Vẽ, cho xanh thêm ước mơ trẻ thơ
![]() |
Cao Cẩm Quyền bên tác phẩm Tình cảm gia đình -Ảnh: MY LĂNG |
Ðây là lần đầu tiên CNCF tổ chức một cuộc triển lãm có sự phối hợp với nhóm sinh viên (ÐH dân lập Huflit).
Câu chuyện của những "mảng màu trầm"
Khi chúng tôi đến thăm lớp học trong những ngày rốt ráo cuối cùng chuẩn bị cho triển lãm, Cao Cẩm Quyền đang hoàn thành những nét cọ cuối cùng cho bức tranh Tình cảm gia đình. Nét vẽ gọn gàng. Màu tươi tắn. Tác phẩm vẽ cảnh đi chơi của một cậu bé với ba mẹ. Sự rạng ngời và hạnh phúc hiển hiện trên gương mặt của từng thành viên trong gia đình. Tác phẩm ấy là mơ ước từ rất lâu của một cậu bé lúc nào cũng cười nói vui vẻ, khao khát tình yêu thương... Quyền lí nhí bảo muốn được đi chơi, đi thả diều một lần với cả nhà, có ba, có mẹ... Nhà Quyền ở Q.6. Ba mẹ ly dị khi Quyền mới 3, 4 tuổi. Chị gái ở với mẹ, còn Quyền được gửi vào mái ấm nam của CNCF.
Một trong hai tác phẩm của Quyền đã được chọn in bìa thư mời và băngrôn giới thiệu triển lãm. Ðó là bức tranh Cảnh biển. Sự lạ và độc đáo trong cách "đọc" hình ảnh của cậu họa sĩ nhí 13 tuổi đã gây bất ngờ cho chính người thầy - anh Phạm Văn Ðức, giáo viên dạy hội họa và cũng là người từng tổ chức triển lãm tranh cho các em ở Ireland (năm 2005), London (năm 2007) và tại Himiko visual saloon (VN, năm 2008).
"Cách "đọc hình" của Quyền rất đặc biệt! Nó làm tôi ngạc nhiên bởi khả năng đó ở một cậu bé mới học vẽ một năm. Quyền có thể tự tưởng tượng ra một hình ảnh cho riêng mình chứ không phải vẽ từ một hình ảnh đã nhìn thấy" - anh Ðức cho biết.
Triển lãm Ánh sáng nằm trong dự án nhạc và họa của Trường Ánh Sáng (thuộc Hiệp hội Bảo trợ trẻ em Christina Noble tại VN) thành lập năm 1997. Dự án là lớp học hằng tuần (về hội họa, thủ công, lớp đàn phím, lớp đàn guitar và lớp múa hiện đại) dành cho trẻ em được chăm sóc ở trung tâm y tế xã hội, mái ấm nam, mái ấm nữ và Trường Ánh Sáng. |
Tác phẩm của Lê Châu Anh Nguyên (13 tuổi, học sinh lớp 8 Trường THCS Bạch Ðằng, Q.3) cũng được đánh giá cao. Vẫn là ước mơ về một gia đình bé nhỏ, hạnh phúc. Nhà Nguyên ở tít bên Q.8. Ba chạy xe ôm, còn mẹ ở nhà nội trợ. Ba mẹ em đã ly thân từ lâu nên căn nhà lúc nào cũng lủi thủi chỉ có mấy mẹ con...
Ngày ngày ngoài giờ học ở trường, Nguyên nhận bẻ thiếc từ mấy lon sữa bò để lấy thêm ít tiền phụ mẹ. Nguyên học vẽ ở đây đã sáu năm. Cô bé có đôi mắt thông minh cười toe toét nói: "Em thích học vẽ vì được tha hồ tưởng tượng".
Dạy vẽ cho... những siêu quậy!
Năm 2001, Phạm Văn Ðức, khi đó đang học năm cuối ÐH Mỹ thuật TP.HCM thì Hiệp hội Bảo trợ trẻ em Christina Noble tìm tình nguyện viên dạy vẽ. Anh nhận lời chỉ vì tò mò, muốn dạy thử xem sao. "Trước khi bước vào lớp tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi. Nhưng không thể tưởng tượng nổi những ngày đầu tiên các em quậy như thế nào.
Cái lớp như tổ ong, chỉ canh me có dịp là ào ào vỡ tổ! Có nhiều bữa tôi phải hét từ đầu bữa tới hết giờ về, khản cả giọng. Tụi nhỏ vẽ xong, vào nhà vệ sinh một lát là sau đó nó đen thùi lùi. Màu loang lổ khắp bờ tường, bồn rửa. Tôi kinh hoàng luôn! Lại phải dạy các em biết cách giữ vệ sinh, ngăn nắp và tiết kiệm. Thật tình nhiều lúc muốn xỉu với tụi nhỏ luôn".
Quậy vẫn quậy mà học vẫn học. Cứ đưa giấy, màu và cọ là lớp học lại tạm ổn. Nhiều em theo lớp học đến tận bây giờ. Lớp học đầu tiên có 15-20 em. Sĩ số lúc trồi lúc sụt. Em nào mới vào Ðức cũng yêu cầu phải vẽ, vẽ cái gì cũng được. Anh nhìn vào đó để biết em nào cần bổ sung cái gì, cần tập trung vào cái gì và thế mạnh, điểm yếu của từng em ra sao. Rồi Ðức cho pha màu theo vòng tuần hoàn màu. Có em chỉ pha tới khoanh thứ hai là chán, bỏ luôn. Lúc đó anh mới giữ lại những em thật sự thích học và có khả năng, dù là khả năng chỉ le lói cũng được.
Những ngày đó giấy, cọ, màu còn chưa đầy đủ như bây giờ. Học trò phải chia nhau từng tờ giấy, thỏi màu. Ðức còn dạy các em nặn đất sét, làm tranh bằng những mảnh sành, mảnh gạch ghép lại. Cứ thế mà Ðức đã gắn với lớp dạy vẽ tám năm nay. Anh bảo: "Một điều đặc biệt mà tôi phải thừa nhận là các em rất thông minh. Tiếp thu nhanh lắm dù quá tuổi mới được đi học. Hình và ý tưởng của các em rất mơ mộng, giàu trí tưởng tượng. Ðó là những tố chất rất cần thiết với một người họa sĩ".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận