![]() |
Thắp nén hương tưởng nhớ anh hùng Trương Định - Ảnh: TRUNG UYÊN |
Xuất phát từ trung tâm thành phố trong cái se lạnh buổi sớm mùa mưa, theo hướng cầu Kênh Tẻ, chúng tôi tiến về phà Bình khánh. Dọc đường thỉnh thoảng lại gặp từng tốp nhỏ bạn trẻ thong dong xe gắn máy cùng một lộ trình. Cũng dễ hiểu vì Cần Giờ đã là điểm đến quen thuộc của nhiều người trong những ngày cuối tuần.
Thả hồn theo làn nước xanh…
Đường về Cần Giờ đã bớt dằn xóc. Cách trung tâm thành phố khoảng 60km, Cần Giờ là một vùng quê bình yên, hiền hòa. Cảnh quan xanh biếc bởi bạt ngàn mắm đước, những làn nước phẳng như gương và xanh ngăn ngắt, mọi ưu phiền, âu lo bộn bề như nhường chỗ cho sự thanh thản của tâm hồn hòa nhịp cùng đất trời.
10g, chúng tôi đã có mặt tại đảo khỉ. Lời nhắc nhở giữ kỹ tư trang của anh trưởng đoàn còn nóng hổi thì một thành viên đã kêu thét lên và quyết liệt giằng co chiếc mũ đội đầu với một chú khỉ láu lỉnh. Len lỏi giữa cánh rừng bạt ngàn, trong tiếng chim kêu vượn hú râm ran, các thành viên chia sẻ với nhau những kiến thức sinh học về mắm, đước rồi cùng ồ à trước màn bơi khỉ, khỉ bắt chí cho nhau, khỉ con ôm khỉ mẹ chặt cứng…
Chiếc canô xé sóng đưa mọi người vào chiến khu Rừng Sác, những câu chuyện lịch sử lại nóng hổi trong câu chuyện của cả đoàn.
Ông Tám, hướng dẫn viên, kể chuyện chiến khu. Hơn 20 năm nay, cần mẫn trong sở chỉ huy vừa là hội trường vừa là nhà ăn của bộ đội rừng Sác, chống tay trái lên chiếc cột gỗ, ông kể lại những ngày bom đạn và tinh thần chiến đấu ngoan cường của các chiến sĩ. “Mỗi lần thuyết minh về chiến khu, tôi lại bồi hồi nhớ những đồng đội đã mãi mãi nằm lại đây...” - ông Tám tâm sự trong phút giải lao.
Vượt biển Gò Công
4g15, trời còn tối mịt, từ Trung tâm dã ngoại thanh thiếu niên Cần Giờ, đoàn chúng tôi bon bon về bến tàu Đồng Hòa - Vàm Láng. Bến tàu nhỏ xíu, nặng mùi tôm cá, rác, tờ mờ trong ánh đèn neon nhợt nhạt hắt ra từ vài hàng quán. Mặt người còn chưa nhìn rõ nhau. Đúng 5g, không khí chộn rộn hẳn khi tàu TG1116 cập bến. Đây là chuyến tàu duy nhất trong ngày đi sang chợ Vàm Láng, Gò Công Đông, Tiền Giang, chuyến về (cũng là duy nhất) vào lúc 9g. Sâu trong lòng con tàu gỗ là những dáng người nằm, ngồi, tựa, đánh võng.
Tàu cập bến chợ Vàm Láng, hành khách được dịp xuýt xoa xem cảnh mấy nhân viên tàu khéo léo khiêng những chiếc xe gắn máy nặng nề, kềnh càng qua tấm ván mỏng mảnh rộng khoảng gang rưỡi. Một bà cụ lụm cụm, đi chân trần, còn đang run rẩy đứng trước chiếc cầu ván, anh thanh niên đã hăng hái lao đến... bế thốc cụ, đưa xuống bờ êm ru. Có ai đó xuýt xoa: “Bồng vậy là đúng thế đó nghen!”.
Chia tay bến tàu, chúng tôi bắt đầu tuyến hành trình mà theo trưởng đoàn Nguyễn Viết Hồng Lân là: “Đi đúng con đường mà Bình Tây đại nguyên soái Trương Định đã đi”. Chạy dọc theo con đường đất đỏ đê cửa sông Gò Công, chúng tôi dừng lại trước đám dừa nước bạt ngàn. Anh Hồng Lân thuyết minh ngay: “Các bạn đang đứng ngay nơi anh hùng Trương Định lập căn cứ chống Pháp, thường được gọi là Đám lá tối trời. Ngày 20-8-1864, Huỳnh Công Tấn phản bội, làm nội gián, dẫn đường giặc bất ngờ đánh úp. Trương Định bị trọng thương, ông tuẫn tiết để giữ vững khí tiết. Đến Gò Công, đi đâu cũng thấy đền thờ anh hùng Trương Định”.
Chúng tôi tiếp tục đến viếng mộ và đền thờ Trương Định tại đường Phan Đình Phùng, thị xã Gò Công, câu chuyện về người anh hùng này tiếp tục được người giữ đền tên Thắng kể. Hình ảnh Bình Tây đại nguyên soái được họa bằng màu chì, ấm cúng khói hương. Để lại không ít cảm xúc cho người viếng chính là nắm đất quê hương Sơn Tịnh, Quảng Ngãi của Trương Định được thờ trang trọng cùng tấm tranh ông oai phong trên lưng bạch mã. Ông Thắng tự hào cho biết: “Người Tiền Giang già trẻ lớn bé đều thuộc nằm lòng tiểu sử anh hùng Trương Định”.
Thắp nén nhang, thành kính chắp tay trước ngôi mộ, chúng tôi không khỏi bồi hồi hình dung những tháng ngày lịch sử và chân dung một anh hùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận