21/07/2006 00:15 GMT+7

Vị đắng còn lại của tình làng nghĩa xóm

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Người đàn ông ấy đến tìm tôi trong những ngày tự do cuối cùng trước vòng lao lý. Anh nói: “Tôi sắp phải thi hành án phạt của pháp luật, nhưng tôi muốn con tôi biết rằng cha nó không phải tội phạm mà đó chỉ là một phản ứng rất con người. Con tôi phải được yên tâm về danh dự và giá trị của mình...”.

X4uoB7l8.jpgPhóng to
Các biên bản lời khai nhân chứng, kiến nghị và đề xuất xử lý của hội phụ nữ , công an phường...
TT - Người đàn ông ấy đến tìm tôi trong những ngày tự do cuối cùng trước vòng lao lý. Anh nói: “Tôi sắp phải thi hành án phạt của pháp luật, nhưng tôi muốn con tôi biết rằng cha nó không phải tội phạm mà đó chỉ là một phản ứng rất con người. Con tôi phải được yên tâm về danh dự và giá trị của mình...”.

Chị Tu., vợ anh, qua những cơn khủng hoảng đã lấy lại được sự bình tĩnh, cô con gái 14 tuổi cũng đang tập làm quen với nghịch cảnh. Nhưng đến nhà họ, tôi lại cảm thấy một vị đắng chắc sẽ còn tồn tại rất lâu trong khu xóm nhỏ...

Lời chửi bới và cánh tay vung lên

Bảy năm về trước, bé Q. - con gái của anh N. (TP Biên Hòa, Đồng Nai) - mới chỉ là một cô bé 7 tuổi. Một lần đang lững thững dạo chơi trong xóm bé bị một người đàn ông bằng tuổi ông nội mình bế vào lòng, vuốt ve, cưng nựng với ý đồ xấu. May mắn có người hàng xóm trông thấy, la lớn lên, cha mẹ bé chạy ra và mọi việc dừng lại ở đó.

Thời gian trôi qua, chuyện không vui đã lùi vào quên lãng, cô bé lớn lên hồn nhiên và xinh tươi, mọi chuyện quanh em không chút nào vướng bận...Thế nhưng, vì một chút xích mích trẻ con giữa hai đứa bé mới vừa vào lớp 1 (một là em trai Q., một là cậu bé ở cùng xóm, học cùng lớp) mà cô T. ở nhà đối diện bỗng nhiên sinh ra thù ghét gia đình em. Cô ta chửi bới, khiêu khích.

Cô ta chờ Q. ôm cặp đi học bước ngang là chỉ trỏ, khơi lại chuyện ngày xưa một cách xuyên tạc và áp nó vào tương lai của em. Hai mẹ con nhẫn nhục chịu đựng không được, nói chuyện phải trái không được, chỉ biết về nhà ấm ức. Q. sinh ra hoang mang, thắc mắc về câu chuyện ngày xưa, cứ hỏi mẹ mãi rồi mặc cảm bỏ ăn, bỏ học. Chị Tu. đau lòng, quyết tâm bảo vệ con nên viết đơn trình bày sự việc với công an và chính quyền địa phương nhờ can thiệp.

Biết có đơn lên công an, sự thù nghịch của T. càng lồng lộn, những cuộc chửi bới diễn ra trước cửa nhà chị Tu. om sòm và cay độc hơn bao giờ hết. Một buổi tối, chị ta lại đứng trước cửa và tiếp tục màn độc diễn. Tối ấy anh N. có ở nhà...

Thấy con gái khóc lóc, ủ rũ, thấy vợ buồn bực phát bệnh, dù đã khuyên nhủ cả nhà kiên nhẫn và bình tĩnh chờ chính quyền xử lý nhưng lúc ấy anh N. không thể không làm nhiệm vụ của một người chủ gia đình. Bước ra nói chuyện phải trái nhưng anh chỉ nhận lại được những tràng chửi rủa độc địa, những câu thách thức, khiêu khích. Không nín nhịn được nữa, N. vung tay lên, cái đồng hồ trên tay anh văng vào mặt T....

Giám định pháp y kết luận “gãy xương chính mũi, tỉ lệ thương tật 12% tạm thời”. Anh N. xin lỗi và bồi thường 3 triệu đồng nhưng gia đình T. không đồng ý, đòi bồi thường thêm. Thỏa thuận không đạt được, sự việc được đưa ra tòa.

Tòa sơ thẩm thành phố Biên Hòa tuyên phạt N. sáu tháng tù giam về tội “cố ý gây thương tích”. Anh kháng án, xin cấp phúc thẩm xem xét lại về trường hợp bị kích động mạnh dẫn đến hành vi phạm tội, xem xét hành vi trái pháp luật của chị T. Kèm theo đơn kháng án là các biên bản lời khai của xóm giềng, những người đã chứng kiến T. chửi bới chị Tu., xúc phạm nhân phẩm bé Q., kiến nghị của hội phụ nữ, công an phường đề nghị xử lý hành vi của T....

Nhưng tòa phúc thẩm lại vẫn kết luận: “Bị cáo trình bày việc bị hại liên tục xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm con gái và vợ chồng bị cáo... Quá trình tố tụng cấp sơ thẩm, cơ quan điều tra và truy tố chưa làm rõ nên cấp phúc thẩm không đủ chứng cứ kết luận bị hại có lỗi nghiêm trọng dẫn đến bị cáo bị kích động mạnh về tinh thần...”. Tòa phúc thẩm tuyên y án.

“Phải dọn nhà đi thôi”

Chị Tu. đổ bệnh nặng, anh N. mất việc ở công ty và được cho phép hoãn thi hành án ba tháng để chăm nuôi vợ nằm viện, chăm sóc Q. thi tốt nghiệp cấp II rồi thi vào lớp 10. Cậu con trai học lớp 1 cứ hỏi mãi: “Bạn con nói má nó đã cho ba vào tù, phải không?”... Cảnh nhà buồn như chưa khi nào buồn hơn.

Và những ngày này, giấy gọi thi hành án đã được gửi đến nhà, anh N. vẫn cố lái những chuyến xe hàng thêm ngày nào hay ngày ấy để làm tròn vai trò lao động chính trong gia đình. Chị Tu., bé Q. vốn đã lặng lẽ lại càng lặng lẽ hơn, ngồi trong nhà mà cứ thon thót liếc sang nhà hàng xóm. Chị bảo không có tiền nhưng dù gì cũng phải tính đến chuyện dời nhà, tìm một khu xóm khác với những người láng giềng khác “để thằng bé được tự do chơi đùa, để con gái không phải e ngại, sợ hãi...”.

Đó mới chính là điều phải lo lắng, suy nghĩ nhất, hơn cả án phạt tù. Sự bình yên rất lớn mà người ta đáng ra phải có khi bước về khu xóm quen thuộc của mình đã mất đi, tình xóm giềng tối lửa tắt đèn đã mất đi, chỉ còn lại tai họa. Chị Tu. rầu rĩ : “Trước giờ tôi vẫn xem gia đình bên đó là ân nhân, chính chồng cô ta là người đã phát hiện sự việc ngày xưa nên bé Q. không bị hại. Ai ngờ bây giờ lại xảy ra chuyện thế này...”.

Những người dân trong khu phố kể: “Chúng tôi nghe chị T. vô cớ xúc phạm cháu Q., ai cũng phẫn nộ mà không biết làm thế nào, vì tính tình chị ta rất quá quắt không ai muốn dính líu”. Lá đơn kiến nghị của hội phụ nữ phường viết: “Là một người phụ nữ đã có gia đình, lẽ ra chị T. phải thấu hiểu, thông cảm, sẻ chia với nỗi đau tinh thần mà một cháu bé đã phải chịu đựng từ sự việc xảy ra cách nay bảy năm.

Vậy mà chị lại vô cớ vu khống, nhiều lần cố ý nhục mạ nhân phẩm cháu Q. bằng những lời lẽ cay độc trước mặt mọi người... Hành vi đó của chị T. là không thể chấp nhận được”. Công an phường cũng viết trong biên bản: “Đã mời chị T. lên làm việc, nhưng với thái độ quanh co, chối cãi, coi thường pháp luật, cô T. không thừa nhận việc làm sai trái của mình mà còn ngang ngược, kiêu ngạo, chửi bới, bỏ về, gây khó khăn cho công an không thể ghi được lời khai...”.

“Phải dọn nhà đi thôi” - chị Tu. cứ nhắc đi nhắc lại dù rằng chị vẫn còn chưa biết mình sẽ dựa vào khoản thu nhập nào để sinh hoạt, đóng tiền học cho con trong thời gian anh N. thi hành án. Hẳn nhiên rồi trong gia đình họ cơn bão cũng sẽ qua đi, nhưng cái hố sâu ngăn cách giữa hai nhà đối diện sẽ chẳng bao giờ liền lại được, vị đắng trong tình nghĩa xóm giềng cũng sẽ không thể mất đi...

_________________

Sáng nay tôi có đọc bài viết "Vị đắng còn lại của tình làng nghĩa xóm" của tác giả Phạm Vũ trên số mà không khỏi thương cho cô bé tên Q. và gia đình chị Tu. anh N ấy.

Ngày xưa tới nay, người ta đã từng nói tới "Tình làng nghĩa xóm" và hàng xóm "Tối lửa tắt đèn có nhau". Vậy mà bây giờ, ai cũng được ăn học đàng hoàng, lại còn bao nhiêu phương tiện thông tin giúp cho nhận thức của con người được tốt hơn mà chuyện như vậy lại xảy ra, làm cho một gia đình đang yên ấm, hạnh phúc lại rơi vào chỗ bế tắc như thế. Nhưng đau khổ hơn nữa - theo tôi, là nỗi ám ảnh để lại trong lòng bé Q. đáng thương ấy.

Đáng lẽ ở độ tuổi như em, phải được yên ổn về mặt tinh thần và chú tâm vào việc học hành, nhưng "người hàng xóm" ấy đã làm cho tâm hồn em bị tổn thương ghê gớm, và tôi nghĩ rằng nỗi đau ấy sẽ không bao giờ có thể xoá đi trong em, và nói xa hơn một chút, sau này sẽ thế nào nếu những người đến với em cũng có những suy nghĩ hơi cổ hủ, hay cho dù là người rộng lượng đi, thì mặc cảm trong em sẽ mãi in sâu.

Tôi nghĩ rằng, gia đình anh N. và chị Tu. nên chuyển đi nơi ở khác là một giải pháp hợp lý trong hoàn cảnh này. Đó không phải là một hành động trốn chạy hay chấp nhận sự thiệt thòi về mình mà là nhằm tạo cho Q. có một cuộc sống yên ổn và hạnh phúc hơn về mặt tâm lý.

Tuy nhiên, không chỉ một mình tôi mà tôi nghĩ rằng tất cả những người đọc bài báo này - đặc biệt là những người phụ nữ đã làm mẹ rất bất bình về thái độ và việc làm của người phụ nữ tên T. ấy. Chỉ vì một việc cỏn con của con trẻ mà chị ta nỡ chà đạp lên nhân phẩm của người khác như thế là hoàn toàn không thể được và phải bị trừng trị thích đáng. Hơn nữa, chị ta cũng là một người mẹ, tại sao lại có thể hành động như thế, nếu chị ta ở địa vị là chị Tu. thì việc xảy ra xô xát chắc đã có từ lâu rồi chứ không phải đến tận bây giờ.

"Bán anh em xa mua láng giềng gần", "láng giềng gần" của nhà chị Tu. đã từng là ân nhân thật đấy - vì anh chồng chị ta đã lên tiếng bảo vệ lẽ phải, nhưng giá như người vợ cũng thế, và chị ta hiểu biết hơn thì tốt, đằng này chị ta đã để sự việc đi xa quá đà. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là cơ quan chính quyền đã không giải quyết dứt điểm về mối hiềm khích này. Tôi biết rằng Hội phụ nữ đã cố gắng giải quyết, công an phường cũng đã tham gia nhưng cũng chỉ là những giải quyết cầm chừng mà không có động thái nào nhằm chấm dứt chuyện này.

Và sự việc lên đến đỉnh điểm khi mà anh N. không thể chịu đựng được những lời lẽ cay độc người phụ nữ ấy dành cho con mình. Ở một cương vị một người cha ấy, bất cứ ai cũng không thể giữ được bình tĩnh và nói chuyện một cách nhẹ nhàng, muốn tìm cách giải hoà, và với tính cách như chị T ấy thì chắc chắn anh N không thể nói chuyện theo kiểu "hoà bình" được. Tôi không ủng hộ hành động làm trái pháp luật nhưng tôi trân trọng cách mà một người cha chân chính bảo vệ danh dự của con gái mình. Nếu không có hành động ấy thì không biết chuyện lăng mạ em Q. sẽ còn phải tiếp diễn đến bao giờ.

Anh N. phải chịu trách nhiệm về việc anh gây thương tích cho chị T., điều đó rất rõ ràng, nhưng còn những mất mát và tổn thương về phía em Q. và gia đình chị Tu. anh N thì ai sẽ chịu? Tôi cho rằng chị T. phải trả giá cho những gì mà chị ta gây ra và mong rằng các cơ quan luật pháp phải có những quy định rõ ràng và mang tính chất cưỡng chế cho những ai xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của người khác dù bằng hành động hay lời nói.

Nếu chưa đủ chứng cứ thì Tòa phúc thẩm được và nên hoãn phiên tòa yêu cầu tăng cứu, sao phải vội phán quyết vậy? Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm cháu Q của "bị hại" trong vụ án "Cố ý gây thương tích" đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay chưa sao khong yêu cầu điều tra làm rõ? Tôi cho rằng cần kiến nghị VKSNDTC và TANDTC xem xét Giám đốc thẩm bản án Sơ thẩm, Phúc thẩm và xem xét toàn diện vụ việc không để lọt tội pham.

Hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác của người đàn bà hàng xóm kia phải bị trừng trị! Trong toàn bộ bài viết về vụ việc này không thấy đề cập tới "Tổ Hòa giải cơ sở". Vì sao?

Như thông tin trong bài, tôi rất thông cảm với anh N và gia đình anh, đặc biệt là hai con của anh. Tuy nhiên, lẽ ra anh đã có thể làm một việc gì đó tốt hơn là đánh người để rồi ra tòa và vào tù tạm giam. Pháp luật là cho tất cả mọi người và không ai nằm ngoài pháp luật. Anh đáng lẽ phải có chứng cứ về sự xâm hại tinh thần gia đình mình ngoài những văn bản của các cơ quan đoàn thể xã hội. Thật đơn giản, đó là một cuộn băng ghi âm những gì người ta đã xúc phạm anh và gia đình anh một cách công khai. Anh hãy lấy nó hay bằng cách nào đó có được nó. Và mọi chuyện với anh sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Cho đến bây giờ, tôi nghĩ việc này vẫn chưa muộn. Chúng ta phải thay đổi những gì cần thay đổi.

Pháp luật không để người có tội sống nhởn nhơ ngoài vòng lao lý. Anh N (bố Q) có tội phải bị xử, chị T (người hàng xóm) bị hại về thể xác cũng như bị tổn thương tinh thần (vì vết thương của chị ta nằm ở vùng mặt) được bồi thường là đúng.

Nhưng tôi nghĩ với cách xử lý của anh N thì không có gì sai cả. Thứ nhất: mình là người đàn ông không muốn nhiều lời với một người được xã hội đánh giá như chị T "bất chấp" không cần nghe ai cả; Thứ hai: Anh T không có hành vi cố ý, anh vẫn nhận thức về hành vi của mình, nhưng sự việc xảy ra ngoài ý muốn, ngoài nhận thức cá nhân của anh ta; Thứ ba: Anh N là chỗ dựa lớn về cuộc sống và tinh thần cho gia đình, anh phải thể hiện sự tin tưởng của gia đình đối với anh. Bảo vệ danh dự cũng như nhân phẩm cho gia đình đặc biệt là con gái mình.

Khi con người ta, đặc biệt là người trụ cột của gia đình, đứng trước sự khủng hoảng tinh thần của cả nhà trong gia đình thì anh ta không còn con đường nào khác là phải xác tín niềm tin cho mọi người đã từng tin tưởng mình. Tôi không chấp nhận những hành vi xâm hại thể xác, đặc biệt hơn là xâm hại tới tinh thần, danh dự nhân phẩm của người khác.

Trong sự việc trên, ta cần quan tâm hơn đó là nhiệm vụ của: Cơ quan hội phụ nữ địa phương, Cơ quan lãnh đạo địa phương (Công an địa phương). Nếu hai cơ quan trên có cách giải quyết triệt để và cân nhắc thì có thể không có sự việc thương tâm như ngày hôm nay.

Tôi mong sao giờ này, hai con anh N phải thông cảm cho hành động của cha mình, chị nhà anh N càng tôn trọng quý thương anh N hơn. Mong cơ quan Nhà nước đại diện pháp luật làm đúng chức năng và đúng luật để đem niềm vui tiếng cười cho người bị hại, và không để những con người phá rối xóm làng tự mãn.

Trên thế giới hay ở Việt Nam, hành vi xúc phạm nhân phẩm người khác phải bị buộc tội. Nếu như vụ việc được giải quyết hợp tình hợp lý một cách nhanh chóng theo đơn thư mà gia đinh anh N. và chị Tu đã gởi các cơ quan chức năng; nếu như nhân phẩm của gia đình anh được bảo vệ thì có xảy ra sự việc anh N bỗng trở thành người phạm tội không? Anh N chấp nhận trở thành người phạm tội sau khi đã khuyên nhủ vợ con cố gắng giữ bình tĩnh và kiên nhẫn là một hướng diễn biến rất hợp lý nhằm bảo vệ vợ và con mình khi mà cơ quan chức năng đã không thực hiện.

Chúng ta biết rằng nền văn hóa văn minh ngày nay, nhân phẩm là giá trị tinh thần có ý nghĩa rất to lớn. Con người ta có thể sống, chiến đấu trong khó khăn về vật chất, nhưng rất dễ dàng gục ngã, và đầu hàng vì khó khăn về tinh thần. Tôi vẫn rất hi vọng vào một phiên tòa ở cấp cao hơn để trả lại công bằng cho xã hội: kẻ xúc phạm nhân phẩm người khác (đặc biệt nạn nhân bị xúc phạm lại là trẻ vị thành niên đang ở độ tuổi rất dễ bị tổn thương, dễ bị ảnh hưởng đến cuộc sống tương lai) phải bị trừng trị đích đáng. Tôi kêu gọi chúng ta hãy đấu tranh cho trường hợp này để nó sẽ là một tiền lệ tốt đẹp, làm cho cuộc sống của chúng ta văn minh hơn.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên