09/09/2010 08:52 GMT+7

Vị bộ trưởng của giáo dục vị nhân sinh

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Chỉ một tuần sau khi được giao nhiệm vụ đứng đầu Bộ Quốc gia giáo dục, vị bộ trưởng đầu tiên của nước VN dân chủ cộng hòa đã trình Chính phủ hàng loạt quyết định quan trọng.

Tốt nghiệp khoa luật ĐH Đông Dương, tấm bằng cử nhân luật thời bấy giờ sẽ là tiền đề tốt để anh thanh niên Vũ Đình Hòe dự tuyển làm quan hành chính hoặc tư pháp trong bộ máy cai trị thuộc địa của Pháp.

Nhưng một lần tình cờ chứng kiến cảnh dân An Nam sụp lạy “cụ lớn” công sứ Pháp khiến anh tân cử nhân từ bỏ ý định làm quan. Anh tiếp nối truyền thống gia tộc đã sáu đời liên tục giữ nghiệp ông đồ. Mới 21 tuổi nhưng đã là một thầy giáo dạy tư có tiếng, Vũ Đình Hòe được mời giảng dạy ở hai trường danh giá đất Hà thành lúc bấy giờ là Trường Thăng Long và Gia Long.

Nhà báo làm... bộ trưởng giáo dục

Năm 1941 (năm ấy ông Hòe 29 tuổi), tờ báo Thanh Nghị ra đời và ông được cử làm chủ nhiệm (êkip thực hiện tờ báo còn có Phan Anh, Vũ Văn Hiền, Đỗ Đức Dục...). Tờ báo chuyên nghiên cứu các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đối với công cuộc kiến thiết quốc gia trong tương lai.

Trên tờ báo này, ông Hòe đã viết nhiều bài chuyên đề về giáo dục mà sau này xuất bản thành sách như Những phương pháp giáo dục ở các nướcvà vấn đề cải cách giáo dục (Thanh Nghị tùng thư, Hà Nội, 1945), Một nền giáo dục bình dân (NXB Đại La, Hà Nội, 1946).

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Vũ Đình Hòe được bổ nhiệm chức bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục, khi ấy ông mới 33 tuổi. Theo hồi ký của ông (do gia đình cung cấp): “Sau này tôi mới được biết Bác Hồ có đọc báo Thanh Nghị (xuất bản từ tháng 5-1941 đến tháng 8-1945 - PV). Biết tôi trăn trở nhiều với nền giáo dục cho mọi người bình dân nên Bác mới cử tôi - một nhà giáo bình thường, nguyên chủ nhiệm một tờ báo - làm bộ trưởng giáo dục đầu tiên của nhà nước vì dân”.

“Một tuần sau khi được giao phụ trách Bộ Giáo dục, tôi và các anh em đồng sự xin phép được yết kiến Hồ Chủ tịch. Anh bảo vệ cao lớn dẫn chúng tôi lên phòng Bác. Trời đã nhá nhem. Thoáng thấy chúng tôi, Bác tươi cười, vẫy tay: “Muộn rồi đấy! Ta tranh thủ làm việc, nhỉ?”.

- Thưa Cụ chủ tịch. Chúng tôi xin phép trình bày ba việc để xin Cụ chỉ giáo.

- Tôi nghe. Việc thứ nhất?

- Dạ, việc thứ nhất: Hưởng ứng lời kêu gọi của Cụ cho đồng bào cả nước diệt ba tên giặc: giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm, Bộ Giáo dục chúng tôi trình Cụ dự thảo sắc lệnh thanh toán nạn mù chữ. Trong vòng một năm thành lập Nha Bình dân học vụ và chuyển mọi cơ sở vật chất, tài liệu, các cấp quản lý và giáo viên của Hội truyền bá quốc ngữ sang ngành học mới này.

- Bộ định cử ai phụ trách?

- Dạ, đây có mặt trong đoàn là đồng chí Nguyễn Công Mỹ, nguyên chi hội trưởng truyền bá quốc ngữ Hải Phòng.

- Được, tôi tán thành ra sắc lệnh này và sẽ trình Chính phủ quyết định. Đến việc thứ hai?

- Chúng tôi đề nghị Chính phủ chỉ thị cho Bộ Giáo dục: ngay niên học tới đây trong tất cả các trường, kể cả trường đại học, chỉ được dùng tiếng Việt khi học, khi dạy và trong các kỳ thi.

- Hay đấy. Nhưng có sợ vội quá không? Các ông đã chuẩn bị đủ chưa?

Theo sự phân công trước, anh Nguyễn Văn Huyên - giám đốc Nha đại học vụ và anh Ngụy Như KonTum - giám đốc Trung học vụ, trả lời: Thưa, đã có bắt đầu chuẩn bị. Cách đây hai năm, nhóm anh em khoa học và tạp chí Khoa Học đã bàn bạc và viết bài về vấn đề này. Các ông Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển, Nguyễn Duy Thanh... đã biên soạn xong cuốn Danh từ khoa học đối chiếu tiếng Pháp và tiếng Việt. Mấy tháng trước nghỉ hè đã có dạy thử ở đôi nơi. Việc khó nhưng thưa, quyết tâm thì làm được ạ. Chúng tôi xin hứa với Chủ tịch.

- Thế thì bộ ra quyết định đi. Còn việc cuối cùng là việc gì?

Tôi nêu vấn đề cải cách giáo dục, đề nghị thay thế hẳn nền giáo dục vị học thuật (kiểu Pháp - đào tạo những bậc tài hoa) bằng nền giáo dục vị nhân sinh (kiểu Anh - Mỹ, đào tạo những nhà hành động, sớm phân chuyên ngành, phân từ rộng đến hẹp, sớm dạy nghề sát với yêu cầu xây dựng kinh tế và chú trọng dạy đạo làm người.

(Trích Hồi ký Vũ Đình Hòe - tư liệu do gia đình cung cấp)

Ngày 8-9-1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ nhân dân lâm thời nước VN dân chủ cộng hòa, ông Võ Nguyên Giáp (lúc bấy giờ là bộ trưởng Bộ Nội vụ) đã ban hành sắc lệnh số 17 “Đặt ra một Bình dân học vụ trong toàn cõi VN”.

Sắc lệnh số 19 về mở lớp học buổi tối trong cả nước cho nông dân và thợ thuyền: “Trong hạn sáu tháng, làng nào và đô thị nào cũng phải có ít ra là một lớp học dạy được ít nhất 30 người”. Sắc lệnh số 20 về việc học chữ quốc ngữ đối với người VN: “Trong khi đợi lập được nền tiểu học cưỡng bách, việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng VN trên 8 tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân VN nào trên 8 tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ sẽ bị phạt tiền”.

Chưa đầy ba tháng sau khi nhậm chức, mặc dù đất nước đang gặp vô vàn khó khăn, bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã táo bạo đề nghị mở cửa lại Đại học Đông Dương (ĐH Quốc gia VN giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt, bây giờ là ĐH Quốc gia Hà Nội).

“Đây mới là hướng đào tạo đúng”

“Gần 30 năm làm việc cho ngành tư pháp. Sau này khi đã về hưu vui vầy bên con cháu nhưng bố tôi vẫn rất tâm huyết với giáo dục. Nhà tôi có bảy anh chị em thì bốn người tiếp nối theo nghề dạy học của bố. Trong gia đình, hễ nói chuyện đến vấn đề giáo dục là cụ rất hào hứng. Năm 83 tuổi, cụ chuyển vào TP.HCM ở với vợ chồng tôi.

Cụ chủ động yêu cầu tôi tạo điều kiện cho cụ tìm hiểu về việc dạy và học ở Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Dẫn cụ đi thăm một số xưởng thực hành trong trường và Trung tâm Việt - Đức (trung tâm đào tạo giáo viên kỹ thuật và công nhân kỹ thuật lành nghề của Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), cụ rất vui bảo: “Đây mới là hướng đào tạo đúng. Đừng quá thiên về lý thuyết mà phải thực hành, phải chú trọng đến tay nghề” - kỹ sư Vũ Bảo Tuyên, nguyên tổ trưởng bộ môn kỹ thuật điện Trường đại học Sư phạm kỹ thuật, con gái của cụ Vũ Đình Hòe, kể.

Theo lời kỹ sư Vũ Bảo Tuyên, cụ vẫn để tâm nghiên cứu về giáo dục. Cụ vẫn thường bộc lộ rằng cụ rất tiếc đã không thực hiện được cuộc cải cách giáo dục như đã trình với Hồ Chủ tịch. Đến bây giờ cụ vẫn thiết tha với một mô hình nhà trường có sự kết hợp trau dồi kiến thức với rèn luyện tính khí (nhân cách), kết hợp học với hành, sớm phân chuyên ban nhưng phải có sự liên thông giữa hai hệ giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp. Cụ bảo rằng không thể để tất cả HS đều theo con đường đại học mà phải sớm định hướng cho HS về nghề nghiệp, tạo điều kiện cho HS kết thúc học tập ở bất kỳ cấp học nào cũng mưu sinh được”.

breJTf8a.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thăm hỏi cụ Vũ Đình Hòe tại lễ kỷ niệm 65 năm nền giáo dục cách mạng VN sáng 8-9 - Ảnh: MINH ĐỨC

Sáng 8-9, lễ kỷ niệm 65 năm nền giáo dục cách mạng VN và mừng đại thọ giáo sư Vũ Đình Hòe - bộ trưởng đầu tiên Bộ Quốc gia giáo dục nước VN dân chủ cộng hòa - bước sang tuổi 99 đã được Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM tổ chức.

Nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Thành ủy, UBND TP.HCM, các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ và đông đảo sinh viên học sinh đã đến tặng hoa, chúc mừng giáo sư. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nói: “Ngành giáo dục bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn cụ Vũ Đình Hòe cũng như các thế hệ tiền bối đã khởi dựng nền giáo dục của đất nước”. Ông Luận cũng thừa ủy nhiệm Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gửi hoa, quà và bức thư riêng đến giáo sư Vũ Đình Hòe.

Giáo sư Vũ Đình Hòe sinh ngày 1-6-1912, nguyên quán làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, là hậu duệ đời thứ tư của tiến sĩ Vũ Tông Phan. Trước Cách mạng Tháng Tám, người thanh niên trí thức Vũ Đình Hòe vừa dạy học tư kiếm sống, vừa học và đỗ cử nhân khoa luật Đại học Đông Dương. Sau khi trở thành luật gia, ông dạy học tại các trường tư thục Thăng Long và Gia Long cùng với đại tướng Võ Nguyên Giáp một thời gian.

Ông là bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục từ tháng 8-1945 đến tháng 3-1946, rồi làm bộ trưởng Bộ Tư pháp trong suốt 15 năm sau đó. Trên cương vị bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục, ông cho mở cửa lại Đại học Đông Dương giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Việt. Năm 1996, ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất.

_______________

“Ban tổ chức đã đặt ra một câu hỏi buộc tôi phải trả lời ngay lúc này: Cuối năm 1945, Nam bộ đang mịt mù khói lửa ngoại xâm, ngoài Bắc thì đê vỡ lung tung, nạn đói khủng khiếp đang tái diễn. Đông đảo thanh niên đang được kêu gọi vào các phong trào quyên vàng để Chính phủ mua súng cho bộ đội, vác cuốc xẻng đào và san đất ở các vườn hoa, hè phố để trồng khoai lang cho đồng bào có cái ăn thay cơm.

Vận mệnh Tổ quốc như “ngàn cân treo sợi tóc”, vậy mà các ngài phụ trách Bộ Quốc gia giáo dục lại xin Chính phủ mở cửa gấp các trường đại học là nghĩa làm sao? Tôi xin trả lời: Chính hoàn cảnh khó khăn như vậy mà các trường đại học vẫn bình tĩnh khai giảng càng làm cho thế giới thấy sức mạnh của cách mạng VN, càng cho họ thấy Chính phủ VN dân chủ cộng hòa coi trọng truyền thống hiếu học và trọng trí thức. Việc làm ấy đáp ứng rất trúng ý nguyện của thanh niên. Họ đến dự khai giảng rất đông.

...Các em là sinh viên đại học, không phải học sinh phổ thông cấp 4 - chỉ cung kính tiếp thu những điều thầy cô dạy bảo và trả lời cho phù hợp để được điểm cao. Hãy tham gia bài giảng bằng các câu hỏi của mình, thậm chí hãy “cãi lại” thầy cô một cách lễ độ và có lý lẽ. Hãy tìm đến với thư viện, với sách vở, bây giờ thì cả máy vi tính nữa và muốn chúng phát huy tác dụng tối đa thì phải thông thạo ít nhất 1-2 ngoại ngữ.

Cuối cùng là phải tự định hướng nghề nghiệp: hãy chủ động tiếp cận môi trường nghề nghiệp tương lai của mình ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy tận dụng mọi cơ hội để học việc. Chỉ môi trường nghề nghiệp mới cho các em biết mình còn dốt chỗ nào, thiếu những kiến thức và kỹ năng gì để kịp thời tự bổ khuyết”.

(Trích bài nói chuyện của cụ Vũ Đình Hòe với sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội tại lễ kỷ niệm 60 năm ĐH Quốc gia Hà Nội ngày 15-1-2005 -nguồn: ĐH Quốc gia Hà Nội)

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên