![]() |
Tranh của Võ Trịnh Biện |
Anh tên Võ Trịnh Biện, sinh năm 1968, quê ở Quảng Ngãi vào học khoa ngữ văn Trường đại học Đà Lạt. Nhưng con đường học văn của Võ Trinh Biện bị gián đoạn khiến anh phải đi làm đủ thứ nghề trên thành phố sương mù kiếm sống. Và rồi sự đam mê nghệ thuật vẽ của chàng trai không chịu ngủ yên, Võ Trịnh Biện tự tìm tòi nghiên cứu học vẽ tranh bằng cách riêng của mình. Người ta vẽ bằng râu, vẽ bằng lưỡi... Biện vẽ bằng những đầu ngón tay.
20 năm qua, Võ Trịnh Biện lập nghiệp ở Đà Lạt trải qua rất nhiều sóng gió, anh âm thầm góp vào nền hội họa nước nhà theo cách riêng của mình - tự học và tự làm. Để nuôi sống niềm đam mê hội họa, anh mở quán Bar-Art, 70 Trương Công Định, Đà Lạt. Mặt tiền của quán có chút "hoang dã” trang trí bằng tre quét dầu bóng màu cà phê, bước vào bên trong là một chòi mái tranh, một quầy rượu ngoại lấp lánh với những ánh sáng đèn vàng ấm áp dân dã. Ngoại ngữ của Võ Trịnh Biện đủ giao tiếp trong nghề kinh doanh quán. Anh là một bồi bàn dễ mến, luôn chào mời nhỏ nhẹ và cũng là ông chủ của quán Bar-Art phục vụ tận tình. Khách đến quán có cả ta lẫn Tây đều rất ngưỡng mộ cách sắp đặt bài trí, họ vừa được xem những tác phẩm tranh vẽ vừa được tác giả thuyết minh khi có nhu cầu.
![]() |
Võ Trịnh Biện vẽ tranh bằng đầu ngón tay |
Vẽ bằng đầu ngón tay, tranh của Võ Trịnh Biện trở nên lạ và rất riêng. Năm 2006 Võ Trịnh Biện được mời sang Hong Kong biểu diễn thủ pháp vẽ tranh bằng ngón tay trước công chúng yêu nghệ thuật hội họa của đất nước này.
Tại đây cũng đã có một họa sĩ người Trung Quốc dùng lưỡi biểu diễn vẽ tranh. Đó là chuyện tôi đọc trên báo chí nước ngoài, còn chính mắt tôi trông thấy một Võ Trịnh Biện ở Đà Lạt đang vẽ tặng tôi một chữ nôm thư pháp bằng ngón tay bôi mực xạ thành những đoạn trúc rất điêu luyện.
Anh kể: "Ở Bar-Art những lúc không có khách tôi leo lên xưởng vẽ, khách vào thì chạy xuống rửa vội sơn rồi đeo găng tay, khoác áo vest vào tiếp. Có đêm khi thành phố Đà Lạt chìm trong sương, tôi ngồi một mình, tĩnh lặng và suy tư cho những sáng tạo... Rảnh lúc nào vẽ lúc ấy bất kể thời gian khi quán không còn khách. Vẽ bằng đầu ngón tay tôi cảm thấy rung cảm hơn, gửi gắm tư tưởng của mình vào tác phẩm như truyền vào chất liệu những nội lực để bức tranh tự xuất hồn".
Võ Trịnh Biện lần đầu tiên đưa tranh ra mắt công chúng tại nhà triển lãm trung tâm TP Đà Lạt. Người đến xem triển lãm rất đông, gồm giới văn nghệ sĩ, khách du lịch và người dân Đà Lạt. Một số tác phẩm của anh được giới chuyên môn nhận xét "đạt đến độ bất ngờ khi chúng được sinh thành bởi một nghệ sĩ không trường lớp, vẽ bằng thứ năng khiếu trời cho". Các bức như Lưu đày, Mưu sinh, Say, Chết cho trăng, Vết thương lòng, Không nhà, Thuyền ơi, Đối thoại, Diện mục hay bộ bốn bức "kể" về nỗi lòng một thiếu nữ khi bốn mùa xuân - hạ - thu - đông qua nhan sắc thật đáng xem.
Tranh của Võ Trịnh Biện được khách trong và ngoài nước đặt hàng ngày càng "dày", anh đã có ít vốn để mua sơn tái sản xuất.
Anh khoe với bạn bè rằng nhờ vào việc vẽ tranh và kinh doanh quán bar mà anh đã tồn tại trên miền đất du lịch cái gì cũng đắt đỏ. Hiện giờ xưởng vẽ của anh có hơn 800 bức, chưa nói hàng trăm tranh đã xuất ngoại và vài chục bức anh vẽ tặng bạn bè khắp nơi treo làm kỷ niệm. Nhìn tranh của Võ Trịnh Biện không thể lẫn lộn với bất kỳ ai, vì anh ký vào tranh "dấu vân tay" của mình.
Áo Trắng số 23 (ra ngày 1-05-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận