15/11/2020 09:26 GMT+7

Về quê dựng lại mái nhà

NGUYỄN ĐƯỚC
NGUYỄN ĐƯỚC

TTO - Bão lũ đi qua, hàng ngàn người dân miền Trung cũng như người dân Quảng Ngãi quê tôi gắng gượng đứng dậy. Và một trong những việc quan trọng nhất là dựng lại mái nhà sau dông bão.

Về quê dựng lại mái nhà - Ảnh 1.

Người dân Quảng Ngãi dọn dẹp sau khi bão tan - Ảnh: Q.Đ.

Nhiều người nghèo xa quê, làm đủ mọi thứ nghề ở Sài Gòn mà tôi biết, những ngày này cũng tranh thủ trở về quê nhà, dựng lại mái nhà cho mẹ cha, anh chị hay con cháu...

Tất tả về quê

Mấy ngày nay căn phòng trọ của vợ chồng, con cái chú Huỳnh Mỹ (quê huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đóng cửa im ỉm. Chú Mỹ đã cùng vợ con tất tả về quê để lo chuyện nhà cửa. Bởi căn nhà cấp 4 ở quê của chú bị tốc mái, sụp đổ sau cơn bão dữ vừa rồi.

Trước ngày về, bên ấm trà, chú Mỹ kể: Vợ chồng chú đã vào Sài Gòn hơn chục năm nay. Ngày những người con của cô chú lần lượt vào thành phố học cao đẳng, đại học cũng là lúc vợ chồng chú khăn gói đi cùng. Theo con vào Sài Gòn rồi đi làm thuê làm mướn đủ mọi nghề, từ giúp việc nhà, phụ quán ăn, làm bảo vệ... cốt là để kiếm chút ít tiền nuôi con học. 

"Chứ ở ngoài quê kiếm đồng tiền khó lắm", chú Mỹ nói rồi tiếp: Hơn chục năm ở Sài Gòn chắt chiu, tằn tiện từng đồng ngoài việc nuôi ba người con ăn học nên người, cô chú cũng làm được cho mình căn nhà cấp 4 ở quê nhà. Ước mong khi hai vợ chồng về già sẽ trở lại quê sống bên chòm xóm, ấy vậy mà bão đổ ập xuống.

Những ngày bão dữ đổ xuống đất quê, cô chú ra vào không yên, lòng như lửa đốt. Rồi người quê gọi điện báo tin: cơn bão dữ đã cuốn bay mái nhà, một phần tường căn nhà cũng bị sụp đổ. Nhận được tin báo, cô chú gom tiền, tất tả khăn gói để trở về quê nhà trên chuyến tàu đêm sớm nhất để... dựng lại mái nhà.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Huệ (quê huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) vào Sài Gòn mưu sinh cũng đã ngót nghét 20 năm qua với đủ thứ nghề kiếm sống. Đến giờ cô trụ lại với nghề bán hủ tiếu ở một con hẻm nhỏ đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình. Sau bao nhiêu năm chắt chiu, dành dụm, cô cũng đã xây cho mình căn nhà nhỏ cấp 4 ở quê cốt là để sau này trở về quê cũng có chỗ "chui ra chui vô", có chỗ trú nắng mưa.

Thế nhưng cơn bão dữ vừa qua đã tàn phá, mái nhà tan hoang. Cô nói như trách: "Trời không thương xót người nghèo! Cả tài sản dành dụm sau bao nhiêu năm tích góp, buôn bán, ăn uống tằn tiện ở Sài Gòn giờ tan tành theo mây khói vì bão dữ". Cô Huệ tạm bỏ gánh hủ tiếu nơi phố thị, trở về quê nhà làm lại mái nhà sau cơn bão dữ...

Khi mái nhà là máu thịt

Ấy là những mảnh đời, những thân phận, những phận người tha phương kiếm sống mà tôi biết ở thành phố này. Với họ mái nhà không giản đơn chỉ là nơi che nắng che mưa, là nơi sinh sống của cả một gia đình. Mái nhà còn là "máu thịt". Lòng dạ đau như cắt da cắt thịt khi nhìn thấy mái nhà, là bao nhiêu "xương máu" của mình, sụp đổ trong dông bão. 

Xa quê, tha phương kiếm chút tiền và trở về để dựng lên mái nhà cho chắc chắn, vững chãi hơn. Mái nhà còn chính là hơi thở, là cuộc sống, thậm chí là nơi "sống chết" của nhiều người.

Dải đất miền Trung quanh năm hứng chịu biết bao cơn thịnh nộ của thiên nhiên tàn phá, thế nhưng đâu ai có thể từ bỏ quê nhà, từ bỏ quê cha đất tổ, từ bỏ mái nhà của chính mình. Với rất nhiều người như vợ chồng chú Mỹ hay cô Huệ... ra đi, xa quê là để trở về. Đất đai, nhà cửa của ông bà, tổ tiên để lại, quê cha đất tổ của mình mấy đời "sống chết" trên mảnh đất này, ngôi nhà "thân yêu" này, hà cớ gì mà từ bỏ.

"Dẫu vẫn biết rằng mảnh đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi" nhưng đó là nơi chôn nhau cắt rốn, bỏ đi sao cho đành. Còn mồ mả ông bà, tổ tiên, con cháu nữa, ai lo nhang khói...", chú Huỳnh Mỹ tâm sự với tôi trước ngày trở lại quê.

Tôi cũng từng biết có rất nhiều người, nhiều gia đình đã "bỏ hết", bán hết cả nhà cửa, đất đai, ruộng vườn của mình... để ra đi, "từ bỏ" quê cha đất tổ, từ bỏ mảnh đất hằng năm phải hứng chịu biết bao nhiêu cơn thịnh nộ, giận dữ của mẹ thiên nhiên để đi xa lập nghiệp. 

Thế nhưng sau nhiều năm ra đi, bôn ba lập nghiệp nơi xứ người, có người nhớ quê đến lòng dạ... quay quắt. Nhớ làng, nhớ xóm và nhớ cả mái nhà xưa của chính mình. Họ lại tìm về... Bởi mảnh đất, mái nhà là nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi đất tổ quê cha đâu ai có thể "từ bỏ" và dễ dàng quên được.

Chúng ta làm gì khi lũ đi qua? Chúng ta làm gì khi lũ đi qua?

TTO - Hằng năm ngân sách nhà nước chi hàng trăm nghìn tỉ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Những thiệt hại về tài sản có thể khắc phục được, nhưng thiệt hại về người thì không có cách gì bù đắp.

NGUYỄN ĐƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên