Phóng to |
Nhiều tác phẩm nổi tiếng của dòng văn học hiện đại VN đã chuyển ngữ được độc giả Pháp biết đến |
Giữa một rừng sách mênh mông, màu sắc rực rỡ lòe loẹt, sự khác biệt về ngôn ngữ, một cuốn sách hay của một nhà văn quê nhà làm lòng bạn ấm lại, thoáng chút tự hào, kéo gần biên giới Tổ quốc. Tôi đã bắt gặp điều ấy ở Pháp.
Thật khó thống kê hết những nhà văn và những tác phẩm nào của VN đã được chuyển ngữ qua tiếng Pháp trong thời gian qua.
"Đây sẽ là một đề tài có thể nâng lên thành công trình nghiên cứu" - Nguyễn Duy Bình, một giảng viên ở Đại học Vinh, hiện là nghiên cứu sinh năm thứ 3 về văn chương tại Pháp cho biết. Và anh cũng đang ấp ủ làm một đề tài cùng loại.
Dịch giả trẻ Cao Việt Dũng, người vừa qua đã chuyển ngữ thành công một số tác phẩm đang là hiện tượng ở Pháp như Kundera (Cuộc sống không ở đây, Điệu valse giã từ), Michel Houellebecq (Hạt cơ bản)... đưa tôi đến nhà nghiên cứu, phê bình Đoàn Cầm Thi: "Ít nhiều anh sẽ thấy nhiều tác giả ở đây".
Đúng vậy! Đoàn Cầm Thi và chồng chị là anh Poison, hiện đang giảng dạy ở Đại học Paris 7. Để thuận lợi cho công việc nghiên cứu, chị đã "tích góp" khá đầy đủ những gương mặt, những tác phẩm văn học VN gây dư luận thời gian qua, đặc biệt là văn học hiện đại.
Theo như những gì tôi tìm thấy ở đây thì những nhà văn thuộc dòng văn học hiện đại VN đã được dịch, giới thiệu qua tiếng Pháp là Nam Cao, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Thị Vàng Anh, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái...
Tiểu sử và tác phẩm của các nhà văn được giới thiệu khá trân trọng và sách in dày (từ 200 đến 500 trang), tuyển chọn nhiều truyện ngắn (như trường hợp các cuốn Chi Pheo, paria casse-cou của Nam Cao, Le coeur du tigle, Un général à la retlaite... của Nguyễn Huy Thiệp, La fille du fleuve của Nguyễn Quang Thiều, Quand on est jeune của Phan Thị Vàng Anh...) hay nguyên vẹn cả tiểu thuyết (Le chagrin de la guerre của Bảo Ninh).
Rất nhiều tuyển tập giới thiệu các truyện ngắn của các nhà văn VN như Nguyễn Quang Thân, Chu Lai, Nhật Tuấn, Tạ Duy Anh... nhưng nổi bật nhất vẫn là cuốn Au rez-de-chaussée du paradis do chính dịch giả, nhà phê bình Đoàn Cầm Thi tuyển chọn.
Cuốn này tập trung giới thiệu chân dung gương mặt những nhà văn trẻ VN từ 1991 đến 2003 như Bùi Hoằng Vị, Thuận, Phan Triều Hải, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư...
Nhìn chung, mỗi dòng văn học Việt với những phong cách nổi trội đều ít nhiều được giới thiệu với bạn đọc Pháp. Nhưng tiểu thuyết và truyện ngắn vẫn chiếm ưu thế trong khi thơ lại rất ít. Điều đó nói lên sự khan hiếm độc giả thơ hiện nay nói chung. Dù sao, đó cũng là những nỗ lực lớn đáng trân trọng của các dịch giả và nhà xuất bản.
Về số lượng, nhà văn, dịch giả Trần Thiện Đạo, người đã từng dịch truyện ngắn Ngô Tự Lập, thơ Khương Hà cho biết phần lớn số lượng in của mỗi tác phẩm văn học VN không quá ngàn cuốn.
Còn dịch giả Đoàn Cầm Thi cho biết nhiều khó khăn từ khi bắt đầu cho đến khi cuốn sách ra đời như một lần nhà xuất bản Philippe Picquier đã nhờ chị tuyển chọn dịch và giới thiệu một số gương mặt trẻ đang gây chú ý cả văn xuôi lẫn thơ. Nhưng khi chính thức ký hợp đồng thì điều này đã thay đổi. Phần thơ đã bị đề nghị bỏ ra vì... thơ rất khó bán và khi tập trung vào một tuyển như vậy, độc giả khó phân định thể loại.
Nhưng trở ngại lớn nhất, như dịch giả Trần Thiện Đạo thổ lộ: "Cái khó mà tôi thấy khi được đọc lại các bản dịch chính là cá tính của nhà văn bị tiêu hủy hay còn lại rất ít. Bởi người dịch quá chú trọng đến phần dịch nghĩa, làm sao cho bạn đọc hiểu mà quên rằng cá tính mới làm nên phẩm chất phong cách của một nhà văn...".
Làm sao để khắc phục điểm này? Dịch giả cho rằng có thể hy vọng vào thế hệ các dịch giả trẻ. Vâng, tin chắc rằng trong tương lai, không những có những bản dịch hay hơn, chất lượng hơn mà càng có nhiều tác phẩm của các nhà văn trẻ được chuyển ngữ nhiều hơn nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận