06/09/2011 06:04 GMT+7

Văn học trẻ chưa thật sự "trưởng thành"

THU HÀ thực hiện
THU HÀ thực hiện

TT - Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần 8 sẽ khai mạc tại Tuyên Quang vào ngày 8-9 với danh sách tham dự mới nhất gồm 114 đại biểu. Đến hết ngày 5-9, ban tổ chức đã nhận được 30 tham luận của các cây bút trẻ.

Trước thềm đại hội, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với nhà phê bình Phạm Xuân Thạch - tiến sĩ ngữ văn, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội, một nhà phê bình được đánh giá là “trẻ và rất triển vọng” và cũng là đại biểu của hội nghị lần này.

* Nếu có thể nói thật ngắn về văn học trẻ (tác giả còn trẻ tuổi đời, tác giả mới sáng tác, tác giả viết với phong cách hiện đại...), anh sẽ có nhận xét gì?

rwJQq6mH.jpgPhóng to
TS Phạm Xuân Thạch Ảnh: V.D.

Phạm Xuân Thạch sinh năm 1976. Các nghiên cứu tiêu biểu đã công bố: Tiếp cận một phương diện của lịch sử văn học Việt Nam từ những tiền đề thực tiễn và lý thuyết mới, Cá nhân hóa hư cấu - tự sự đương đại Việt Nam về đề tài lịch sử giữa truyền thống và hiện đại, Quá trình cách tân và những giới hạn trong sự nghiệp sáng tác văn xuôi của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Nỗi buồn chiến tranh - viết về chiến tranh thời hậu chiến - từ chủ nghĩa anh hùng đến nhu cầu đổi mới bút pháp, Những sắc màu thi ca trên dòng sông đất nước. Giáo trình, chuyên khảo, sách tham khảo: Thơ Tản Đà, Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam 1900-1945.

- Có thể nói một cách thẳng thắn rằng tôi không thích những định danh đó. Nhưng dù sao thì chị cũng đã hỏi. Theo tôi, ấn tượng chung của tôi về văn học trẻ đó là nó thật sự trẻ. Nghĩa là nó mới, nó đầy hơi thở của đời sống hiện tại nhưng, nói thật, có một cái gì đó khiến nó vẫn cứ chưa đạt đến độ “trưởng thành” theo cái nghĩa là ổn định và hình thành nên những tên tuổi.

Ở đây tôi muốn nói là những tên tuổi về sự nghiệp và bề dày tác phẩm cũng như sự ổn định của lối viết và suy tư chứ không phải là những tên tuổi theo cái nghĩa là sự nổi tiếng. Và hơn nữa, có cả nguy cơ những nhà văn trẻ ấy sẽ thành “những đứa trẻ chết già” (tên tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bình Phương -PV). Tôi mượn cách nói của một nhà văn mà tôi rất yêu quý. Không biết anh ấy có được coi là “nhà văn trẻ” không.

* Tác giả trẻ nào anh thích đọc nhất? Anh kỳ vọng vào ai trong số họ?

- Thích, cũng không ít. Vũ Phương Nghi, dù là lâu rồi. Rồi Phan Triều Hải, Ngô Thị Giáng Uyên. Tôi thích những trang viết mang màu sắc du ký của họ. Tôi thật sự mê Bánh mì thơm, cà phê đắng của chị Uyên. Rồi Phan Việt, Trần Nhã Thụy, Trương Anh Quốc. Và nếu cả phê bình thì tôi rất thích những bài viết của Nhã Thuyên và Nguyễn Thiện Khanh.

Còn kỳ vọng, với riêng tôi, thật sự có hai người - nếu chỉ xét riêng mảng sáng tác - là Trần Nhã Thụy và Phan Việt. Tôi tin vào lối viết hiện thực huyền ảo của anh Thụy, dù nói vậy có người sẽ cười rằng hiện thực huyền ảo xưa rồi. Đúng, lối viết ấy xưa rồi. Nhưng tôi vẫn kỳ vọng vào anh Thụy bởi lẽ anh viết lối viết mà không bị lệ thuộc vào lối viết. Lối viết trong văn chương của anh như một công cụ để đi đến một cái gì hơn cả lối viết. Đọc tiểu luận của anh Thụy, tôi càng thấy tin vào những kỳ vọng của mình.

Tôi cũng rất đồng cảm với những tuyệt vọng trong văn chương Phan Việt. Tiếng người thật sự là một dấu ấn, nó vượt lên Phù phiếm truyện. Chỉ có điều Nước Mỹ, nước Mỹ, dù đọc tôi rất thích nhưng lại làm tôi lo...

* Rất nhiều tác giả trẻ, có ngoại ngữ, có điều kiện kinh tế, điều kiện đi và giao tiếp, sau khi có những tác phẩm đầu tay ấn tượng đều phát biểu: “Tôi coi văn chương là một cuộc chơi”. Theo anh, thực tế đó nên hiểu như thế nào? Một nền văn chương mà các tác giả trẻ đều coi văn chương là cuộc chơi thì có trở thành nền văn học “chuyên nghiệp” được không?

- Tôi không thật sự hiểu hết những tuyên ngôn kiểu này nhưng tôi có cảm giác rằng với họ, chơi nghĩa là đối lập với lao động. Mà lao động nghĩa là phải có một thứ kỷ luật. Kỷ luật buộc người viết phải vào bàn, phải tìm tòi, phải tự học... đại loại thế. Tôi không dám chê trách ai cả vì thật ra, ai cũng có những hoàn cảnh và điều kiện riêng chi phối việc viết. Nhưng đúng là một nền văn chương mà toàn những người “đến chơi” như vậy thì thật đáng buồn. Mà có lẽ buồn hay vui thì hậu quả nhãn tiền ta cũng thấy đó. Cái tình trạng chết già mà tôi nói chính là sự giẫm chân tại chỗ về phong cách và đề tài ở một số người viết.

Hoặc là căn bệnh “nhỏ nhỏ, bé bé, xinh xinh”. Nói thật, dù vẫn biết rằng dày không đồng nghĩa với hay, nhưng sao đọc sách của người viết trẻ nhiều khi thấy hụt hẫng vì nó... mỏng mảnh quá. Nói gì thì nói, sự quá khiêm tốn vì dung lượng cũng dẫn đến sự hạn chế của những tìm tòi và khả năng phát huy tận độ mọi tiềm năng.

THU HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên