06/10/2009 04:00 GMT+7

Về xứ quan họ

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Quan họ Bắc Ninh đã chính thức được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là kết quả của hàng trăm năm gìn giữ, phát huy của nhiều thế hệ dành cả đời mình cho quan họ.

Về xứ quan họ

TT - Quan họ Bắc Ninh đã chính thức được ghi vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là kết quả của hàng trăm năm gìn giữ, phát huy của nhiều thế hệ dành cả đời mình cho quan họ.

Phóng viên Tuổi Trẻ tìm về một trong những nơi “phát tích” đầu tiên của quan họ. Những cuộc gặp gỡ tìm hiểu về đời quan họ của các bậc trưởng lão ở đây mới hiểu vì sao quan họ có sức sống bền bỉ theo thời gian.

Kỳ 1: Tình người quan họ

Tự bao giờ, những làn điệu, câu ca quan họ đã không còn xa lạ với nhiều người. Nhưng quan họ không chỉ có lời ca tiếng hát, mà song hành với nó là cả một nét sinh hoạt văn hóa với nhiều nét đặc trưng rất riêng như: ẩm thực quan họ, trang phục quan họ, nghi lễ quan họ, tín ngưỡng quan họ, tục kết bọn quan họ...

Tất cả tạo nên một mối dây ràng buộc gắn kết từng thành viên trong cộng đồng thôn, làng và giữa làng này với làng khác.

Xem video - Lối chơi quan họ - NXB Dihavina
Xem video - Em là con gái Bắc Ninh - Thúy Cải
Xem video - Người ở đừng về - Tốp nam nữ
ImageView.aspx?ThumbnailID=366398

Người ơi người ở đừng về...” - Ảnh: Lê Nguyên Khôi

Kết bọn quan họ

Một cán bộ ở phòng nghiệp vụ Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh nói rằng đại lão nghệ nhân Nguyễn Văn Bích (làng Hoài Thị, xã Liên Bão, Tiên Du, Bắc Ninh) là một kho tư liệu sống về quan họ. Ở tuổi 95, với thâm niên của một liền anh chơi quan họ hơn 80 năm, quan họ đã ăn sâu vào tâm trí, nhiễm vào từng thớ thịt của cụ.

“Bọn quan họ của tôi ngày trước có các liền anh như cụ Xưởng, cụ Thỏa, cụ Tăng, cụ Hỗ, cụ Trung... Chúng tôi kết bạn với các liền chị: cụ Nhi, cụ Lịch, cụ Phụng, cụ Tàn... bên làng Diềm. Ngoài bọn tôi, trong làng còn có bảy bọn nam nữ khác cũng kết bạn với làng Diềm, Xuân Ổ, Ngang Nội, Tam Sơn, Ném Tiền. Chúng tôi thường xuyên qua lại, tổ chức hát canh, hát hội, hát thờ, hát đối, có khi thâu đêm suốt sáng liên tiếp hai, ba ngày vẫn chưa muốn dừng”, cụ Bích nói.

Cụ Bích ôn tồn giải thích: Quan họ là một nghề chơi có anh có em nên phải kết bọn. Mỗi bọn khoảng mười hai người, đứng đầu là ông trùm, bà trùm. Ông trùm, bà trùm (có nơi gọi là anh cả, chị cả) là những người có tuổi, chỉ chuyên lo việc quản lý, điều hành mọi hoạt động của bọn.

Thứ đến là năm người chuyên ca quan họ, gọi là liền anh, liền chị. Người quan họ luôn quý trọng nhau, trong giao tiếp không bao giờ gọi tên tục mà gọi theo kiểu phiếm chỉ, ai vào nghề trước, chơi giỏi hơn thì được gọi là anh hai (chị hai), tiếp đến là anh ba (chị ba), anh tư (chị tư), anh năm (chị năm), anh sáu (chị sáu). Liền anh cũng gọi liền chị theo cách ấy cho dù liền chị có nhỏ tuổi hơn mình.

Để chơi quan họ cho tinh tường, các liền anh, liền chị lại lần lượt ghép thành từng đôi để luyện tập các bài bản mới. Mỗi bọn lại có vài em nhỏ theo học nghề, gọi là lớp đàn em kế cận, thêm mấy người chuyên lo việc cơm nước, têm trầu cánh phượng, đón tiếp, đãi đằng quan họ bạn...

Chưa hết, muốn chơi quan họ thì các bọn quan họ nam, nữ phải kết bạn với ít nhất một bọn quan họ ở làng khác, chứ không được kết bạn với bọn quan họ cùng làng. Việc kết bạn phải theo nguyên tắc “âm dương tương cầu”, nghĩa là bọn quan họ nam của làng này kết bạn với bọn quan họ nữ của làng kia và ngược lại.

ImageView.aspx?ThumbnailID=366597
Cụ Nguyễn Thị Khu (90 tuổi) vẫn còn nguyên cảm xúc về những ngày hội quan họ ở làng Diềm. Ảnh: Tấn Đức 

Một chữ tình

Lớp con cháu của cụ Bích vẫn chưa quên câu chuyện cảm động xảy ra cách nay không lâu. Dạo đó cụ bị ốm nằm liệt giường cả tuần. Mới sáng ra người trong nhà còn chưa dậy hết, bỗng dưng có ba bà lão lọ mọ từ cổng đi vào. Đến đầu ngõ, các cụ bà đồng thanh gọi: “Dạ, anh hai ơi, chị em quan họ chúng em đến chơi nhà ạ”. Hóa ra đó là cụ Khu (90 tuổi), cụ Nhi (89 tuổi) và cụ Lịch (83 tuổi) ở làng Diềm, hay tin quan họ bạn bị ốm nên từ tinh mơ đã hẹn nhau vượt hơn 15km sang thăm.

Nhắc lại chuyện cũ, cụ Bích vuốt chòm râu trắng như cước, bảo: “Bạn có chuyện vui buồn đều chia sẻ như anh em một nhà. Chỉ một chuyện duy nhất mọi người đều giấu biệt nhau ấy là khi liền anh, liền chị lập gia đình, bởi vì trong quan họ luôn hiện diện một chữ tình.

Liền anh, liền chị một mực bảo rằng em không lấy ai mà chỉ chờ đợi anh hai, chị hai; lời ca quan họ cũng có rất nhiều câu thể hiện tình cảm thiết tha, say đắm, ví như: Ước gì người vợ đôi em chồng/Người bế con gái, em bồng con trai; hay: Trồng cây xin chớ đốn chồi/Yêu em xin người chớ đứng ngồi với ai, bạn tình ơi... Nhưng đó là chuyện chơi, còn ngoài đời người quan họ hết lòng với gia đình, lo việc trồng lúa, nuôi tằm, chăm con cái đâu vào đấy”.

Nhà quan họ học Lê Danh Khiêm - trưởng ban sưu tầm, nghiên cứu quan họ Bắc Ninh - cho rằng cái tình của người quan họ bắt nguồn từ tục kết chạ (kết nghĩa) giữa các làng. Theo ông, tục kết chạ có ở hầu hết các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc bộ, nhưng không nơi nào nhiều chạ như ở xứ Kinh Bắc. Tỉnh Bắc Ninh hiện có đến 30 chạ. Phổ biến là chạ gồm hai làng kết nghĩa với nhau, nhưng cũng có khi ba, bốn làng, thậm chí mười làng cùng kết làm một chạ. Điểm đặc biệt nữa là trong số 30 chạ thì có tới 20 cặp chạ giữa các làng quan họ gốc với nhau.

Ở Bắc Giang, tất cả năm làng quan họ gốc là Sen Hồ, Hữu Nghi, Mai Vũ, Nội Ninh, Giá Sơn lại kết thành một chạ. Đã kết chạ thì coi nhau như họ hàng, anh em một nhà, không được tranh chấp ruộng đất, trai gái đôi nơi không được nên vợ nên chồng... Những quy định này được ghi rõ trong khoán ước lưu giữ tại đình làng, ai vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng và bị dư luận làng xã lên án. Mối quan hệ này đã làm tình bạn giữa các bọn quan họ ngày thêm bền chặt, thậm chí truyền qua nhiều thế hệ.

“Cũng vì đó không ít người nhầm tưởng đã đi hát quan họ thì không được thành vợ thành chồng. Thật ra không lấy nhau là chịu sự chi phối trong tục kết chạ, còn quan họ hai làng không kết chạ vẫn lấy nhau bình thường cho dù hai bọn đã kết bạn đến mấy đời”, ông Khiêm nói.

Ngày 30-9-2009, quan họ Bắc Ninh đã chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hội đồng chuyên môn của UNESCO đã hết lời ca ngợi các giá trị đặc biệt của quan họ, từ tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và cả về trang phục.

UNESCO nhận xét: “Việc quan họ được đăng ký vào danh sách đại diện sẽ góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của VN và nhân loại”.

TẤN ĐỨC

___________________

Một ngôi làng cổ nằm cách trung tâm thành phố Bắc Ninh 5km là nơi duy nhất ở xứ Kinh Bắc có đền thờ vua bà thủy tổ quan họ. Ở đó có những thế hệ mấy chục năm chơi quan họ, cả gia đình ai cũng hát quan họ.

Kỳ tới: Nơi “phát tích” đầu tiên

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ý kiến bạn đọc

* Từ nhỏ tôi rất may mắn vì được sinh ra trên quê hương của các làn điệu dân ca. Tôi luôn hãnh diện với mọi người khi nói về quê hương mình. Khi còn là một em bé, tôi luôn được nghe bà và mẹ hát ru tôi ngủ, các điệu dân ca như thấm dần vào trong máu của tôi. Đến khi lớn lên, khi phải xa quê hương, lúc nghe lại những làn điệu quan họ thì đã hơn chục năm xa quê. Tôi luôn có một cảm giác thân quen, gần gũi như chính những điệu hát mà bà và mẹ tôi đã hát ru tôi.

Tôi rất vui mừng khi biết tin quan họ Bắc Ninh chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó có thể làm cho bạn bè quốc tế đều biết đến một điệu hát đã có từ lâu đời của nước ta.

Một bạn đọc (số điện thoại 0988266...)

* Là một người con của đất quan họ, dù đã xa quê hương từ rất nhỏ, nhưng tôi hết sức tự hào về quê hương của mình với những làn điệu dân ca quan họ mượt mà. Quan họ Bắc Ninh trở thành di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.với tôi là niềm tự hào và vui mừng lớn. Tôi nghĩ là niềm vui của cả dân tộc Việt Nam.

Tôi thiết nghĩ chúng ta hãy biết trân trọng những thứ mà chúng ta đang có. Dân ca quan họ là một tài sản vô giá cần được gìn giữ và phát triển, đặc biệt khi nó là một di sản được thế giới biết đến và công nhận.

Biện Thị Thu

* Tôi thật sung sướng và vui mừng khi được biết dân ca quan họ Bắc Ninh chính thức trở thành di sản phi vật thể của nhân loại. Tuổi ấu thơ của tôi được nghe những làn điệu dân ca thông qua những bài hát ru của bà của mẹ. Những bài hát đó cứ theo tôi lớn dần nên theo năm tháng. Ca từ của các khúc hát quan họ lôi cuốn tôi từ ngày ấy đến bây giờ và có lẽ cả đến cuối đời.

Tôi còn nhớ ngày tôi học cấp 1, cấp 2, hằng ngày vào lúc 11g30 trên đường đi học về, tôi vừa đi vừa lắng nghe hát quan họ trong chương trình Dân ca và nhạc cổ truyền Việt Nam trên Đài tiếng nói Việt Nam. Bạn bè tôi thấy tôi nghe nhạc dân ca thì bảo tôi như ông cụ. Quả thật trong các thể loại nhạc thì tôi mê nhất là dân ca quan họ Bắc Ninh. Tôi có thể ngồi nghe cả ngày mà không chán.

Càng lớn tuổi, tôi càng thấy nhờ tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những bài hát dân ca của bà của mẹ mà giờ đây tôi thấy mình giàu cảm xúc và tình cảm hơn. Lúc tôi buồn, lúc vui hay căng thẳng tôi đều mở dân ca lên để hát để tâm hồn được nhẹ nhàng thoải mái.

Giờ đây dân ca quan họ đã trở thành tài sản chung của nhân loại được mọi người giữ gìn và trân trọng. Tôi hy vong rằng dân ca quan họ sẽ được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến và thưởng thức. Nếu tâm hồn của trẻ thơ được thấm đậm những khúc ca quan họ thì tôi nghĩ rằng các em lớn nên sẽ giàu tình cảm hơn trong cuộc sống.

Trần Văn Quyến(Giảng viên khoa xã hội và nhân văn Trường ĐHDL Phú Xuân, Huế)

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên