- Mẹ ơi, bữa nay trường con có ve kêu nữa nè. Ve kêu hà rần ngoài mấy cây phượng luôn, mà bông phượng cũng nở đỏ lè hết. Nhìn đẹp lắm!
![]() |
Chị rỏn rẻn cười, vuốt tóc cu Bi:
- Thì ve kêu là sắp tới hè rồi đó. Thi cử xong là cu Bi được nghỉ hè rồi còn gì. Sướng chưa.
- Thế hè này mẹ cho con về ngoại chơi nha. Con không muốn đi học thêm nữa đâu.
Chị chặc lưỡi:
- Không học thì vô năm học mới, con làm sao theo kịp bạn bè?
Mặt cu Bi xị xuống làm nũng:
- Không theo kịp thì con đạt học sinh tiên tiến được rồi. Sang học kỳ hai con phấn đấu lên giỏi lại thôi.
Chị bật cười vì cái sự lém lỉnh của cu cậu, tính nết y chang ba sắp nhỏ.
- Thôi đi tắm đi ông tướng rồi ra ăn cơm. Chuyện nghỉ hè tính sau. Thi cuối kỳ đạt điểm cao thì mẹ sẽ nói ba cho về quê ngoại.
Nói vậy chứ chị cũng không dám chắc mình có thực hiện đúng lời hứa với cu Bi không. Nhớ hồi sáng, chị đọc tờ báo thấy nói vụ một phụ huynh lên mắng vốn ban giám hiệu nhà trường vì cho con mình học sinh tiên tiến. Con chị ta trước giờ toàn đạt điểm giỏi 9, 10 mà nay tụt xuống thành danh hiệu tiên tiến là một “nỗi nhục” to lớn! Chị đọc mà xốn xang trong lòng, không biết ai nhục hơn ai. Thằng nhỏ có tội tình gì, có chăng bệnh thành tích ăn sâu vào máu nhiều bậc phụ huynh quá rồi. Mà thử đặt vào trường hợp của chị, chắc chị la rầy nó mấy tiếng thôi chứ sao ép uổng con cái mình được.
Nhớ lại cái thời xa lơ xa lắc, hồi nhỏ chị học không có giỏi bằng bạn bằng bè, cái gì cũng chậm hiểu hơn người khác. Nhưng ít ra chị cũng nhận thức được điều đó nên lấy cần cù bù thông minh, cứ siêng năng là cũng bằng thiên hạ thôi. Ấy vậy mà phương châm đó của chị trở nên hữu hiệu, mấy năm cấp một, cấp hai chị đạt toàn danh hiệu học sinh khá giỏi. Chuyện bằng cấp thì ở đâu cũng như đấy, ở xứ chị nhà nào con cái được bằng khen đều treo lên đầy phòng khách rồi ai tới nhà là khen lấy khen để. Mấy hồi chị ngồi coi chương trình “Ngôi nhà mơ ước” rồi “Câu chuyện ước mơ”, thấy mỗi lần cô Đỗ Thụy tới nhà những em nào học sinh nghèo vượt khó thì máy quay cũng chĩa khắp nơi để thấy được số bằng khen “khủng” của mấy em nhỏ đạt được. Ai sao chớ chị thì khác, mặc dù cũng đạt được bằng khen rồi giải này giải nọ của mấy cuộc thi cấp tỉnh, chị bỏ hết vào trong tập hồ sơ, quăng một góc trong tủ nhà. Cho nên mấy bận khách tới nhà chơi hỏi má chị con nhỏ học ngon lành không, má chị chỉ bẽn lẽn trả lời nó học cũng được chú ạ. Ít ra chị cũng thương má mình khoản đó, không có se sua như nhà người, vì mỗi lần chị đoạt được giải gì đều im re không nói. Đến khi má chị đi họp phụ huynh nghe cô giáo kể lại mới mừng thầm trong lòng.
Buổi tối anh ngồi làm việc trên bàn, chị thỏ thẻ:
- Cu Bi nó xin nghỉ hè cho nó về quê ngoại chơi. Tính sao anh?
Anh đang đánh máy thì khựng lại giữa chừng:
- Coi nó học hành sao đã rồi tính. Mà em quên mất mấy khóa học thêm vào hè anh nói bữa trước rồi sao?
Chị e dè nói khẽ:
- Năm nào hè mình cũng bắt nó đi học thêm tội nghiệp. Anh có đọc bài báo sáng nay vụ bà phụ huynh làm rùm beng ở trường không? Em không muốn nhà mình cũng mắc bệnh thành tích như thiên hạ.
- Em nói vậy mà nghe được à? Em có biết thằng Bin con thủ trưởng cơ quan anh không, nó học chung lớp với thằng Bi lúc nào cũng đứng đầu lớp đó. Người ta bỏ cả đống tiền cho con đi học thêm mới được vậy, chứ ai như con mình. Em có thấy thằng bé Đỗ Nhật Nam không? Con nhà người ta đi học tiếng Anh từ năm 6 tuổi nên bây giờ mới giỏi như vầy.
Chị lớn giọng:
- Để được thành tích như vậy người ta đánh đổi cái gì, anh biết không? Là tuổi thơ, tuổi thơ đó. Em không muốn con mình không có tuổi thơ khi chỉ biết vùi đầu vào học? Để được cái gì? Danh hiệu, thành tích giỏi giang để khoe mẽ với thiên hạ chăng? Rồi khi nó lớn lên thì tự khắc nó sẽ biết định hướng cuộc đời mình.
Anh đập bàn cái rầm:
- Em thôi đi! Anh hết nói nổi em luôn.
Nói rồi anh bỏ ra ngoài một nước, chị nằm trong phòng mắt đỏ hoe, thút thít khóc. Tính anh gia trưởng và cứng nhắc chẳng khác gì ba chị hồi xưa. Chả khác nào người ta vẫn thường nói ghét của nào trời trao của đó. Ba chị hồi xưa cũng vậy, mỗi lần có khách tới nhà là cứ thích lôi thành tích của chị ra khoe, con tui đã đoạt giải này giải nọ. Có lần, một ông khách bạn ba tới nhà chơi hỏi chị năm nay được học sinh gì. Chị xổ toẹt năm nay con được học sinh yếu để ba chị ngỡ ngàng trong chốc lát. Đã vậy chị còn chêm thêm con thấy học yếu mà cũng tàng tàng lên lớp được rồi, học giỏi chi cực cái thân. Thế là chị bị ba tát một cái trời giáng vào mặt, nguyên suốt mấy tuần sau chị làm lẫy không thèm nói chuyện với ba. Mặc dù trong lòng chị biết ba chị do học hành không tới nơi tới chốn nên luôn mong ước con mình đỗ đạt cao để mở mày mở mặt với thiên hạ. Nhưng thái độ đó chị không hài lòng, và chị tự dặn với mình rằng sau này sẽ không áp dụng nó với con chị. Vậy đó, mà giờ chị lấy phải một ông chồng y chang ba mình hồi xưa, có điều anh là trí thức có đỗ đạt, có chức vị đàng hoàng.
Giờ tan tầm. Anh đón cu Bi ở cổng trường, chen lẫn giữa hàng trăm bậc phụ huynh khác cũng đang đứng đợi con mình. Ngôi trường lọt thỏm giữa ngã tư đường xe cộ tấp nập, bao phủ xung quanh là những tòa nhà cao tầng và hiếm hoi lắm những mảng xanh ngoại trừ mấy cây phượng hoe hoe đỏ trong sân trường. Tự dưng anh thấy nhẹ lòng, hỏi cu Bi có thích quà gì không anh mua cho trước cổng trường. Cu Bi đòi mua con cào cào bằng tre, trái ngược với mấy đứa nhỏ khác túm tụm lại mua bong bóng, mua kem hay ăn kẹo bông gòn. Chú bán hàng bận áo sơmi cũ bạc màu có nụ cười hiền đưa cho cu Bi con cào cào cồ nhất, mỗi con giá mười ngàn đồng. Cu Bi cầm con cào cào phe phẩy giơ lên cao trong buổi chiều Sài Gòn ngộp gió.
- Ba ơi bữa nay trường con ve kêu quá chừng, kêu điếc cả tai luôn.
Anh vừa chạy xe vừa ngoảnh lại:
- Ừ, ba có nghe. Ba có thấy mấy chùm phượng ở trường con.
- Đúng rồi đó ba. Cô giáo con nói ve đậu trên mấy cây phượng kêu inh ỏi báo hiệu hè về. Mà ba có thấy con ve bao giờ chưa?
Anh cười:
- Hồi nhỏ ba có thấy rồi.
- Bạn Tí lớp con bảo ở dưới quê bạn đó ve nhiều quá trời luôn. Hè nào bạn Tí cũng về quê đi bắt ve chơi với mấy anh họ. Nhưng mà bạn đó cũng là học sinh giỏi đều đều đó ba.
Nghe cu Bi nói tới đây, anh suýt phì cười vì cái sự lém lỉnh của nó.
- Ờ, biết rồi. Hồi nhỏ ba cũng bắt ve chơi rồi chứ bộ.
Nói rồi anh mới nhớ hồi nhỏ anh cũng là trùm trốn ba mẹ trưa nắng chạy đi chơi với mấy anh họ, leo lên mấy cây me trong vườn để phục kích lũ ve. Ve lớn ve nhỏ ve ông ve bà bị tụi anh bắt ráo trọi. Mấy con ve đực cồ cồ thì anh giữ lại, lấy sợi chỉ cột ngang thân mình cho nó bay tè le trong nhà để kêu rỉ rả. Mớ nhộng ve với ve non còn lại thì mấy anh lớn đem cho hết vào chảo, thêm mắm muối tiêu bột vào chiên cho đều. Cắn con nào con nấy giòn rụm trong miệng, cũng ngon không kém món dế hay cào cào chiên giòn. Tự dưng anh thấy mình ngu lạ, sao bắt con anh khổ sở chi ba cái chuyện học hành mà bỏ quên tuổi thơ tuyệt vời. Anh nhớ hồi đó mình háo hức biết bao khi được nghỉ ba tháng hè, khỏi bận tâm chuyện bài vở học hành trên lớp. Anh nhớ những ngày hè đi chơi khắp ruộng đồng gò bãi cùng lũ bạn. Vậy mà lớn lên anh cũng học hành đỗ đạt đàng hoàng như người ta chứ có thua kém gì.
Rồi anh quyết định hè này sẽ đưa cu Bi về ngoại vui chơi. Chắc cu Bi khi đến trường cũng sẽ giỏi giống anh thôi. Phải tự tin vậy chớ!
Áo Trắng số 9 ra ngày 15/05/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận