30/01/2012 07:30 GMT+7

Về quá cực, trở lại cũng quá khổ

Cơm nắm vào Nam
Cơm nắm vào Nam

TT - Khi những dòng người rồng rắn trở lại nơi làm việc thì cũng là lúc bắt đầu điệp khúc nhồi nhét, sang xe, tăng giá vé vô tội vạ... Dòng người ùn ùn trở về TP.HCM và Hà Nội trong nỗi khổ không kém so với lúc về quê ăn Tết.

Người dân ùn ùn về TP.HCM và Hà Nội

wTEVl8vq.jpgPhóng to
Hành khách xe giường nằm chờ sang xe tại xã Tân Đức, huyện Hàm Tân (Bình Thuận) để tiếp tục hành trình về TP.HCM - Ảnh: Ngô Thiên Phúc

Tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), mặc dù tuyến Hà Nội - Thanh Hóa công bố tăng 50% giá vé (từ 80.000 lên 120.000 đồng) để bù cho chiều rỗng nhưng anh Trần Văn Minh, hành khách từ Thanh Hóa lên Hà Nội, cho biết các nhà xe trên tuyến này đều lấy mức giá 150.000 đồng/khách, trước tết còn thu đến 200.000 đồng/khách.

“Chật như... chở heo”

Tình trạng này cũng xuất hiện ở tuyến xe từ huyện Ý Yên (Nam Định) lên Hà Nội. Anh Nguyễn Quang Huy - hành khách đi tuyến này - cho biết nhà xe tăng giá vé lên 80.000 đồng, cao hơn 20.000 đồng so với ngày thường với lý do xe chạy ngày tết, chưa kể xe vẫn chở quá số chỗ. Tình trạng các nhà xe biến xe giường nằm thành ghế ngồi cũng xảy ra trên nhiều tuyến xe từ Quảng Bình, Hà Tĩnh trở ra phía Bắc.

Anh Nguyễn Hưng - hành khách đi xe từ Quảng Bình ra - cho biết “xe 45 chỗ nằm nhưng nhà xe chuyển giường nằm thành ghế ngồi 3-4 khách/giường. Xe chở đến hơn 80 khách, chật như chở heo, khổ hết chỗ nói”.

Trái ngược với chiều về đông khách, tại quầy vé bến xe Giáp Bát chỉ có một ít hành khách mua vé đi các tuyến đường dài vào các tỉnh phía Nam, trong khi các xe tuyến từ Hà Nội đến Đà Nẵng và các tỉnh phía Nam đều trong tình trạng chờ khách.

“Phần lớn khách đi từ các tỉnh, người Hà Nội chủ yếu đi máy bay, chỉ một số người ở các tỉnh đến Hà Nội thăm người thân mới đi xe đường dài từ Hà Nội” - một tài xế tuyến Hà Nội - Đà Nẵng cho biết.

Bà Phùng Thị Lý Hà - phó trưởng ga Hà Nội - cho biết đến hôm qua ga Hà Nội vẫn còn hơn 10.000 vé tàu phục vụ khách đi lại sau tết. Tuy nhiên do nhiều người chọn đi lại vào ngày chẵn nên vé đi tàu vào mồng 8 tháng giêng chỉ còn ghế phụ trên các đoàn tàu.

gcpuCB5O.jpgPhóng to

Rừng người chen chúc chờ qua cầu Trà Lọt, huyện Cái Bè (Tiền Giang) - Ảnh: Thanh Tú

Bát nháo đua xe, sang khách

Theo lãnh đạo sở giao thông vận tải hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, năm nay lượng khách vào Nam sau tết tăng khoảng 40% so với trước, các sở cố gắng lên kế hoạch huy động xe nhưng cũng khó đáp ứng được nhu cầu hành khách.

Ông Lê Văn Thạnh - phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ vận tải tỉnh Khánh Hòa - cho biết cả ba bến xe phía nam TP Nha Trang, Ninh Hòa và Cam Ranh ngoài khoảng 40 chuyến trong kế hoạch bình thường, phải tăng cường tổng cộng hơn 100 lượt xe vào TP.HCM trong hai ngày mồng 6 và mồng 7 nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu hành khách.

“Căng nhất là mồng 7, chúng tôi không thể huy động nhiều xe vì hầu hết xe tăng cường là xe chở công nhân, họ phải đưa đón công nhân đi làm vào sáng mồng 8 rồi” - ông Thạnh nói.

Chiều 29-1, trung tá Lê Đình Xê - đội trưởng đội tuần tra kiểm soát, Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Nam - cho biết chỉ hơn một giờ trên quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam đã có 25 ôtô vi phạm về vượt quá tốc độ, trong đó có 18 xe khách đường dài. Rất nhiều xe khách chen lấn, phóng nhanh vượt ẩu để giành khách dọc đường gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Nhiều xe khách chạy vượt tốc độ cho phép từ 20-30km/giờ.

Nhằm đối phó với việc kiểm tra gắt gao của các trạm cảnh sát giao thông vùng giáp ranh giữa Đồng Nai và Bình Thuận, các nhà xe chở quá tải khi sắp đi ngang các trạm này đã sang khách qua các xe trung chuyển.

Theo ghi nhận của phóng viên, từ 7g-10g ngày 29-1, hàng chục xe khách vào ra quán cơm A Lin 2 thuộc xã Tân Đức, huyện Hàm Tân (Bình Thuận). Ngoài việc vào ăn cơm, cho khách nghỉ chân thì phía đằng sau quán có một khoảng sân rộng chừng 800m2 dùng để sang khách quá tải, trung chuyển về TP.HCM. Tại đây một đội ngũ “cò” hàng chục người sang xe khách đang “điều” khách từ các xe đường dài qua xe buýt số 14 (tuyến Xuân Lộc - Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), số 10 (tuyến Xuân Lộc - TP Biên Hòa), xe hợp đồng chở học sinh - công nhân, xe buýt giả...

Mỗi hành khách sang xe được chủ xe trả cho xe buýt 65.000-70.000 đồng/người, “cò” xe hưởng 5.000-10.000 đồng/người. Khi xe khách vào quán sẽ được một thanh niên cầm loa hướng dẫn xe chạy lui ra phía sau để cho khách xuống, cùng lúc đó xe buýt số 14, số 10 đang ở huyện Xuân Lộc bắt đầu bỏ bến, lấn tuyến sang tỉnh Bình Thuận vào sau quán cơm A Lin 2 nhận khách để về TP.HCM. Khi khoảng sân trong quán A Lin 2 không còn chỗ thì các xe dừng ở lề đường quốc lộ 1A trước quán để sang khách.

ĐBSCL: xe “bò” trên quốc lộ

Liên tục trong hai ngày 28 và 29-1, đoạn quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Tiền Giang dài khoảng 70km đã trở thành nỗi ám ảnh của tất cả những người trở về TP.HCM sau chín ngày nghỉ tết. Theo nhiều người chạy xe gắn máy, để đi hết đoạn đường này họ phải mất thêm khoảng hai giờ so với ngày thường. Nguyên nhân là trên tuyến có 4-5 cây cầu rất hẹp, phương tiện phải “bò” với tốc độ... 5km/giờ hoặc phải xếp hàng chờ và nhích từng tấc.

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, phó Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an Tiền Giang, cho biết ngày 28-1 hàng chục cảnh sát giao thông phải đứng ròng rã ở các điểm “nóng” điều tiết giao thông từ 6g-23g mới hết ùn tắc. Còn ngày 29-1 mật độ phương tiện từ các tỉnh miền Tây đổ về ken cứng mặt đường từ... 7g sáng. Tất cả tổ tuần tra đều được lệnh tăng cường cho các cây cầu An Hữu, Trà Lọt, Cai Lậy và Kinh Xáng.

Tại An Giang, trong ngày 29-1 tình hình mua vé xe để trở lại TP.HCM, miền Đông tiếp tục căng thẳng. Hai bến xe Châu Đốc và Long Xuyên các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hành khách đều huy động thêm phương tiện, tăng chuyến chạy liên tục.

Tuy nhiên do lượng công nhân, sinh viên, học sinh... đi lại đông nên không thể giải quyết hết khách. Nhiều người chấp nhận ngồi ghế xúp trong cảnh bị nhồi nhét hoặc đi xe chuyền (qua nhiều tuyến) để kịp ngày làm việc, ngày học đầu năm.

Trước đó, các doanh nghiệp đăng ký tăng giá vé xe chạy các tuyến liên tỉnh lên 40% từ ngày 24 đến 31-1 (mồng 2 đến mồng 9 âm lịch), nhưng mấy ngày qua một số doanh nghiệp đã tự nâng giá vé cao hơn mức đăng ký 20.000-40.000 đồng, xe “dù” cũng tha hồ “chặt chém”.

Cơm nắm vào Nam

Để tránh bị “chặt chém”, trên các chuyến xe vào Nam, nhiều công nhân đã mang theo cơm nắm với cá khô, củ kiệu, thịt heo...

Tại quán cơm Hoài Thu (ngoại ô TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) trưa 28-1, khi nhiều hành khách vào quán ăn cơm với giá 50.000 đồng/đĩa thì những công nhân này vào một góc khuất của quán mở cà mèn mang cơm, bánh ra ăn (ảnh).

TT3y8hFV.jpgPhóng to
Ảnh: N.T.Phúc

* Tàu lửa: giường nằm thành ghế ngồi

Ngày 29-1, đại diện ban quản lý bến xe miền Đông và miền Tây (TP.HCM) cho biết trung bình có gần 100.000 lượt người qua hai bến xe này mỗi ngày, tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường. Ông Thượng Thanh Hải, phó giám đốc bến xe miền Đông, cho biết có khoảng 1.400 xe từ các tỉnh ra vào bến mỗi ngày.

Trong khi đó, tuy ngành đường sắt đã tăng số tàu Thống Nhất lên tới 14 đoàn tàu nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của hành khách. Nhiều đoàn tàu phải quy đổi giường nằm tầng một thành ba ghế ngồi, đồng thời bán ghế phụ cho những hành khách có nhu cầu. Đại diện Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho biết do đường sắt VN chỉ có một đường ray nên không thể tăng cường nhiều đoàn tàu trong những dịp cao điểm.

Tại các bến phà, bến tàu cánh ngầm, lượng người về TP.HCM bằng phương tiện thủy tăng cao. Ông Trần Minh Thành - giám đốc bến phà Cát Lái (TP.HCM - Đồng Nai) - cho biết năm nay khách qua phà tăng 15% so với tết năm ngoái, đỉnh điểm vào mồng 4 tết (26-1) và mồng 6 (28-1) có tới 76.000 lượt khách qua phà, tăng gấp đôi so với ngày thường.

* Đi máy bay chờ hơn 4 giờ mới lấy được hành lý

Anh Phạm Quang Bình (Vũng Tàu) cho biết anh và gia đình đi trên hai chuyến bay VNA 7151 và VN 7143 khởi hành từ Hà Nội lúc 0g50 và 1g10 ngày 29-1, đến TP.HCM lúc 3g nhưng phải ngồi chờ ở sân bay Tân Sơn Nhất đến hơn 7g mới nhận được hành lý làm thủ tục theo chuyến bay chuyển đến.

Theo anh Bình, hầu hết hành khách của hai chuyến bay này đều rơi vào tình trạng tương tự.

Ông Phan Ngọc Linh, giám đốc Trung tâm kiểm soát khai thác Tân Sơn Nhất (TOC) của VNA, cho biết nguyên nhân là do lượng khách dồn ở sân bay Nội Bài những ngày này rất đông, hành khách mang theo nhiều hành lý, hệ thống băng chuyền hành lý tại Nội Bài bị quá tải nên nhiều hành lý bị lọt lại, một số chuyến bay sử dụng máy bay nhỏ nên chỉ chở khách mà không mang theo hành lý của họ, phải chờ chuyến sau chuyển về.

Ông Linh cho biết trong hai ngày 28 và 29-1 lượng khách dồn tại sân bay Nội Bài quá đông, VNA phải điều động thêm nhân viên của TOC để hỗ trợ làm việc 24/24 giờ.

Cơm nắm vào Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên