02/12/2004 18:17 GMT+7

Văn hóa Đông Sơn: 80 năm và những điều chưa kịp

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Hội thảo 80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn vừa tổ chức ngày 1-12 tại Thanh Hóa. Tầm quan trọng của văn hóa Đông Sơn một lần nữa được giới khảo cổ học, những nhà nghiên cứu lịch sử ngồi lại với nhau để nhìn nhận đánh giá trong bối cảnh mới của nền học thuật nước nhà.

d3KgMEYH.jpgPhóng to
Làng Đông Sơn - Ảnh: Lam Điền
TTO - Hội thảo 80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn vừa tổ chức ngày 1-12 tại Thanh Hóa. Tầm quan trọng của văn hóa Đông Sơn một lần nữa được giới khảo cổ học, những nhà nghiên cứu lịch sử ngồi lại với nhau để nhìn nhận đánh giá trong bối cảnh mới của nền học thuật nước nhà.

Tuy nhiên, một số ý kiến của những người nghiên cứu văn hóa Đông Sơn trực tiếp trên hiện vật cổ thì cho rằng vẫn còn khối chuyện về văn hóa Đông Sơn còn bỏ ngỏ

Cập nhật tầm quan trọng

Tiến sĩ Phạm Minh Huyền cho biết trong suốt 16 năm qua bà liên tục cập nhật thông tin về những phát hiện trống đồng Đông Sơn. Bà nêu ra bản đồ trống Đông Sơn trải dài từ Bắc bộ vào miền trung, lên đến cao nguyên và vào tận Nam bộ.

Những thông tin được nắm bắt cực tốt, đến nỗi khi viết tham luận thì bà thống kê được 150 trống đồng phát hiện từ 1988 đến 2004, nhưng đến khi tổ chức hội thảo thì đã có một trống nữa vừa được phát hiện, nâng tổng số trống đồng trong 16 năm qua lên 151 chiếc.

Giám đốc sở VHTT Thanh Hóa Ngô Hoài Chung đã chỉ ra mật độ dày đặc của các di chỉ khảo cổ tại Thanh Hóa, trong đó đã có một số di chỉ được công nhận di tích quốc gia từ rất sớm - năm 1962 như di chỉ khảo cổ học Đông Sơn, Thiệu Dương. Và, hiện nay, những di chỉ khảo cổ dưới lòng đất Thanh Hóa vẫn là đề tài nghiên cứu quan trọng của giới khảo cổ học nước nhà.

“Chúng tôi nghĩ khu vực Hàm Rồng vẫn còn nhiều ẩn số. Trước hết vấn đề khảo cổ học cần được tiến hành sâu hơn về điểm và mở rộng về diện để làm sáng tỏ hai thời kỳ “tiền Đông Sơn” và “hậu Đông Sơn”. Rất có thể cùng diễn tiến trong một quá trình lịch sử lâu dài thông suốt tại khu vực cư trú hết sức lý tưởng này của người Việt cổ”, ông Chung nêu nhận định của mình.

Giáo sư Hoàng Xuân Sinh nói ngắn về vấn đề nghiên cứu sự giao thoa giữa các yếu tố Hán và Việt trên cổ vật Đông Sơn. Theo giáo sư, rất nhiều cổ vật Đông Sơn kiểu dáng hệt kiểu dáng cổ vật Hán, nhưng lại mang hoa văn Đông Sơn, và ngược lại, có rất nhiều cổ vật kiểu dáng Đông Sơn nhưng hoa văn “rất Hán”.

Sự giao thoa đó vẫn còn là đề tài cho các nhà nghiên cứu, mặc dù chúng ta đã có 80 năm “cày xới” lãnh địa này.

Và những điều chưa kịp

EvJIyHcb.jpgPhóng to
Bnh khí thời Đông Sơn - Ảnh: L.Đ.
Ông Đoàn Anh Tuấn - một nhà sưu tập cổ vật đang sở hữu rất nhiều hiện vật Đông Sơn cho rằng nên nhìn nhận văn hóa Đông Sơn hiện nay dưới góc độ xã hội hóa. Theo đó, có rất nhiều điều chúng ta chưa kịp làm. Ngay cả con số thống kê của tiến sĩ Minh Huyền, giới sưu tập tư nhân cũng cho rằng đó chỉ là con số... Nhà nước biết. Còn sự thật những vụ phát hiện trống đồng trong dân gian nhiều hơn rất nhiều.

“Nhà nước phát hiện một trống, thì dân phát hiện đến cả trăm, không thể thống kê con số trống đồng Đông Sơn đang tồn tại trong nhân dân” - một người sưu tập cổ vật tư nhân khẳng định như vậy.

Vấn đề chảy máu cổ vật tuy không đặt ra trong hội thảo, nhưng lại là chuyện rất đáng quan tâm của giới sưu tập tư nhân. Ông Tuấn kể có lần ông biết được có người đào được một trống đồng cỡ lớn, đường kính đến 105cm, nhưng “họ đòi giá đến trăm nghìn đô, tôi không mua được”. Những cổ vật như thế lưu lạc về đâu, khó mà biết được, nhưng không nghe thấy Nhà nước mua, giới thạo tin trong nghề cổ vật đoan chắc là đã bị bán sang nước ngoài rồi.

Ông Hồ Quang Sơn – phó chủ tịch Hội cổ vật Thanh Hoa nói lên một điều trăn trở: “Có khi Nhà nước ta đến lúc nào đó phải mua lại của nước ngoài những cổ vật Đông Sơn quý hiếm”.

“Cổ vật Đông Sơn đa dạng lắm, chúng ta còn phải nghiên cứu nhiều, ngay cả nói riêng một bộ sưu tập binh khí thời Đông Sơn hiện nay cũng đã là điều khó khăn cho giới khảo cổ, vì mấy ai có đủ để nghiên cứu đâu. Nhưng trong giới tư nhân thì có tương đối nhiều. Sắp tới, chúng tôi sẽ tập hợp anh em làm một triển lãm binh khí thời Đông Sơn, ai muốn nghiên cứu cứ việc đến tìm hiểu”, ông Đoàn Anh Tuấn và giáo sư Hoàng Xuân Chinh bàn với nhau.

Những việc như thế, lại mở ra trước mắt các nhà chuyên môn những vấn đề sâu hơn thuộc về văn hóa Đông Sơn đang chờ đợi.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên