31/05/2010 08:44 GMT+7

Về thăm đất thép Củ Chi

TRẦN NHƯ QUỲNH (Biên Hòa)
TRẦN NHƯ QUỲNH (Biên Hòa)

AT - Địa đạo Củ Chi cách TP.HCM 70km theo hướng tây bắc. Ngày xưa địa đạo Củ Chi là một chiến trường ác liệt, đã chiến đấu trường kỳ gian khổ trong suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược.

Ngày nay, khi đất nước sạch bóng quân thù, địa đạo ấy trở thành nơi ghi dấu chiến công cũng như là một công trình kiến trúc độc đáo, một danh thắng du lịch nổi tiếng của thành phố mang tên Bác.

kz7JzAmU.jpgPhóng to

Đường xuống địa đạo Củ Chi

Về nơi chiến trường xưa

Từ trung tâm TP.HCM đi ôtô trên con đường nhựa uốn quanh qua những xóm làng xanh tươi sẽ đưa chúng ta đến Bến Dược - khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi. Nơi đây được mệnh danh là "đất thép" không chỉ vì tính chất đất đai mà còn ở tầm vóc anh hùng, bất khuất trong chiến tranh của người Củ Chi.

Được xây dựng từ năm 1948-1965, đây là công trình dưới lòng đất dài trên 200km bao gồm bệnh xá, nhiều nhà ở, phòng làm việc, hệ thống đường ngầm... nhiều ngõ ngách như mạng nhện với ba tầng sâu khác nhau, tầng sâu nhất nằm cách mặt đất 12m, không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là nơi sinh hoạt của người dân và chiến sĩ.

Ngày nay, cuộc sống và chiến đấu dưới lòng đất đã được tái hiện sinh động với hình ảnh hội họp, sản xuất, trạm quân y, giải trí văn nghệ, những hầm chông bẫy quân thù... sẽ giúp chúng ta cảm nhận rõ ràng hơn về một cuộc sống đầy gian khổ, thiếu thốn dưới lòng đất. Ấn tượng hơn cả là bếp Hoàng Cầm với hệ thống giấu khói đơn giản, những lỗ thoát khói nhỏ được đào xung quanh địa đạo và những dụng cụ nấu nướng thô sơ nhưng đã nuôi sống biết bao con người tồn tại và chiến đấu.

Rời bếp Hoàng Cầm, bạn sẽ được thưởng thức món khoai mì luộc chấm muối mè thơm phức, đậm chất dân dã - món ruột của người dân vùng này suốt thời kỳ kháng chiến. Qua đó sẽ giúp bạn cảm nhận rõ hơn về cuộc sống thời chiến.

Hệ thống địa đạo được thiết kế chỉ hợp với vóc dáng nhỏ bé của người Việt Nam. Ngày nay địa đạo đã được khoét rộng hơn để du khách có thể chui qua chứ không phải bò như những chiến sĩ du kích năm nào. Cảm giác đầu tiên khi chui vào là một không gian tối cùng một mùi nồng rất đặc trưng của đất. Dẫu đã được khoét rộng nhưng để có thể di chuyển trong đó mọi người đều phải lom khom, cúi gập lưng, khuỵu thấp hai chân xuống lò dò từng bước một cách khó khăn.

Một chính khách ở CHLB Đức đã phát biểu: "Đã nhiều năm tôi nghi ngờ về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Làm sao một nước nhỏ và nghèo lại có thể đánh thắng một nước lớn và giàu có như Mỹ. Nhưng khi tới đây, chui qua 70m đường hầm, tôi đã tự trả lời được câu hỏi đó”. Như thế chúng ta mới hiểu và càng thêm cảm phục một công trình vĩ đại cùng lòng quả cảm của những chiến sĩ Củ Chi.

Sau khi khám phá xong vùng địa đạo, chúng ta lại thăm tiếp chiến trường xưa với công trình tái hiện vùng giải phóng Củ Chi. Đây là nơi thể hiện cuộc sống, chiến đấu của người dân Củ Chi trước và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khu được chia ra nhiều vùng như vùng giải phóng, vùng trắng, ấp chiến lược, cảnh xây dựng chiến hào, đoàn văn công biểu diễn hay những xác máy bay, xe tăng... được thể hiện sinh động.

RgaFqwWf.jpgPhóng to

Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược

Những địa điểm khác không thể bỏ qua

Nếu đã tham quan địa đạo thì bạn cũng đừng bỏ qua những địa danh khác.

Nằm ở trung tâm khu di tích là đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, một công trình lịch sử văn hóa của thành phố, được khởi công từ năm 1993 trên khu đất rộng 7ha. Toàn bộ công trình được thiết kế theo đúng phong cách cổ truyền của dân tộc với cổng tam quan, lợp ngói âm dương, nhà văn bia, tháp chín tầng cao 40m và ngôi điện chính. Chính giữa cổng tam quan là bài thơ hào hùng của nhà thơ Bảo Định Giang:

Trải tấm lòng son vì đất nướcĐem dòng máu đỏ giữ quê hương...

Bên trong điện chính là tượng thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, xung quanh điện có đặt bia khắc tên 44.279 người con của Tổ quốc Việt Nam đã chiến đấu hi sinh trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định. Còn bên ngoài đền là bức tranh gốm lớn nhất Việt Nam gồm ba tấm do các họa sĩ của Trường ĐH Mỹ thuật sáng tác và thi công. Mỗi bức có chiều rộng 25m, cao 4m, thể hiện các thời kỳ dựng nước và giữ nước với các chủ đề Dân khai hoang - Thần lập xứ, Áp bức đấu tranh, Tiếp sức chống xâm lăng.

Từ đền tưởng niệm đi khoảng 500m bạn sẽ gặp công trình nhân tạo rừng đặc trưng ba miền và hồ cảnh quan mô phỏng biển Đông. Một khu rừng gỗ quý đặc trưng của ba miền được trồng theo hình chữ S rộng 4,6ha; trên khu rừng là ba mô hình chùa Một Cột, Ngọ Môn, bến Nhà Rồng tượng trưng cho ba miền; bao bọc xung quanh một hồ nước mô phỏng biển Đông rộng 6,8ha.

Chắc chắn công trình này sẽ giúp ta thêm yêu thiên nhiên đất nước, hiểu được giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, dọc theo sông Sài Gòn uốn quanh là khu ăn uống vui chơi, giải trí rất thú vị.

UWUO88OO.jpgPhóng to

Áo Trắng số 9 (ra ngày 15-5-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRẦN NHƯ QUỲNH (Biên Hòa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên