờ thì chị có thể hãnh diện mà nghe con trai nói: "Con tự hào về mẹ"!
* Thưa chị Tâm, được biết chị là nữ doanh nhân đầu tiên có ý tưởng độc đáo trong lĩnh vực tâm lý. Vậy với vai trò tiên phong trong công việc tổ chức chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cá nhân và doanh nghiệp chị có gặp những khó khăn gì không ạ?! (Nguyễn Đào Hoa, 30 tuổi, sun2609@)
- Chị Nguyễn Thị Tâm - GĐ Cty Tâm lý Hồn Việt: Cám ơn bạn đã cho tôi một câu hỏi thật hay. Công ty Ứng dụng Khoa học Tâm lý Hồn Việt ra đời từ ý tưởng được chăm sóc sức khỏe tinh thần cho cộng đồng, doanh nghiệp.
Xuất phát từ thực tế xã hội, làm cho đời sống tinh thần ngày càng thiếu thốn, con người bị căng thẳng, mệt mỏi tinh thần sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy: làm việc kém hiệu quả, tâm lý bất ổn, dễ nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình cũng như các mối quan hệ nơi công sở.
Nhất là trong các doanh nghiệp VN hiện nay, có một sự lãng phí rất lớn về nguồn nhân lực do vấn đề mâu thuẫn nội bộ, trên bảo dưới không nghe làm thất thoát rất nhiều lợi nhuận của doanh nghiệp... Tất cả những điều đó đều từ những nguyên nhân tâm lý gây ra.
Nếu quan tâm đến việc chăm sóc đời sống tinh thần sẽ mang lại sự mạnh mẽ trong tâm hồn, sự sáng tạo trong công việc, hòa khí trong công ty...
Là người đi đầu bao giờ cũng gặp nhiều khó khăn bạn ạ, chúng tôi ví mình như những người đi rừng, vạch cho mình một lối đi, dần sẽ thành một con đường, rồi từ từ trở nên quốc lộ. Điều quan trọng là mình phải dám đi, có đi thì mới đến, mới thành hình...
Hành trình của chúng tôi cũng đầy bất trắc, gian khó vì từ cơ chế đến dư luận đều tạo ra những rào cản mà chúng tôi phải vượt qua. Biết là sẽ gian khổ, thiệt thòi nhưng tôi vẫn luôn tự động viên mình: Vinh quang luôn thuộc về những người đi đầu.
* Xin được hỏi NSUT Kim Xuân: Chị diễn xuất rất giỏi. Vậy trong vai trò một người phụ nữ của gia đình, có khi nào chị vận dụng tiểu xảo, nghệ thuật sân khấu vào đấy không? Cảm ơn chị. Chúc chị luôn là một diễn viên tài giỏi và được mến mộ. (Ngọc phượng, 27 tuổi, hoaphuong@)
- NSƯT Kim Xuân: Từ khi có một gia đình riêng, tôi thường được chồng gọi là người luôn ngu ngơ với cuộc sống. Tất cả chỉ tập trung cho công việc nên với đời thường tôi còn phải học hỏi nhiều lắm và tôi thật sự thán phục những người phụ nữ lăn lộn ngoài cuộc sống, đối phó với mọi thử thách để có được một công việc vững vàng, một gia đình ỗn định. Cảm ơn bạn về lời chúc, mong Phượng có thật nhiều sức khỏe và nhiều niềm vui.
* Tôi cũng thừa nhận rằng về mặt tâm lý nói chung, đàn ông thường có cảm giác tự ái khi cảm thấy bị phụ nữ qua mặt. Nhưng xét về lý trí, tôi nghĩ rằng là có xu hướng ngược lại. Thật ra theo tôi, vấn đề là ở chỗ: Những phụ nữ thành đạt về mặt xã hội, đa số thường giảm đi nữ tính trong các tiếp xúc với người khác giới (có thể do ảnh hưởng của sự thành đạt ấy), đôi khi một số có vẻ gì đó như là lãnh đạo. Tôi dám đảm bảo: 100% đàn ông không thể có hứng thú với những phụ nữ như thế. Không biết suy nghĩ của quí vị thế nào? Có thể cho mình một tầm nhìn nào khác hơn không? (Lê Đình Trung, 28 tuổi, ldtrungtv@)
- Chị Tạ Thị Ngọc Thảo: Nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê có viết: “Trong xã hội có hai loại người: (i) yêu vì mình, (ii) yêu vì người”.
Như tôi hiểu, loại người “yêu vì mình” là muốn người bạn đời của mình yêu mình theo kiểu của mình muốn. Loại “yêu vì người” là vui trong niềm vui của người bạn đời, hạnh phúc trong niềm hạnh phúc của người bạn đời và xem sự thành công của người bạn đời là sự thành công lớn của bản thân và gia đình mình. Thưa anh Lê Đình Trung, anh thuộc loại người nào trong hai loại người trên?
- Chị Phạm Bích Thủy: Trước hết cần định nghĩa như thế nào là nữ tính. Theo ý kiến của riêng tôi, nữ tính hay nam tính là những biểu hiện theo cách riêng của từng giới, cho những phẩm chất chung của con người như: biết lắng nghe, hiểu biết, cân bằng, vị tha, yêu thương, đại lượng... Nữ tính không phải là sự tự ép mình lại, tự thu nhỏ mình lại, tỏ ra khiêm tốn quá mức... khi mình thành đạt.
Tôi hoàn toàn thống nhất 100% với bạn là, không đàn ông nào có hứng thú với phụ nữ thành đạt ra vẻ "lãnh đạo, cửa quyền", đặc biệt là những người đàn ông thiếu tự tin, luôn tự ái khi thấy phụ nữ qua mặt. Nhưng tôi không nhất trí với bạn về nhận định: phụ nữ thành đạt về mặt XH, thì giảm đi nữ tính trong cách tiếp xúc với người khác.
Báo chí không thiếu những ví dụ về phụ nữ thành đạt có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nếu không có những nét đẹp "đắc nhân tâm" trong giao tiếp với người khác giới, làm sao họ có thể tiếp tục thành công trong môi trường công việc (nơi không chỉ có phụ nữ với nhau); làm sao họ có thể thành công trong gia đình với chồng con vui vầy?...
Phóng to |
Người mẫu Thanh Hằng |
- Thanh Hằng: theo Hằng thì cách đối xử giữa con người và con người rất quan trọng trong cuộc sống. Vì một người có giỏi đến như thế nào nhưng không có được điều này thì cũng bằng thừa. Hình thức cũng quan trọng nhưng không có nghĩa là mình tập trung quá vào bề ngoài mà đánh mất đi nét đẹp bên trong.
Vì người ta có câu: “Không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết cách làm đẹp”. Cho nên vẻ đẹp hình thức chỉ là yếu tố rất nhỏ để đánh giá một con người. Mình ý thức để cân đối được vẻ đẹp bên ngoài và bên trong thì đó là một vẻ đẹp mà Hằng nghĩ là rất hoàn hảo.
"Cách đối xử giữa con người và con người rất quan trọng trong cuộc sống. Vì một người có giỏi đến như thế nào nhưng không có được điều này thì cũng bằng thừa".
* Tháng 7 này, Thanh Hằng sẽ đại diện cho người đẹp VN sang Thượng Hải (Trung Quốc) tham dự cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa quốc tế. Không biết trách nhiệm này có nặng với hoa hậu báo Phụ nữ VN 2002 không? Hằng sẽ đem đến với bạn gái năm châu những điều gì về phụ nữ VN? (Ngọc Tuyết, 22 tuổi, vienkeodeo@)
- Thanh Hằng: Hình như bạn đã nhầm lẫn vì Hằng đã tham gia cuộc thi này cách đây 2 năm. Tất nhiên trách nhiệm phải có nhưng không vì thế mà mình tự gây áp lực cho chính mình. Người phụ nữ Việt Nam hay ở bất cứ nơi đâu thì Hằng nghĩ cũng vậy, đều có sự duyên dáng, đảm đang, thông minh và sự tự tin cả. “Phía sau người đàn ông thành công, luôn có bóng dáng một người phụ nữ”, câu này thường đúng hơn với người phụ nữ Việt Nam.
* Với phụ nữ, không nên nói đến bình đẳng mà phải là bình quyền, tức là, người phụ nữ cũng phải được quyền như nam giới trong xã hội (ở đây không nói đến mấy giới tính khác). Còn chuyện bình đẳng là không thể, vì cấu tạo thể chất và sinh lý của mỗi giới khác nhau, dẫn tới vai trò, chức năng nhiệm vụ của mỗi giới trong xã hội cũng phải khác nhau. Các chị, các mẹ nghĩ gì về điều này. Đâu phải nam làm cái gì, nữ cũng làm cái đó và ngược lại. Vấn đề ở chỗ, quyền lợi của mỗi giới về mặt xã hội phải là như nhau? (Mẹ ơi, 01 tuổi, meoi@)
- Chị Tạ Thị Ngọc Thảo trả lời về “bình đẳng giới” của tất cả các email về vấn đề này:
Đúng ra là giới nam không nên để giới nữ lên tiếng yêu cầu thực hiện bình đẳng, bình quyền. Theo tôi, nếu không bình đẳng và bình quyền giữa nam và nữ thì không chỉ giới nữ chịu thiệt thòi mà là toàn xã hội cũng thiệt thòi theo. Có người đàn ông nào trên Trái đất này không do phụ nữ sinh ra, nuôi, dưỡng, dạy dỗ (vừa dạy, vừa dỗ).
Hãy thử đặt ra một viễn cảnh: “Người mẹ đi làm việc để kiếm tiền nuôi con, sức lao động bỏ ra bằng nam giới, nhưng nhận mức lương thấp hơn, vì thế đời sống của cả mẹ và con chật vật hơn. Người vợ đi làm để phụ chồng lo gia đình lại bị giảm biên chế bởi cơ quan ưu ái cho lao động nam, vì thế thu nhập gia đình bị giảm đáng kể. Người con gái đi xin việc làm bị từ chối vì cơ quan thích nhận lao động nam hơn lao động nữ, dẫn đến mất nhiều cơ hội.
Thế rồi điều gì xảy ra? Phải chăng, toàn bộ gánh nặng gia đình chất lên đôi vai của người nam giới. Người nam giới lúc này chỉ còn quần quật với cái ăn, cái ở, cái mặc của những người thân (đành phải nặng về phần “con”, nhẹ về phần người). Trí tuệ, sức khỏe, tâm hồn; vì thế cũng “nghèo”. Lập tức, toàn xã hội sa sút, kinh tế chậm phát triển, v.v…
Nên chăng, thế giới nên chọn một ngày tốt lành dâng tặng (không phái trao hay cho) phụ nữ tính bình đẳng và bình quyền. Như thế, gia đình sẽ hạnh phúc, xã hội sẽ hài hòa và thế giới sẽ phát triển bền vững.
* Thưa cô Kim Xuân, cháu rất tâm đắc với câu nói 'Không có cái cân nào cân được tình Mẹ dành cho con". Là một nghệ sĩ rất thành công với những vai diễn về Mẹ, về những người phụ nữ chịu thương chịu khó, cô có những lời khuyên gì cho chúng cháu những người còn Mẹ và mất Mẹ với một Kim Xuân đời thường. Cám ơn Cô. (Huyen Nhung, 22 tuổi, huyennhung856@)
- NSƯT Kim Xuân: Thượng đế đã cho người phụ nữ đặc quyền được sinh con. "Đứa con là núm ruột của mình" cho nên tình thương mẹ dành cho con là điều thật tự nhiên. Người ta nói "sức mạnh lớn nhất làm thay đổi thế giới là tình yêu", chị nghĩ sức mạnh tình thương người mẹ dành cho con còn lớn lao hơn điều này nhiều. Người mẹ có thể hy sinh tất cả vì con, ngay cả tính mạng cũng không tiếc.
Tình yêu của cháu dành cho mẹ bây giờ cũng sẽ là tình yêu của những đứa con dành cho cháu mai sau. Khi luôn nghĩ về mẹ, chúng ta vẫn luôn có mẹ bên mình. Những ai còn mẹ và không còn mẹ hãy luôn sống sao cho đúng với những gì mẹ mong muốn về mình.
Phóng to |
Chị Nguyễn Thị Tâm (bìa trái) |
- Nguyễn Thị Tâm - GĐ Cty Tâm lý Hồn Việt: Đây là một câu hỏi khá thú vị! Theo tôi:
+ Phẩm chất số 1 của người phụ nữ thành đạt là người phụ nữ có tri thức. Chính tri thức sẽ giúp họ sức mạnh xóa bỏ ranh giới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
+ Phẩm chất kế tiếp là sự cân bằng tâm lý trong đời sống công việc và đời sống gia đình. Xã hội hiện đại đòi hỏi người phụ nữ thành đạt phải có sức mạnh nội tâm rất lớn mới có thể kiểm soát được chính mình.
+ Phẩm chất cuối cùng đó là người biết tổ chức cuộc sống và chăm sóc bản thân để cảm nhận ý nghĩa và giá trị cuộc sống mà chính mình tạo ra.
* Theo các chị, với phụ nữ VN ngày nay - mà nhất là các bạn gái trẻ, đâu là "vũ khí" lợi hại nhất đối với họ? Cảm ơn các chị? (Ngọc Trân)
- Chị Tạ Thị Ngọc Thảo: Phải biết thực hiện hài hòa triết lý “SẮC” và “KHÔNG”. “SẮC” nghĩa là một khi đã xác định rõ mục tiêu cần phải đạt thì phải đạt bằng được để “có ra có”. Và “KHÔNG” là phải biết quên bản thân mình sống vì mọi người (gia đình, dân tộc, cộng đồng…), vì những điều cao cả, thiêng liêng. Sự trải nghiệm của bản thân cho tôi một kinh nghiệm: Khi mình quên mình thì được nhiều người nhớ, khi mình nhớ mình thì lại bị mọi người quên.
- NSƯT Kim Xuân: Không phải riêng cá nhân chị, từ lâu rồi cái duyên và sự dịu dàng của phụ nữ luôn là phụ nữ lợi hại nhất. Với hai "vũ khí" này, có thể dùng nó thuyết phục được mọi người, mọi vấn đề mà vẫn để lại tình cảm, ấn tượng tốt đẹp. Cảm ơn câu hỏi của bạn.
- Chị Phạm Bích Thủy: Với chị, vũ khí lợi hại nhất của phụ nữ là tình yêu (không chỉ đơn thuần là tình yêu vợ chồng, trai gái mà là tình yêu với bất cứ những gì trong cuộc sống của mình) và sự kiên định. Tình yêu có thể giúp mình vượt qua rất nhiều trở ngại và sự kiên định giúp mình đi đến chiến thắng đúng thời điểm mình mong muốn.
* Phan Văn Trường: Chào chị Thảo, trong lớp Cao học Kinh tế Đô thị tại trường ĐH Kiến trúc, tôi đã nói như sau với các em sinh viên và Thành Ủy, nhân dịp ngày Phụ nữ Thế giới:
“Thầy ra ngoài đề trong 5 phút nhân ngày Phụ nữ Thế giới và xin thưa với các em rằng: “Thầy rất buồn đàn ông Việt Nam không hoặc chưa cư xử với người đàn bà/phụ nữ của họ một cách đúng đắn, trên mọi mặt. Phụ nữ Việt Nam đẹp nhất thế giới, dù không được như xưa nhưng vẫn còn đức hạnh nhất thế giới, yêu chồng, con, gia đình và tinh thần trách nhiệm. Ngày nay, dù phải đi làm suốt ngày mà vẫn còn tiếp tục cáng đáng chợ búa như xưa. Thậm chí, còn thờ phụng cha mẹ chồng, tổ tiên của chồng.
Thầy thấy rất buồn cho đàn ông của chúng ta là đàn bà của chúng ta, trời cho của quý mà không biết giữ lấy! Để rồi người nước ngoài họ chỉ có một giấc mơ là có vợ Việt Nam! Và họ đã không ngần ngại, đưa lễ tới xin cưới hỏi phụ nữ chúng ta. Pháp, Mỹ, Hàn, Nhật, Mã Lai, Hoa, Đức, Anh, Tây Ban Nha, họ đều hạnh phúc tràn trề khi có vợ Việt Nam. Mà vợ Việt Nam của họ cũng hạnh phúc tràn trề.
Chúng ta phải biết kiểm điểm và tự trách. Dù phụ nữ của chúng ta có quyền tự do bản thân cưới bất cứ ai họ muốn, tuy nhiên họ có bao giờ muốn cưới người nước ngoài đâu. Họ chỉ mong có chồng trong nước yêu quý họ thôi. Chỉ có một hoài bão đơn giản và dễ hiểu như thế thôi mà ít ai có được.
Thêm vào đó, người đàn ông Việt Nam lấy vợ nước ngoài cũng KHÔNG hạnh phúc, do chính họ (đàn ông Việt Nam).
Thầy là Việt kiều, về nước thấy vậy xin lên tiếng với các em trai trong lớp của Thầy: Đàn ông nước ngoài họ quý vợ của họ lắm. Làm gì cũng chia sẻ với vợ, vợ buồn họ cũng không vui. Hoài bão riêng của vợ hoặc chồng đều chia sẻ với nhau. Các em nên nghĩ lại cho Thầy. Và nhân ngày hôm nay là ngày Phụ nữ, chúng ta, nam giới, đứng dậy vỗ tay đa tạ nữ giới mà Trời phù hộ ban cho đất nước chúng ta, cho đàn ông chúng ta”.
Tôi nói đến đó thì các em sinh viên nữ cũng đứng dậy vỗ tay, cám ơn tôi.
Kể chuyện đó để chị Thảo nghe cho vui và không biết chị có suy nghĩ gì về vấn đề trên?
- Chị Tạ Thị Ngọc Thảo: Cám ơn ông Phan Văn Trường đã nói thay giới nữ của chúng tôi.
* Quan hệ giữa vợ tôi và mẹ chồng đang trở nên căng thẳng. Nguyên nhân chỉ do những va chạm nhỏ hàng ngày, thê nhưng hai người đã có những lời lẽ xúc phạm đến nhau và không ai hỏi ai. Bản thân tôi đang rất lúng túng trong việc giải quyết mối quan hệ này làm sao cho thuận hoà, qua buổi giao lưu trực tuyến này tôi muốn nhận được những kinh nghiệm về cách cư xử giữa nàng dâu và mẹ chồng? (Nguyễn Quang, 37 tuổi, hp_agribank@)
- NSƯT Kim Xuân: Lời nói vào những thời điểm này lắm khi chỉ làm cho mối bất hòa ngay càng sâu sắc hơn. Hãy đợi đến lúc thích hợp nói với mẹ những suy nghĩ tốt đẹp mà vợ bạn đã dành cho mẹ; nói với vợ tình thương chân thành mà mẹ bạn đã có với vợ, trong đó có sự nghiêm khắc của bậc làm cha mẹ đối với con cái, chứ không chỉ riêng với nàng dâu. Hãy giúp họ có cái nhìn theo xu hướng thiện ý về nhau.
Kim Xuân nói với kinh nghiệm đã sống ở nhà cha mẹ chồng là người Huế 20 năm, có những lúc tôi những tưởng mình sẽ phải về nhà mẹ ruột để sống vì những nỗi bất hòa không biết giải bày cùng ai. Lúc đó chồng Xuân cũng "bó tay" thì chính cha chồng là người đã phân tích thiệt hơn, nói về ưu và nhược điểm của cả hai người, khuyên giải Xuân rất nhiều, đồng thời thuyết phục mẹ chồng Xuân thông cảm với những hạn chế khách quan do đặc thù nghề nghiệp mà Xuân đang có. Chắc gia đình bạn cũng có một ai đó như cha chồng của Kim Xuân. Mong bạn giữ bình tĩnh vì thời gian rất có lợi trong chuyện này và tìm ra được cách giải hòa giữa hai người phụ nữ thân yêu nhất của bạn.
* Em nghe nói chị tốt nghiệp sư phạm tâm lý gần 15 năm, nhưng đến gần đây chị mới bắt tay vào công việc chuyên ngành đã học của mình. Chị có thể chia sẻ với em và mọi người về công việc của chị? (Câu hỏi dành cho chị Nguyễn Thị Tâm) (Nguyễn Đào Hoa, 30 tuổi, sun2609@)
- Chị Nguyễn Thị Tâm - GĐ Cty Tâm lý Hồn Việt: Cám ơn bạn. Tôi rất thích câu hỏi của bạn. Thú thật phải truân chuyên qua nhiều công việc, nghề nghiệp từ khi ra trường, vì cuộc sống xã hội lúc đó chưa quan tâm đến vấn đề tâm lý con người, nếu không nói là chưa cần xài đến những người làm chuyên môn tâm lý như chúng tôi. Nhưng tôi thì phải tồn tại mới mong ôm ấp những hoài bão, ước mơ của mình đến cùng.
Có một điều tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ: một khi con người sống với những ước mơ, lý tưởng của mình, người ta sẽ ôm ấp, thờ phụng nó suốt đời, cho dù cuộc sống có bể dâu. Nếu bạn cam kết giữ vững mục tiêu cuộc đời, chắc chắn có ngày bạn sẽ thực hiện được ước mơ.
Bản thân tôi cũng vậy, loay hoay với đủ thứ nghề nhưng vẫn đau đáu trong lòng niềm đam mê nghề tâm lý của mình. Công ty Tâm lý Hồn Việt ra đời là niềm hạnh phúc lớn lao, là tâm huyết của bao tháng ngày ấp ủ, chờ đợi của chúng tôi.
Công việc của chúng tôi hiện nay rất bộn bề. Vì những ứng dụng tâm lý vào cuộc sống và công việc giúp thay đổi một thói quen sống của mọi người, cần phải được chăm sóc, chia sẻ và giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn trong đời sống tâm lý.
Tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều rất cần sự ứng dụng các giá trị tâm lý. Đó là mục tiêu mà Công ty Hồn Việt chúng tôi muốn hướng đến.
* Mới đây do có duyên, tôi đọc được bài trả lời phỏng vấn của chị Tạ Thị Ngọc Thảo "Suy nghĩ lớn và gương mặt của đồng tiền", và ngay lập tức bị cảm phục bởi cách tư duy thật sáng sủa, sâu sắc và đầy lòng nhân ái của chị. Cho phép tôi được thể hiện lòng ngưỡng mộ đối với chị.
Xin có hai câu hỏi dành cho chị: Chị là người mẹ như thế nào trong cuộc sống? Chị thường nhấn mạnh những điều gì khi dạy các con mình? Xin cảm ơn và chúc chị sức khỏe! (Huong Giang, 36 tuổi, phamjanna@)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận