Phóng to |
Nhà văn Tô Hoài - Ảnh: Tuổi trẻ |
Hồi cùng với Nam Cao viết cho Tiểu thuyết thứ Bảy, Tô Hoài đã có lối làm hàng chăm chỉ, bận việc gì đi nữa vẫn lo bán bài đều đều cho báo. Sau này cũng vậy, ngoài viết tiểu thuyết và công tác xã hội, hễ nhận viết báo là như ngồi trước khung cửi, có khi một ngày guồng được vài bài - nói chuyện với tôi, ông thú nhận, có vẻ như hơi buồn cười trước một cái tật của mình.
Khoảng 1992, tôi giữ chân phụ việc cho ông trong một chương trình nghiên cứu về văn hóa Việt Nam. Lúc ấy, Cát bụi chân ai vừa in năm trước và đang tái bản thêm nhiều lần, một hôm ông bảo:
- Tôi lại vừa đóng một tập giấy mới. Từ mai bắt đầu viết. Kể toàn chuyện đi thực tế sau Nhân văn với lại chuyện làm tổ trưởng dân phố Hà Nội hồi chống Mỹ, rồi chuyện đi nước ngoài cả Nga la tư lẫn Ấn Độ, Ai Cập, đủ hết. Đặt tên là Những câu chuyện với ông Sóng.
Sau này, khi in ra, cuốn sách mang tên Chiều chiều. Đúng như ông tự nhận, khác với Cát bụi chân ai, tập trung kể về Nguyễn Tuân, Chiều chiều lan man đủ thứ, vậy mà vẫn tạo một ấn tượng về một cuộc sống lam nham dang dở. Thừa thắng xông lên, tôi gạ:
- Thảo nào anh cũng phải làm một cuốn, viết từ thời đổi mới đến nay.
- Thời này mình già, có đi đâu mà biết.
- Anh cứ kể những chuyện người ta đồn đến tai anh rồi anh nghĩ lại ra sao, thế cũng đủ hay rồi.
Tô Hoài không nói gì tiếp. Tôi chỉ biết chắc là ông vẫn viết, và với con người này thì giữa chuyện đời sống và chuyện văn chương thường không có gì phân biệt, ở đâu thì cũng một cốt cách ấy, thiêng liêng, nhăng nhít ngơ ngẩn, cái gì cũng đều có cả.
Giấc mộng ông thợ dìu đánh dấu sự có mặt của ngòi bút Tô Hoài, cái nhìn Tô Hoài trong ngày hôm nay.
Tác phẩm gồm phần lớn các bài viết vặt đã in trên tờ Người Hà Nội và một số báo khác. Một thứ Chuyện mới tiếp vào Chuyện cũ Hà Nội sáu bảy trăm trang hồi trước.
Hôm bắt tay vào biên tập, mới cầm bản thảo, tôi đã định kêu lên, sao lại thợ dìu, chắc thợ mộc đây, vậy thì viết thợ rìu mới đúng, vẫn cái tính ẩu của ông già đây mà. Bởi bản thảo Tô Hoài thường không thiếu lỗi chính tả nên tôi nghĩ liều như vậy.
May quá trước khi thò bút chữa, tôi đọc lại bài viết. Thì ra thợ dìu đây là các vũ sư nghiệp dư chuyên đi dạy nhảy đầm ở các lớp khiêu vũ hiện nay.
Trong một bài phỏng vấn gần đây trên TT&VH, nhà văn già gần chín mươi vui vẻ khoe là chữ nghĩa của mình còn mới lắm, mình còn nhặt được khối chữ chỉ vừa xuất hiện trong đời sống hôm nay. Mà còn chữ mới nghĩa là còn cảm nhận được cuộc sống mới.
Chữ thợ dìu thuộc loại mà ông tự hào.
Tôi ghi lại đây những gì mà Tô Hoài viết trong Giấc mộng ông thợ dìu : Những nếp sống có từ ngày xưa nay phôi pha hoặc biến dạng như chơi chim, chơi dế, đi hội. Một số thú chơi mới xuất hiện. Cảnh dô dô bốp bốp ngoài quán. Sự nảy nở nhiều như kiến của cò đểu trong mọi mặt sinh hoạt. Cảm giác hoang vắng trong một ngày cuối năm ở Bờ Hồ. Cảnh người Việt di tản nay từ hải ngoại trở về trong các gia đình. Nạn dân ném đá lên đường tàu. Cái túi ni-lông và việc phá hoại môi trường...
Lịch lãm và lẩn mẩn. Tinh tế và vơ véo nhặt nhạnh. Vui đấy rồi buồn ngay đấy. Yêu thích sống trong nền nếp và chán chường trước những trì trệ. Trân trọng quá khứ và biết rằng nhiều khi quá khứ chỉ đáng quên đi. Ham hố phiêu lưu thay đổi và không bao giờ ngạc nhiên trước mọi tàn lụi hư hỏng. Chăm chú quan sát mọi sự đang xảy ra và giữ cho lòng mình một sự dửng dưng dài dài...
Bấy nhiêu sắc thái cùng lúc có ở văn xuôi Tô Hoài, làm chứng cho sự có mặt của nhà văn giữa đời thường. Dường như cái gì với ông cũng mới mẻ sinh động mà lại chẳng có gì lạ, xưa đã vậy và nay còn như vậy.
Nếu bạn còn đang phân vân không biết có nên đọc cuốn sách này của Tô Hoài không, tôi muốn bạn hãy bắt đầu bằng mấy mẩu ông viết về hội làng.
Chung quanh cái sinh hoạt văn hóa mà thường ai cũng tự hào, có những điều mà ngoài Tô Hoài chẳng ai dám nói. Ông kể rằng vùng ông xưa nay nhiều hội, nhưng toàn hội nhạt như nước ốc.
Khá nhất có hội làng Đông thì cũng là dịp để các họ tranh chấp, trai gái đi hội để khoe khoang mấy thứ mốt mới học đòi và những cậu choai choai trâng tráo "chim" gái hoặc đánh nhau.
Chính làng ông xưa nay đâu có hội, chỉ toàn đi xem nhờ thiên hạ. Làng mỗi năm vào đám một lần, nhưng cũng sơ sài tạm bợ, có năm mất trộm áo thánh "phải lấy vạt cờ đuôi nheo trùm lên ngai làm áo khoác cho thánh". Xưa những gánh chèo được mời về đám cũng toàn là phường kiết xác, mấy bác kép vừa hát xong chạy vội vào hậu trường, rệp rơi lả tả từ miếng gỗ làm chỗ cắm cờ đeo sau lưng.
Nay việc làng do mấy anh cán bộ đi khắp thiên hạ về khởi xướng thì cũng chẳng khá hơn.Toàn thợ tế đi thuê ở các làng bên cạnh. Còn ông chủ tế thì chữ Nho bẻ làm đôi không biết, đến thành hoàng làng tên gì cũng không biết nốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận