02/06/2010 20:41 GMT+7

Văn học Việt Nam - Mỹ sau chiến tranh: Những nhịp cầu đã nối

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TTO - Một chiều mưa năm 1987, chiếc xe buýt chở những nhà thơ Mỹ vội vã ra sân bay Nội Bài, có một người Việt Nam đứng trong màn mưa trắng xóa chặn trước mũi xe. Đó là nhà văn Lê Lựu, ông chào những người bạn Mỹ và tặng họ cuốn thiểu thuyết Thời xa vắng của ông.

Thời xa vắng đến Mỹ, mở đầu cuộc hành trình xóa bỏ hận thù bằng văn học suốt hơn 20 năm qua.

y3zeuezq.jpgPhóng to
Các nhà văn Việt Nam và các nhà thơ Mỹ (hàng trước - từ phải qua trái: nhà văn Lê Lựu, nhà văn Nguyên Ngọc, Chu Hảo, Bruce Weigl, Kevin Bowen) - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

20 năm sau, cùng những chuyến đi không biết mệt mỏi của các nhà thơ Mỹ ở trung tâm William Joiner (ĐH Massachusetts, Hoa Kỳ), các đại diện văn học Việt Nam từ Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng, Tô Nhuận Vỹ rồi sau này là Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều... đã đến với nước Mỹ. Ngày 2-6, thế hệ cầu nối văn học Việt - Mỹ gặp lại nhau tại Việt Nam trong Hội thảo văn học Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh.

Những "thủy thủ" của chuyến "thám hiểm" đầu tiên

Đó là Kevin Bowen, Bruce Weigl... Họ trở lại Việt Nam ngay sau cuộc chiến. Như Kevin sau này thú nhận: với nhiều người chiến tranh Việt Nam chưa kết thúc và những người lĩnh Mỹ tham chiến ở Việt Nam phải trở lại nơi họ gây ra rất nhiều nỗi đau và mất mát.

“Thật sự công việc của chúng ta dù thực hiện hơn 20 năm nhưng vẫn chỉ mới là khởi đầu. Chúng ta đã thay đổi lịch sử, thay đổi cách nhìn lại lịch sử" - Kevin nhìn lại.

20 năm nỗ lực đưa văn học Việt Nam đến Mỹ với Kevin Bowen không phải dễ dàng. Dù ở Mỹ hay Việt Nam, những "thủy thủ" đầu tiên này đều đối diện với những ánh mắt hoài nghi, thậm chí ghét bỏ. Kevin và trung tâm William Joiner của ông phải hầu tòa vì những đơn kiện của nhiều người Mỹ cực đoan ở Mỹ. Họ và những nhà văn Việt Nam đến Mỹ cũng từng hứng chịu những trận mưa cà chua và trứng thối. Song, sau tất cả những điều đó, cây cầu nối văn học Việt - Mỹ vẫn không đứt đoạn.

John Deap, nhà thơ Ireland, lý giải về hành trình đến Việt Nam hóa giải hận thù: “Chỉ có một từ để nói về điều này, đó là tình yêu. Tôi luôn luôn tin rằng sự đối nghịch với chiến tranh không phải là hòa bình mà đó là tình yêu".

Để thấy khuôn mặt của tình yêu và con người

“Tôi nhớ một tác giả Mỹ từng nói trong chiến tranh hai đối phương nhìn nhau không thấy khuôn mặt con người. Chỉ có kẻ thù và kẻ thù. Việt Nam và Mỹ đã tìm ra cách để nhìn ra khuôn mặt con người, đó là văn học”, nhà văn Nguyên Ngọc khẳng định.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, cũng là một sứ giả đưa văn học Việt Nam đến Mỹ, thẳng thắn nhìn nhận không có tranh luận, không có sự thẳng thắn đối chọi tư duy, các nhà văn hòa vốn ở hai đầu chiến tuyến đã không thể hòa giải và hòa hợp.

Trong những ngày đến Mỹ, giữa những làn sóng phản đối, ngôi nhà của các nhà văn Mỹ lại là nơi trú ngụ an toàn nhất cho họ. “Hai phe cùng ngủ, cùng ngáy, cũng uống trà buổi sáng, cùng cụng rượu nửa đêm, cùng rỉ rả tâm sự đến đập bàn tranh luận... để rồi cùng ôm nhau mày tao ứa nước mắt thân thiết, cùng lên án những gì đã đẩy xa anh em đồng bào ở hai đầu chiến tuyến cho nhân dân đau đớn và Tổ quốc hoang tàn”. Đó là những ký ức của Tô Nhuận Vỹ những ngày đầu tiên đặt chân đến Mỹ theo lời mời của trung tâm William Joiner.

3J0BFY5N.jpgPhóng to
Kevin Bowen và nhà văn Lê Lựu, sứ giả văn học Việt Nam đầu tiên đến Mỹ, trong giây phút gặp lại - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Không chỉ có những nhà văn nhà thơ Việt Nam đưa văn học Việt Nam đến Mỹ, 35 năm sau cuộc chiến đã có rất nhiều người Mỹ viết về Việt Nam và cả những người Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba. Kevin Bowen chia sẻ: Có vài nhà văn trẻ gốc Việt viết về Việt Nam rất lý thú. Họ viết về cuộc sống của họ ở Mỹ, những xung đột của thế hệ người Việt lớn lên ở Mỹ, giữa hiện đại và truyền thống...

Khép lại những hận thù và nghi ngờ, khép lại 20 năm nhẫn nại mang văn học Việt Nam bên kia bờ đại dương, những người Mỹ và Việt Nam thừa nhận đã đến lúc phải mở ra một con đường mới cho sự hợp tác, dù họ thừa nhận con đường đó cũng chông gai không kém chặng đường đã đi qua.

Bên lề hội thảo, Bruce cũng bảy tỏ mong ước đưa chất ca dao Việt Nam vào các sáng tác của mình trong thời gian tới.

Trước đó, đêm 1-6 các nhà thơ Mỹ và Việt Nam đã cùng ngồi lại bên nhau trong đêm thơ “Chơi bóng rổ với Việt cộng”. Tên gọi của đêm thơ cũng chính là tên bài thơ của Kevin Bowen viết về những buổi chiều ông cùng Nguyễn Quang Sáng chơi bóng rổ trong sân nhà.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên