Phóng to |
Ông Trần Văn Sĩ nhờ con gái tìm lại giấy tờ xuất ngũ - Ảnh: Hoàng Điệp |
Đó là ông Trần Văn Sĩ, nhập ngũ từ năm 1985 rồi được huy động đi chiến đấu tại chiến trường Campuchia thuộc đại đội 22, trung đoàn 429, sư đoàn 302. Khi nhập ngũ, hộ khẩu của ông đã được cắt nhưng năm 1988 xuất ngũ trở về địa phương thì người thân không cho nhập lại hộ khẩu.
Nhà có 3 người không biết chữ
Tôi chưa nhận được hồ sơ của ông Sĩ nhưng vợ chồng ông Sĩ hoàn toàn có thể làm thủ tục đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, tôi phải gặp và xem hồ sơ của ông Sĩ thì mới hướng dẫn cụ thể việc làm đăng ký kết hôn được. Ông Trần Quảng Lâm (cán bộ tư pháp phường 12, quận 8) |
5g chiều, trước cửa trụ sở UBND phường 10, quận 5, TP.HCM, đếm lại tập vé số mới lấy để ngày mai bán, cột chặt những đồng tiền còn lại bằng một sợi dây thun rồi bỏ vào trong chiếc bóp đeo trước bụng, ông Trần Văn Sĩ buồn buồn: “Hôm nay ế, dư mấy chục vé, lại phải trả góp 40.000 đồng tiền lãi vay 1 triệu của người ta, trừ đầu trừ đuôi ngày nay coi như đói”.
Thất thểu kéo chiếc mũ vải lau mặt, xếp cẩn thận xấp vé số vào chiếc bóp trước bụng rồi ông lặng lẽ đi bộ qua cầu Chà Và. Đi sâu vào sau chợ Xóm Củi là một con hẻm nhỏ dẫn ra kênh Ụ Cây. Nơi gia đình người cựu chiến binh này trú ngụ là một căn chòi nhìn ra kênh, tối tăm và xập xệ.
Bỏ đôi dép lê mòn vẹt phía gót, lách người qua chiếc cửa nhỏ xíu để vào nơi trú ngụ của gia đình, ông Sĩ nói: “Tôi đi bán vé số từ 7g sáng, bữa trưa tiện đâu ăn đó, đến chừng 5g chiều lấy vé mới rồi về. Cả nhà trông chờ vào từng đồng tiền bán vé số nên bữa nào bán được nhiều thì được nhiều, bữa nào bán được ít thì đóng tiền lãi xong chẳng còn gì mà mang về”.
Căn chòi lụp xụp được kết bởi đủ thứ vật liệu: tôn, nilông, giấy, mảnh ván là chỗ che mưa che nắng cho hàng chục con người. Đồ đạc trong nhà nhì nhằng từ chiếc tủ vải mỏng đến những chiếc rương cũ kỹ và những dây treo quần áo. Chỉ cho khách ngồi tạm xuống chiếc bệ ximăng, cũng là chiếc giường ngủ, em Trần Thị Thanh Tuyền lôi ra từng mớ giấy tờ cũ được bọc kỹ trong những túi nilông: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, quyết định xuất ngũ, thẻ đoàn viên mang tên Trần Văn Sĩ, sổ hộ khẩu mang tên Trần Thị Đẹp và hai con. “Ba em không có tên trong hộ khẩu, ba cũng không có chứng minh nhân dân vì hộ khẩu gốc của ba ở bên phường 10, quận 5. Chúng em sinh ra nhập hộ khẩu theo bên mẹ, năm 2011 em có giúp ba làm giấy đăng ký kết hôn nhưng bởi ba không có hộ khẩu gốc nên không đăng ký kết hôn được. Mà việc làm giấy tờ này mất nhiều thì giờ quá, chữ nghĩa ba lại không viết được, chỉ đọc được một ít nên mấy thứ giấy tờ ba đều không tự làm. Mẹ thì bị câm điếc bẩm sinh, lại lo bươn chải kiếm sống nên chẳng ai quan tâm được đến chuyện giấy tờ. Căn nhà chật chội mà cả nhà em đang sống cũng của người khác. Ba đi bộ đội trở về không được nhập hộ khẩu vào nhà cũ nữa” - Tuyền kể chuyện nhà mình, dù không phải chuyện nào Tuyền cũng có câu trả lời chính xác.
Tuyền là người duy nhất trong nhà được học đến lớp 5, đứa em trai của Tuyền là Trần Quốc Tuấn đã 13 tuổi nhưng không biết chữ: “Em đi học hết lớp 5, rồi qua lớp 6 thì không có tiền mua sách vở nên nghỉ”. Mọi giao dịch liên quan đến chữ nghĩa đều do Tuyền đảm nhiệm.
“Đó là điều tôi tự hào”
Theo quy định mới thì ông Sĩ sẽ được kết nạp vào hội cựu chiến binh nếu ông làm đơn gửi lên hội địa phương sau khi có xác nhận tạm trú. Hội Cựu chiến binh TP.HCM có quỹ để hỗ trợ giúp đỡ các cựu chiến binh khó khăn. Và tôi với tư cách đại biểu HĐND TP sẽ kiểm tra rà soát trường hợp khó khăn của ông Sĩ tại quận 8 để địa phương tìm hướng hỗ trợ ông Sĩ. Ông Nguyễn Văn Tùng(trưởng ban chính sách Hội Cựu chiến binh TP.HCM, đại biểu HĐNDTP.HCM) |
Mỗi ngày ông Sĩ thường dậy sớm, ăn vội một tô mì rồi nhanh chóng đeo chiếc bóp vào bụng, cầm tập vé số trên tay bán dạo trên khắp các nẻo đường thuộc quận 5. Trở về nhà khi trời đã sẩm tối, tính toán số tiền bán được trong ngày đưa cho vợ, cho con mua rau bữa tối thì ông mới nghỉ ngơi. Vỗ tay xuống bục ximăng, nơi vừa là bàn ăn cơm, nơi tiếp khách ban ngày, là giường ngủ buổi tối, ông Sĩ bảo nhà ở gần kênh nên trời mưa thì nước ngập lên tận chỗ nằm. Có bữa nước dâng cao quá cả nhà leo lên gác xép ngồi chờ trời sáng, khi nào nước rút thì xuống.
Không có hộ khẩu nên cả nhà ông Sĩ không được lắp đồng hồ nước. “Dùng ké nhà hàng xóm, giá mắc hơn, mà bữa có bữa không. Vậy nên bữa nào có nước thì phải lấy cho đầy vào các lu, thùng, can nhựa. Quen với cảnh này rồi, nên cũng thấy chẳng có gì khác biệt với những người khác” - ông Sĩ nói.
Không có hộ khẩu nên ông Sĩ cũng không thể tham gia hội cựu chiến binh dù ông rất muốn: “Tôi chẳng có hộ khẩu nên không tham gia vào hội cựu chiến binh, những người đồng đội của tôi đã thành lập CLB đồng đội của trung đoàn 429, đây là nơi tôi gặp gỡ những đồng đội của mình mỗi năm vài lần, còn những hội khác tôi không biết để tham gia”.
Bà Trần Thị Đẹp (51 tuổi), vợ ông Sĩ, do câm điếc bẩm sinh nên phải phụ thuộc hoàn toàn vào chồng. Thậm chí cả việc dạy dỗ, chăm sóc con cái cũng một phần ông Sĩ đảm nhiệm. “Mải lo kiếm miếng cơm nuôi cả nhà nên cũng không có thời gian chăm sóc đến con, chúng nó tự lớn tự học thôi” - ông Sĩ nói.
Cuộc sống của ông Sĩ, từng là tiểu đội trưởng tiểu đội 22, dù vất vả nhưng ông không có một lời phàn nàn mà chỉ nói rằng: “Do mình không biết hết, đọc chữ còn không rành thì làm sao biết được các chính sách của Nhà nước. Đồng đội của tôi cứ trêu tôi là người không quốc tịch, nhưng nói thế sao được, tôi vẫn còn quyết định xuất ngũ cơ mà. Tôi từng là người lính. Đó là điều tôi tự hào”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận