07/01/2010 05:02 GMT+7

Văn học Việt Nam: vẫn loay hoay "chọn gì để quảng bá"

H.Điệp ghi
H.Điệp ghi

TT - Bốn cuộc hội thảo chuyên đề về “Văn học cổ VN”, “Văn học VN hiện đại”, “Thơ VN” và “Gặp gỡ các nhà văn trẻ” diễn ra tại bốn địa điểm khác nhau đã khiến không một ai có thể tham dự được tất cả các cuộc trao đổi trong ngày thứ hai của hội nghị (6-1).

aYZGR3K7.jpgPhóng to

Các nhà văn và các dịch giả bên cạnh cuốn Thơ thiền Lý - Trần in độc bản trên giấy dó (khổ 80x110cm, dày 80 trang) với ba ngôn ngữ Hán - Việt - Anh được trưng bày tại triển lãm “Giao lưu văn học VN và thế giới” - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Các phòng hội thảo tương đối vắng vẻ bởi các quan khách không xuất hiện, nhưng bù lại ai kiên nhẫn muốn nghe và muốn nói thì cũng đã có diễn đàn để nói và có cái để nghe.

Văn học Việt hiện đại: truyền thống + cái riêng + tính tư liệu = hiệu quả

Không màu mè và lý thuyết, dịch giả Frank Gerke (CHLB Đức) mộc mạc như chính tiêu đề tham luận của ông: “Vì sao tôi chọn dịch tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quang Sáng?”. Và câu trả lời cũng rất đơn giản: “Giọng Nam bộ là phong cách kể chuyện, con người Nam bộ là đối tượng, nhân vật chính. Ông kể về đời sống, về số phận, tính cách đặc sắc, tình cảm và tình yêu nồng nàn của người Nam bộ. Và chính trong những truyện ngắn với đề tài chiến tranh, ta thấy rõ ràng sự công bằng và tính nhân đạo của ông”.

GS Ahn Kyong Hwan (Hàn Quốc) - người đã dịch Truyện Kiều, Nhật ký trong tùNhật ký Đặng Thùy Trâm ra tiếng Hàn - cho rằng: “Dịch văn học cổ điển VN ra tiếng Hàn dễ dàng hơn bởi có cùng gốc Hán ngữ, còn văn học hiện đại, hiện tại, dịch cuốn nào vẫn là cảm nhận hoàn toàn chủ quan của dịch giả, chưa có một sự chủ động phối hợp giới thiệu từ các cơ quan, nhà xuất bản của hai bên”. Theo GS Ahn, từ 1992 đến nay văn học VN hiện đại được dịch ra tiếng Hàn chỉ vẻn vẹn bốn cuốn: Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), Nhật ký Đặng Thùy TrâmNếu anh vẫn còn sống (Văn Lê).

Trong buổi hội thảo, nhiều đại biểu đã đề xuất việc VN cần có một cơ quan là viện dịch thuật. Đề cập vấn đề này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: “Đây là đề xuất đã được tính toán của tập thể ban chấp hành Hội Nhà văn.

Lợi ích từ hội nghị hiện không phải là hội thảo xong thì có tác phẩm được in ngay nhưng thông qua hội thảo, chúng ta giới thiệu được cho các dịch giả thế giới truyền thống văn học, lịch sử văn học và các giá trị, tác phẩm văn học VN.

Còn việc dịch như thế nào thì phải tập trung trí tuệ, tập trung công sức và có kiến nghị với Nhà nước để có những cơ chế chính sách hợp lý. Viện dịch thuật nếu có phải có ba chức năng: tham mưu, điều phối và tác nghiệp cụ thể. Phải có một hội đồng thẩm định đánh giá xem lộ trình dịch của văn học VN 5 năm, 10 năm, 20 năm dịch những cái gì, ưu tiên những cái gì, lựa chọn tinh hoa nào...”.

GS Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc), người dịch Ông cố vấn (Hữu Mai) - trường hợp thành công cả về chính trị và thương mại duy nhất của văn học VN ở nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm chọn dịch: “Phải là tác phẩm viết về nội dung rất VN và chỉ có ở VN thì người nước ngoài mới quan tâm đến và mới cảm thấy thú vị”.

Ở bình diện lý luận, phê bình, dịch giả Đặng Anh Đào đưa ra những đúc kết mà bà có được sau nhiều lần chuyển ngữ văn học VN ra tiếng Pháp ở dạng tư liệu nghiên cứu, cũng như tham khảo các đồng nghiệp nước ngoài: “Tác phẩm được chọn để dịch tất nhiên phải là sách hay, nhưng cái sự hay thì vô cùng. Hay để cho người nước ngoài đọc được, hiểu được và cảm được, theo tôi, nên chọn những tác phẩm vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại. Mà truyền thống quan trọng hơn, vì chỉ VN có. Các nhà phê bình và các nhà văn trẻ VN cứ chạy theo sự cách tân, nhưng cách tân như Thuận thì Michel Butor đã làm trước đây cả nửa thế kỷ. Cái chính vẫn là cái riêng, cái duy nhất VN”.

Một dạng văn học mà theo bà Đặng Anh Đào, rất gần với báo chí nhưng lại rất đặc trưng VN là ký sự, phóng sự, tản văn và thư từ, nhật ký từ hai cuộc chiến. Sự thành công của Tùy bút Sơn Nam hay Nhật ký Đặng Thùy Trâm ở nước ngoài, theo bà Đào, không hề là ngẫu nhiên hay may mắn, mà thật sự là hiệu quả của việc chọn được những tác phẩm mang phong cách và tâm hồn Việt, bất luận thể loại, quy mô lớn nhỏ.

Thơ, văn cổ điển khó dịch, khó tiếp cận

Có một thực trạng là một số tác phẩm văn học của VN được dịch sang tiếng nước ngoài chiếm một số lượng kha khá là văn học cổ điển, nhưng trong buổi hội thảo văn học cổ điển VN thì các dịch giả lại cho rằng thơ, văn cổ điển của VN rất khó dịch, nhất là thơ Hồ Xuân Hương. Người ta có thể dịch được những từ đồng âm khác nghĩa, dịch được những ẩn ý trong từng câu chữ nhưng không thể dịch được những từ “nói lái” được bà sử dụng rất nhiều trong các bài thơ của mình.

Cái khó nhất hiện nay mà các dịch giả đưa ra tại hội thảo văn học cổ điển chính là các tác phẩm cổ điển vẫn còn ở dạng chữ Hán và chữ Nôm, mà ngày nay thì số người hiểu về chữ Nôm và chữ Hán rất ít. Một số dịch giả của Hàn Quốc (lớn tuổi) đến nay vẫn đọc được một số tác phẩm bằng chữ Hán và chữ Nôm, chính vì thế các bản dịch Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều, Nhật ký trong tù đã được dịch sang tiếng Hàn mặc dù số lượng không nhiều.

Ở một khía cạnh khác, có đại biểu cho biết hiện nay trong bảo tàng tại TP.HCM còn một phần lớn các kịch bản tác phẩm tuồng cổ bằng chữ Nôm đến nay vẫn chưa được chuyển sang tiếng quốc ngữ, vì vậy người VN còn chưa được biết đến các tác phẩm ấy, nói gì đến các dịch giả nước ngoài.

“Gặp gỡ nhà văn trẻ”: gặp các bạn rất khó

Đặt ra mục tiêu “xuất khẩu, quảng bá văn học VN ra nước ngoài”, hơn nửa cuộc gặp chìm lặng trong hơn 20 bản tham luận, phát biểu. Có nhà văn trong nước quá sốt ruột phải bật dậy đề nghị được vấn đáp với những vị khách nước ngoài. Lại có vị giám đốc nhà xuất bản Thụy Điển ngơ ngác tìm cô nhà văn Nam bộ tên “Tu”, mà không hay Nguyễn Ngọc Tư đang ngồi đối diện.

Ông Gustafsson, giám đốc Nhà xuất bản sách Bokforlaget Tranan, lần giở cuốn sổ tay, chỉ vào tên những tác giả đã được ông chép cẩn thận và hỏi: “Làm sao tôi gặp được người này?” hay: “Hôm nay tác giả này có mặt không?”. Bokforlaget Tranan là công ty xuất bản sách tư nhân Thụy Điển đã xuất bản số lượng đầu sách VN lớn nhất tại quốc gia này.

Từ năm 2001, Tranan đã xuất bản sách của 10 tác giả: Ma Văn Kháng, Phan Thị Vàng Anh, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Thùy Mai, Nguyễn Khải, Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập, Nguyễn Huy Thiệp. “Có thể các bạn không tin, nhưng để tìm các bạn rất khó! Hầu hết bản dịch tác phẩm Việt Nam hiện nay của chúng tôi đều dựa vào các bản tiếng Anh, những dòng vắn tắt trên các website của Mỹ.” Phải mãi đến gần đây, trước thềm hội nghị, ông Gustafsson mới tìm được nguồn liên lạc là nhà sách Đông Tây ở VN để song hành thực hiện dự án dịch một tập thơ đương đại VN.

Một hội nghị mang tầm quốc gia, nhưng các bản tham luận không được dịch song ngữ và đóng thành kỷ yếu. Các tác giả vẫn phải chờ đợi những cuộc gặp “tình cờ” thay vì có trong tay địa chỉ liên lạc, giới thiệu song phương. Nói gì đến khát vọng “một bước là ra được thế giới” của văn học Việt!

Bà Catherine Cole - trưởng ban viết văn và giao tiếp ĐH RMIT (Úc) - bày tỏ sự ngạc nhiên: “Từ năm 2004, đầu mối duy nhất của tôi với văn học VN là Nhà xuất bản Thế Giới. Tôi ngạc nhiên với chính mình vì cho đến giờ trong tay tôi không có danh sách địa chỉ các nhà văn VN. Nhiều nhà văn không dùng email, tôi không biết tiếng Việt nên tất cả phải thông qua nhà xuất bản. Thật khó khăn ngay từ việc liên lạc với các bạn, chưa nói đến cùng ngồi lại, chọn ra tác phẩm hay. Giá mà chúng tôi được hỗ trợ để có thể liên hệ dễ dàng hơn với các tác giả”.

3hVKXQ7B.jpgPhóng to
Các đại biểu trong và ngoài nước tại Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học VN - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Đó là không khí của hội thảo thơ, bởi hầu hết không ai biết mình sẽ làm được gì, sẽ có những gì diễn ra sau hội thảo này. Tuy nhiên nhiều đại biểu vẫn tham dự đến cuối buổi.

Nhà thơ Chử Vân Long cho rằng: “Không khí của cuộc hội thảo cũng mới chỉ mang ý nghĩa thăm dò giống như việc người ta tổ chức một phiên chợ lớn nhưng chưa biết mua bán gì. Người bán đến thử đưa những mặt hàng của mình, còn người mua cũng chỉ đến xem vì không ai biết sẽ mua bán thế nào”.

Tuy vậy, hội thảo thơ có lẽ cũng đã có ngay một kết quả, theo lời giáo sư Anthony L.Tan, hiện đang giảng dạy tại một trường đại học Philippines. Giáo sư cho biết trong suốt bao nhiêu năm làm giảng viên giảng dạy bộ môn văn học châu Á và thế giới, ông được tiếp cận với văn học Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và rất nhiều đất nước văn minh khác nhưng tuyệt nhiên không hề có một tác phẩm nào hay một nguồn tài liệu nào nhắc đến văn học VN.

Ông biết đến VN qua thông tin sách báo từ những năm 1960, 1970 và biết đến VN như một đất nước có chiến tranh. Chuyến sang VN lần này là muốn tìm hiểu về văn học VN và tìm kiếm các tác phẩm tiêu biểu để bổ sung vào tài liệu giảng dạy của mình.

H.Điệp ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên