09/10/2009 01:44 GMT+7

Về xứ quan họ - Kỳ cuối: Để quan họ trường tồn

TẤN ĐỨC
TẤN ĐỨC

TT - Làm thế nào để mọi người hiểu rõ hơn về quan họ, để giữ gìn câu ca, lối ca và những tập tục trong chơi quan họ của thế hệ đi trước? Câu hỏi luôn thôi thúc những người yêu quan họ xứ Kinh Bắc và đã có những cách làm rất đáng được ghi nhận.

Về xứ quan họ - Kỳ cuối: Để quan họ trường tồn

TT - Làm thế nào để mọi người hiểu rõ hơn về quan họ, để giữ gìn câu ca, lối ca và những tập tục trong chơi quan họ của thế hệ đi trước? Câu hỏi luôn thôi thúc những người yêu quan họ xứ Kinh Bắc và đã có những cách làm rất đáng được ghi nhận.

ImageView.aspx?ThumbnailID=367067

Hát quan họ trong ngày hội làng La Phù (Hà Tây cũ) - Ảnh: Lê Bích

>> Kỳ 1: Tình người quan họ>> Kỳ 2: Nơi phát tích đầu tiên>> Kỳ 3: Sống lại nghề chơi

Xem video - Năm liệu bảy lo - Tốp nữ
Xem video - Cái hời cái ả - Tốp nam nữ
Xem video - Rẽ phượng chia loan - Tốp nam nữ

Hiểu thì mới “say”

“Hai ngày, ba ngày trôi qua mà không có sô, anh em trong đoàn bắt đầu nao núng thì một trường đại học mời đến. Trước giờ diễn, nhìn khán phòng khang trang, cả ngàn chỗ ngồi chật kín, ai cũng phấn khởi hi vọng quan họ đã có đất sống ở phía Nam."

"Nhưng niềm vui đã nhanh chóng bay biến khi câu quan họ mới cất lên chưa được bao lâu thì khán thính giả đã bắt đầu thưa dần, thưa dần, rồi cuối cùng chỉ còn độ vài chục người lạc lõng trong hội trường rộng tênh. Liên tục cả tuần sau đó tình hình cũng không sáng sủa hơn. Anh em trong đoàn dốc hết tiền túi góp lại để lo cho cái ăn, rồi ai nấy gọi điện về quê nhờ người thân cấp tốc gửi tiền ra để đi xe về”, nghệ sĩ Xuân Mùi (Phạm Đăng Mùi), phó Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, nhớ lại chuyến hành phương Nam đầu tiên của đoàn vào năm 1987.

Tại sao khán giả phía Nam mê cải lương mà không thích quan họ? Nghệ sĩ Xuân Mùi cứ nghĩ mãi và rồi anh liên hệ đến câu chuyện của bản thân. “Người xưa nói vô tri bất mộ - không hiểu biết thì không yêu thích - quả không sai. Tôi đến với quan họ từ khi chưa biết gì về quan họ, chưa phân biệt được giữa tuồng, chèo với quan họ, vậy mà càng gắn bó lại càng say mê lạ lùng”. Vậy là Xuân Mùi lao vào tìm hiểu, sưu tầm, bổ sung kiến thức của mình về quan họ.

Tại sao người xưa nói “đi chơi quan họ” chứ không nói “đi hát”, “đi ca” quan họ? Sao phải kết bọn, ngủ bọn, rồi lại phải có ông trùm, bà trùm, nhà chứa? Tại sao khi chơi quan họ, người nữ luôn rẽ tóc cùng một kiểu, rồi chiếc nón quai thao của người nữ, chiếc ô của người nam cầm trên tay tượng trưng cho điều gì? Trong ẩm thực, tại sao cơm mời khách phải là mâm đan, bát đàn, rồi quy trình bữa ăn ra sao? Tại sao lời ca quan họ hay sử dụng cách diễn đạt giảm đi, nhỏ đi so với bản chất sự việc và sử dụng rất nhiều điển cố, điển tích, nào là: kim lan, châu trần, ngựa Hồ chim Việt, thư hương, trướng huỳnh, lam điền, cỏ phương phi, tuần đố lá, sợi xích thằng, chiếc kim thoa...?

Xuân Mùi luôn tự đặt cho mình những câu hỏi tại sao, rồi anh dành nhiều thời gian để tìm hiểu thật cặn kẽ. Có hiểu mới cảm, cảm rồi mới yêu. Thế là Xuân Mùi mạnh dạn đề xuất đưa lối dẫn chuyện, kể chuyện lên sân khấu, trước những tiết mục biểu diễn quan họ.

Lần thứ hai trở lại với khán giả phía Nam (1990), tình hình đã xoay ngược. Đêm biểu diễn tại Đại học Nông lâm (Thủ Đức, TP. HCM): mở đầu chỉ có chừng 100 khán giả, 15 phút sau tăng lên 500 và 30 phút sau khai diễn, hội trường hơn 1.000 chỗ đã chật kín. Một đêm chưa toại nguyện các khán thính giả là giảng viên, sinh viên của trường, nên chỉ ba hôm sau đoàn lại tiếp tục được mời đến biểu diễn. Và lần này hội trường chật kín ngay từ lúc mở màn.

Sau Đại học Nông lâm, lịch biểu diễn của đoàn đã dày đặc tại các trường đại học ở TP. HCM: ĐH Sư phạm, ĐH Bách khoa, ĐH Tổng hợp, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ra đến Tây Ninh, Vũng Tàu rồi xuống các tỉnh miền Tây. Từ đó đến nay năm nào Đoàn quan họ Bắc Ninh cũng dành 45-60 ngày đáp ứng niềm mong mỏi được thưởng thức “quan họ chính gốc” của khán thính giả phía Nam

Không chỉ với khán giả phía Nam, khán giả phía Bắc, nhất là những người trẻ, giới sinh viên học sinh cũng bắt đầu mê lối dẫn chuyện trên sân khấu quan họ. Trong nhiều chương trình biểu diễn quan họ, phần dẫn chuyện của MC chiếm hơn 50% thời lượng mà khán giả vẫn chưa thỏa lòng. “Có khán giả đã nói với tôi rằng nhờ có người thông dịch những ký hiệu thẩm mỹ của câu ca quan họ như anh Xuân Mùi, mà họ càng thêm hiểu và say lời ca tiếng hát mượt mà của các liền anh liền chị” - nghệ sĩ ưu tú Thúy Cải, một liền chị vang danh, kể.

Tre già để chỗ cho măng

Đêm đêm trong khuôn viên đền thờ vua bà thủy tổ quan họ ở làng Diềm, hai liền chị Nguyễn Thị Sang, Nguyễn Thị Thềm vẫn miệt mài đứng lớp, truyền dạy quan họ cổ. Lớp học mở vào dịp hè để các em học sinh cũng như tất cả người yêu quan họ có thể theo học. Trong khoảng ba tháng, học viên sẽ được truyền dạy các kiến thức cơ bản của nghề chơi quan họ và cách hát khoảng 20 bài quan họ theo lối cổ truyền. Liên tục trong hai năm qua, đôi liền chị này đã cho ra lò hai lớp, tổng số 39 học viên, đa số ở lứa tuổi 8-15.

“Ngày xưa bố mẹ chúng em dạy tre già để chỗ cho măng, chúng em được tận tình chỉ bảo lề lối chơi quan họ, nay các cụ đã xế bóng nên chị em chúng em phải truyền lại cho em cháu để mai này có người nối tiếp nghề chơi”, liền chị Nguyễn Thị Thềm cho biết lý do hai chị em tự nguyện mở lớp học miễn phí này.

Mẹ chị Thềm là nghệ nhân Nguyễn Thị Các (sinh năm 1920, đã mất), trước đây là một chị hai quan họ nổi tiếng ở làng Diềm. Cụ Các được xem là nghệ nhân dân gian có nhiều học trò nhất vùng Kinh Bắc. Từ những năm 1940 đến khi qua đời (2003), số đàn em đã học nghề từ cụ Các có hơn trăm người, trong đó nhiều liền anh liền chị nay cũng đã ở tuổi cổ lai hi và vẫn đang tiếp nối công việc của người đàn chị. Nhiều nghệ sĩ quan họ vang danh như Thúy Cải, Quý Tráng, Ba Trọng, Kim Đua, Thúy Hiền, Đoàn Hội... cũng được cụ Các dạy hát và truyền mỹ tục chơi quan họ.

Cả năm người con gái của cụ Các có tên rất dân dã: Thành, Lợi, Xênh, Sang, Thềm đều biết chơi quan họ từ bé. Hai liền chị Sang - Thềm còn là một đôi quan họ từng đoạt những giải cao nhất trong nhiều cuộc thi quan họ của tỉnh Bắc Ninh. Những người con của hai chị đều là gương mặt triển vọng cho quan họ làng Diềm, trong đó Nguyễn Thị Trang Nhung, đang là sinh viên đại học sư phạm, từng đoạt giải A tiếng hát quan họ tuổi măng non của tỉnh Bắc Ninh.

“Câu chuyện của gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Các đã gợi lên những điều rất đáng suy nghĩ về cách bảo tồn quan họ, đó là bảo tồn quan họ trong từng gia đình, ngay ở nơi nó đã sinh ra. Đó là một hướng đi sẽ được nhân rộng” - ông Lê Danh Khiêm, trưởng ban sưu tầm, nghiên cứu quan họ Bắc Ninh, nói.

TẤN ĐỨC

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ý kiến bạn đọc

* Tôi là người Bắc đã vào miền Nam sinh sống từ lâu, song tôi rất thích nghe tiếng hát của các liền anh liền chị có giọng hát thanh tao. Tôi rất mong được các liền anh liền chị ngày càng phát huy nhiều khả năng và giọng hát vàng để cho công chúng thưởng thức, cũng như bảo tồn những giá trị của quan họ Kinh Bắc nói chung và quan họ Bắc Ninh nói riêng.

Lê Quang Vinh

TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên