23/10/2017 12:31 GMT+7

Vay nợ lãi suất cao mà giải ngân quá chậm

LÊ THANH - LÊ KIÊN
LÊ THANH - LÊ KIÊN

TTO - Huy động vốn nhanh nhưng giải ngân chậm, gây lãng phí và gia tăng chi phí đầu tư xã hội - Kiểm toán nhà nước gửi báo cáo tình hình ngân sách đến kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Vay nợ lãi suất cao mà giải ngân quá chậm - Ảnh 1.

Giải ngân chậm khiến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thi công cầm chừng, vỡ kế hoạch chạy thử vào tháng 10 này - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Huy động cao, giải ngân thấp

Kiểm toán nhà nước cho biết tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản 9 tháng đầu năm thấp, ước chỉ đạt 53,1% dự toán, thấp nhất so với cùng kỳ 2 năm qua (năm 2015 đạt 64,8%, năm 2016 là 54,5%).

Tỉ lệ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ 9 tháng đầu năm nay cũng đạt rất thấp, chỉ khoảng 7% dự toán. Trong khi tỉ lệ huy động trái phiếu Chính phủ cao, đến hết tháng 9-2017 đã phát hành 148,2 nghìn tỉ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 80,8% tổng khối lượng phát hành dự kiến, lãi suất huy động bình quân 6,1%/năm.

Bên cạnh số vốn chưa được giao của kế hoạch vốn năm 2017, cũng còn đến 10.159 tỉ đồng của kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2016 chưa giao, chuyển nguồn sang năm 2017.

"Việc chậm phân giao vốn đầu tư, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ dễ dẫn đến lãng phí ngân sách nhà nước do phải trả lãi huy động, gia tăng chi phí đầu tư xã hội khi nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ ứng trước vốn đầu tư chưa thu hồi còn lớn, nhu cầu bố trí chi đầu tư phát triển cao" - báo cáo của Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Lãng phí nguồn vốn

Kiểm toán nhà nước lưu ý rằng Chính phủ vẫn phải trả lãi huy động 6,1%/năm cho số tiền dư lớn đang đọng tại Kho bạc nhà nước.

Do đó Kiểm toán nhà nước kiến nghị Chính phủ cân nhắc nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng kế hoạch vốn ngoài nước gắn với điều chỉnh giảm kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ để đảm bảo bội chi theo dự toán.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh cần tính tới mức vốn theo kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê duyệt.

Mặt khác, mặc dù số chi đầu tư xây dựng cơ bản trong báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước những năm vừa qua đều vượt dự toán, song tình trạng chuyển nguồn kế hoạch vốn đầu tư sang năm sau còn lớn, thậm chí chuyển nguồn qua nhiều năm. Chính phủ cũng cần kịp thời báo cáo Quốc hội giải pháp xử lý vấn đề này.

Tiến sĩ Vũ Sĩ Cường (Học viện Tài chính): Vay tiền rồi lại đem gửi ngân hàng là làm tăng nợ công

Hiện đang khó khăn rất lớn giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch đầu tư trong vay và phân bổ vốn đầu tư công. Việc vay và phân bổ nguồn không khớp nhau do quy trình thủ tục, dẫn đến khó khăn nhất định cho ngân sách.

Bộ Tài chính vay nợ cho đầu tư công trong khi Bộ Kế hoạch đầu tư phân bổ không kịp nguồn vốn.

Do đó, có nghịch lý là Kho bạc nhà nước phải mang tiền đi gửi ngân hàng không kỳ hạn với lãi suất chưa đến 1%/năm. Trong khi vẫn phải trả lãi huy động trái phiếu Chính phủ 6-7%/năm.

Huy động tiền về mà không đầu tư kịp chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nợ công.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: 'Ta có tiền mà không tiêu hết được'

TTO - Tham gia giải trình thêm tại phiên chất vấn vấn sáng 15-6, phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Chính phủ thẳng thắn nói việc phân bổ vốn còn chậm. "Ta có tiền mà không tiêu hết được là một trong các nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt."

LÊ THANH - LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên