Những nét độc đáo trong dịp tết cổ truyền của gần 100 năm trước vẫn được các gia đình, dòng tộc ở làng Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) lưu giữ đến tận ngày nay.
![]() |
Trẻ nhỏ trong làng vui đùa bên đình làng Nghi Sơn. Nơi đây vào đúng mồng 8 tháng giêng sẽ diễn ra hội làng - Ảnh: T.Vũ |
“Chưa qua mồng 8 tháng giêng âm lịch, chưa cúng khai sơn thì không một người dân làng Nghi Sơn nào dám vào núi chặt cây đốn củi. Đó là lệ làng đặt ra từ xưa nay, ai cũng phải tuân thủ” - ông Phạm Đăng (người làng Nghi Sơn, năm nay 76 tuổi) bảo vậy. Vì vậy, nếu ai tự ý vào rừng chặt cây đốn củi trong thời gian đó sẽ bị làng phạt.
Cứ thế trong suốt bảy ngày xuân, dân trong làng vui chơi, ca hát, rượu thịt no say. Đám trẻ nhỏ chơi ú tìm, kéo co, rồng rắn lên mây..., còn trai thanh nữ tú thì đàn đúm hát hò, các bậc bô lão chơi cờ, nghe hát bội... Đến mồng 8 thì cả làng cùng trẩy hội. Làng có 130 hộ dân nhưng ngày đó đường sá ken đặc bởi khách thập phương kéo về. Ngày này, hễ ai đến làng đều được coi là thượng khách, vào nhà nào cũng được thết cơm đãi rượu!
“Nhà tôi có năm nấu năm nồi cơm mà cũng không kịp để đãi khách” - ông Đăng khoe. Giờ này về làng Nghi Sơn, nhà nào cũng có vài luống rau xanh trước ngõ, con cá dưới ao, con gà, con vịt ngoài vườn sẵn sàng đón khách. Chưa hết, hàng chục loại bánh như bánh nổ (làm bằng nếp hương), bánh tét, bánh rò, bánh ú, đến bánh chưng, bánh in, bánh tổ... đều được người dân trong làng tự tay làm mời khách ăn rồi cùng chơi hội.
Ông Đăng lý giải việc người dưng đến thăm làng vào ngày này: “Trước chiến tranh, Nghi Sơn là nơi người dân nhiều nơi tìm đến trú ẩn. Từ ngày chiến tranh kết thúc, năm nào cũng vậy, con cháu của những người từng tản cư đã nhớ đất, nhớ làng nên tìm về thăm viếng, lâu ngày thành lệ”.
Để thết đãi người dưng, người làng Nghi Sơn phải tích cóp của nả từ nhiều tháng trước đó. “Ngày xưa làm gì có hàng quán bán thức ăn để ăn khi đói. Vậy nên không cần lạ quen, miễn là khách của làng, ai đói cứ ghé tạt vào nhà dân bên đường. Có gì ăn nấy...”.
Tết, như thông lệ không cần gọi nhau, không cần mách bảo, con cháu trong làng dù làm ăn xa đến tận đâu cũng dắt díu nhau về làng. “Trước là cúng khai sơn, sau là trẩy hội vui chơi trọn ngày” - ông Đăng nói. Ông Đinh Hữu Năm, thầy giáo, cũng là người ghi chép sử cho ngôi làng này, cho biết khi con cháu tụ về đông đủ thì góp tiền cúng làng. Một phần tiền còn lại góp vào quỹ khuyến học nhằm giúp con em các gia đình khó khăn nhưng học giỏi. Nhờ có khoản tiền đó mà năm nào cũng vậy, cứ ra tết, những cô cậu đi học đại học xa làng đều được làng tặng một khoản tiền nhỏ gọi là lộ phí để nhắn gửi cố học thật giỏi về giúp làng giúp nước.
Đúng mồng 8 tháng giêng trên đường du xuân, nếu ai có dịp nên ghé lại làng Nghi Sơn để trẩy hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận