16/04/2020 08:00 GMT+7

Vì sao bị đau cẳng chân khi đi hay chạy?

BS PHAN MỸ HẠNH
BS PHAN MỸ HẠNH

Ai cũng biết lợi ích của đi hay chạy bộ đối với cơ thể, và có ý nghĩa tăng cường sức khỏe phòng tránh dịch COVID-19. Tuy nhiên, nếu bạn tập không đúng cách sẽ có nguy cơ bị đau cẳng chân sau tập luyện.

Vì sao bị đau cẳng chân khi đi hay chạy? - Ảnh 1.

Tập không đúng cách sẽ có nguy cơ bị đau cẳng chân sau tập luyện - Ảnh: TUẤN DƯƠNG

Một trong ba trường hợp bạn có thể gặp phải như sau:

1. Đau xương cẳng chân (shin splints)

Đó có thể là một cơn đau âm ỉ dọc mặt trước cẳng chân, tăng lên khi tập cường độ cao như chạy, hoặc đau ở phía bên trong xương cẳng chân, có thể kèm sưng chân nhẹ bàn chân.

Các vận động viên, vũ công và tân binh là những người có khả năng bị đau xương cẳng chân rất cao do có sự thay đổi, hoặc tập luyện thể chất quá mức ảnh hưởng đến các gân, cơ và mô xương.

Cơn đau thường hết sau khi bạn ngưng chạy bộ, hoặc luyện tập thể thao. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cơn đau vẫn có thể tiếp tục và nhất là về đêm gây tình trạng khó ngủ.

Để giảm đau, bạn cần phải tránh các hoạt động gây đau, bạn có thể kết hợp hoặc thay đổi cách luyện tập như tập thể dục nhẹ nhàng, đạp xe đạp hoặc bơi lội.

Nếu vẫn còn khó chịu, bạn hãy thử các loại thuốc giảm đau không kê toa, như acetaminophen (Pananol), naproxen natri, hoặc ibuprofen. Để giảm sưng, bạn hãy chườm túi nước đá vào chỗ đau từ 15 đến 20 phút mỗi lần x 4 đến 8 lần trong ngày.

Thông thường sau 2-4 tuần, bạn có thể chạy lại nhưng chậm và ít hơn. Nếu cơn đau tái phát bạn nên chuyển qua một môn thể dục khác.

2. Gãy xương do căng thẳng (Stress fracture)

Gãy xương do hoạt động quá mức, thường gặp khi chơi các môn thể thao với hành động được lặp đi lặp lại, như chạy, bóng rổ, bóng đá hay thể dục dụng cụ. Trong trường hợp này, bạn có thể gặp triệu chứng đau âm ỉ ở một vùng cụ thể trên cẳng chân kèm theo bầm tím, đỏ hay sưng nhẹ.

Để giảm đau: bạn nên dừng hoạt động gây gãy xương cho đến khi bác sĩ cho phép. Thời gian phục hồi có thể từ 6 đến 8 tuần. Chườm đá vào vùng đau để giảm sưng và viêm. Băng ép cẳng chân bằng băng mềm để giảm sưng. Khi nằm luôn nhớ nâng chân lên cao hơn tim càng lâu càng tốt.

3. Hội chứng chèn ép khoang (compartment syndrome)

Đây là tình trạng cơ và thần kinh bị chèn ép mãn tính do tập thể dục. Hội chứng này thường gặp ở người chạy bộ, cầu thủ bóng đá, vận động viên trượt tuyết và cầu thủ bóng rổ. 

Triệu chứng ban đầu của hội chứng này là bạn có cảm giác đau hay bỏng rát, chuột rút, bó chặt, tê hoặc ngứa ran hay bị yếu ở cẳng chân. Trong trường hợp này bạn cần nghỉ ngơi, nên khám bác sĩ để được chỉ định tập vật lý trị liệu, mang giày chỉnh hình, uống thuốc kháng viêm hoặc phẫu thuật.

Trong khi tập thể dục, hay chạy bộ, bạn bị gây đau đột ngột và dữ dội, có thể bạn bị hội chứng chèn ép khoang cấp tính, thường liên quan đến chấn thương, khi đó nên được cấp cứu ngoại khoa can thiệp.

Tóm lại, tập thể dục là tốt nhưng cần vận động vừa sức để tránh các chấn thương, đặc biệt luôn lắng nghe cơ thể để khỏe hơn mỗi ngày.

Nên dành ít nhất 30 phút để tập thể dục hàng ngày, rèn luyện sức khỏe dẻo dai thông qua các bài tập thể dục phù hợp với thể trạng của bản thân như yoga, thể dục nhẹ nhàng, đi bộ, chạy bộ, đạp xe…

Đặc biệt, mỗi người cần tuân thủ các nguyên tắc để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng như: giữ khoảng cách với người khác khi tập luyện, rửa tay thường xuyên, tránh sờ vào mắt, mũi, miệng...

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tập thể dục thường xuyên, đúng cách, ăn uống đủ chất có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường sức khỏe phòng tránh dịch Covid-19.

B.H

BS PHAN MỸ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Chạy bộ