19/12/2013 00:01 GMT+7

Về Tràm Chim, nửa đêm chèo xuồng đi thu hoạch lúa trời

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Bạn sẽ rất thích thú khi bắt gặp một chiếc xuồng bé bé chở đầy lúa trời vừa gặt, mùi rạ thoang thoảng tạo ra hương vị của quê hương, níu giữ người đi, ấm lòng người ở lại.

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen…!”Anh đã đến chưa mà chân quen nước lạRuộng ba mùa lúa vàng bông oằn láCô gái quê ôm bó mạ trên đồngNgày anh về có ghé bến Tam NôngNhững mái tranh chiều thơm mùi rạ mớiAnh có thấy ghe xuồng neo bến đợiCon nước lên lại tất tả buông dằm… Những con đường lấm đất vùng quêĐồng Tháp còn nghèo cỏ đầy đê mùa gặtNhững ruộng gò hạt nẩy mầm săn chắtTiếng cười đùa tắm mát mồ hôi…”(Quê em Đồng Tháp - Xuân Vy)

Quê hương Đồng Tháp trù phú, đồng lúa rực vàng đã ăn sâu vào tâm trí của mỗi người con xa quê và cả khách phương xa nếu đã một lần đặt chân đến miền quê sông nước nơi đây. Hãy thử một lần ghé qua Vườn Quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp để được trải nghiệm việc đi “thu hoạch lúa trời”, để khám phá nhiều điều thú vị của mảnh đất này.

Dgb4OdqJ.jpg

Lúa trời còn có tên khoa học là Oryza Rufipogon. Hiện nay, cây lúa trời vẫn còn hiện diện rải rác ở khu sinh thái thuộc Vườn Quốc gia Tràm Chim với diện tích hơn 1000 ha. Người dân đặt cho cây lúa này là lúa trời hay còn gọi là lúa ma cũng có nguyên nhân, gọi là “lúa trời” bởi ban đầu cây lúa phát triển ẩn mình trong những đám cỏ nên ta sẽ rất khó nhận ra cây lúa, chỉ khi nào nước lũ dâng cao, lúa trời với sức sống mãnh liệt đã bỏ lại các loài cỏ khác để vươn lên, còn gọi là “lúa ma” bởi lẽ muốn gặt lúa phải đi thật khuya, nếu sớm quá thì lúa chưa chín và hễ mặt trời mọc lên thì lúa lại rụng hết.

Việc thu hoạch lúa ma cũng khá đặc biệt vì không thể gặt, cắt như các loại lúa khác mà phải dùng cây để đập. Vì lúa mọc giữa đồng cỏ âm u, lại chín ngay mùa nước nổi (tháng 10-11 âm lịch) nên chúng ta không tài nào đi vào khu vực lúa ma để thu hoạch bằng cách thông thường như ngày nay mà phải vào đây bằng xuồng. Khi đập lúa ma người ta cũng ngồi trên xuồng. Dụng cụ thu hoạch lúa ma được thiết kế theo kiểu riêng biệt. Giữa xuồng được dựng lên tấm mê bồ cao từ 1 – 1,5 mét, xuôi từ trước ra sau. Phía trước tấm mê bồ là cây sào cao, một đầu cố định vào xuồng, đầu còn lại cột vào 2 cây sào treo ngang mạn xuồng.

Vào đồng lúa ma ít nhất phải 2 người. Người đứng lái xuồng ra sức chống xuyên qua khu vực lúa chín. Người ngồi trước hai tay cầm 2 cây sào đập bông lúa vào tấm mê bồ. Bông lúa dài, cứng hơn bình thường và khi chín cũng thẳng đứng theo thân cây. Hạt lúa ma cũng dài gấp rưỡi bình thường và có đuôi dài hơn 3 – 4 lần như thế. Ngày nay, lúa ma được bảo tồn như sản phẩm độc đáo của đất trời, đồng thời làm nguồn thực phẩm cho chim chóc chứ không kinh doanh.

Về Tràm Chim mùa nước nổi, ngay cả dân miệt vườn Nam bộ cũng cảm thấy hào hứng với cảm giác vừa gần gũi, vừa lạ lẫm với thiên nhiên vùng đất ngập nước. Nếu du khách đến từ những vùng miền khác thì cảm xúc còn tăng gấp bội khi ngồi trên chiếc xuồng nhỏ vào đêm thanh tĩnh mịch để thu hoạch và thưởng thức loại gạo đặc biệt này, đắm chìm vào khung cảnh bao la trên trời, dưới nước đẹp như một bức tranh họa đồ…Nhất là người thành phố sẽ thích thú khi bắt gặp một chiếc xuồng bé bé chở đầy lúa trời vừa gặt, mùi rạ thoang thoảng tạo ra hương vị của quê hương, níu giữ người đi, ấm lòng người ở lại.

Nguồn: Vườn Quốc gia Tràm Chim

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên