04/12/2015 08:48 GMT+7

Văn hóa chất lượng kém mà tung hô lên thì nguy hiểm lắm

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - Nhiều vấn đề về văn hóa khiến cả xã hội trăn trở, lo lắng được mang ra bàn luận tại hội nghị của Ban chỉ đạo trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: “Một người vừa vứt mảnh rác lại có một người khác nhặt lên thì tôi tin chắc là trong 10 người thì 9 người sau đó sẽ không vứt rác ra nữa” - Ảnh: V.V.T.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: “Một người vừa vứt mảnh rác lại có một người khác nhặt lên thì tôi tin chắc là trong 10 người thì 9 người sau đó sẽ không vứt rác ra nữa” - Ảnh: V.V.T.

Cái gì chất lượng kém thì còn xem xét, chứ văn hóa chất lượng kém mà tung hô lên thì nguy hiểm lắm. Chẳng hạn như một phường của một thành phố phía Nam vừa được công nhận phường văn hóa, trong khi đây là nơi hoạt động mại dâm rất nhộn nhịp

Ông TRẦN TÌNH (phó chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học VN)

Chủ trì cuộc hội nghị diễn ra tại Hà Nội ngày 3-12, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định năm vừa qua, phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã đi vào chiều sâu hơn, có tác động tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới.

Phó thủ tướng cũng cho rằng mặc dù các nơi đã rất cố gắng, nhưng đời sống văn hóa còn rất nhiều vấn đề, đạo đức xã hội, nếp sống văn minh còn nhiều chuyện nhức nhối.

Ví dụ như rất nhiều vụ nữ sinh đánh nhau, rồi tình trạng bất chấp đạo lý để sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người khác.

Theo Phó thủ tướng, căn bệnh hình thức mặc dù đã được cố gắng khắc phục nhưng còn trầm trọng, kể cả việc tổ chức, đánh giá phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở các cấp.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết đến nay cả nước có trên 18,7 triệu gia đình (trong tổng số hơn 22 triệu gia đình) đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa (đạt tỉ lệ 85%), tăng 2% so với năm 2014.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu vấn đề những hành động vô văn hóa xảy ra trong xã hội lâu nay chỉ xuất phát từ trong số 15% còn lại, hay có cả trong số 85% nêu trên?

Nhiều ý kiến thảo luận tại hội nghị cho rằng số liệu thống kê đó còn hình thức, mặc dù tỉ lệ cao và năm sau tăng hơn năm trước nhưng trong thực tế có rất nhiều vấn đề về văn hóa khiến cả xã hội trăn trở, lo lắng.

Bày tỏ sự nhất trí phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã làm được nhiều việc, tuy nhiên ông Trần Tình (phó chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học VN) cho rằng:

“Đã yên tâm chưa? Tôi thấy chưa yên tâm. Các tỉ lệ đạt cao, nhưng làng văn hóa mà sao vẫn có tệ nạn mê tín, cưới xin linh đình lãng phí không giảm. Người trồng rau bán ra chợ thì không bao giờ ăn rau nhà mình, mà đi mua rau sạch nhà khác trồng để ăn.

Người chăn nuôi thì rủ nhau mua con heo sạch về để trong tủ lạnh, chứ không ăn heo mình nuôi. Thế mà vẫn là làng văn hóa, vẫn là xã văn hóa, có kiểm tra được không?”.

Đề cập đến thống kê số lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới ở Bến Tre đạt tỉ lệ 100%, ông Trần Tình bày tỏ băn khoăn: “Tôi chưa đến Bến Tre nhưng có lẽ không nước nào trên thế giới này đạt tỉ lệ 100% như vậy”. Có ý kiến ở hội nghị cũng cho rằng ở đâu mà đạt 100% như vậy thì ở đó là thiên đường rồi.

Kết luận hội nghị, một trong những vấn đề được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh là các cơ quan hữu quan cần rà soát, xây dựng các tiêu chí gia đình văn hóa, làng văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới dễ hiểu, cụ thể thì đánh giá mới đúng, mới khắc phục được bệnh không thực chất. Ví dụ tiêu chí gia đình văn hóa không nên chung chung mà phải quy định cụ thể, như: không có người nghiện hút, không có bạo lực gia đình, sống đoàn kết với xung quanh...

Nhắc đến kinh nghiệm của Malaysia từ 20 năm trước, khi người đứng đầu chính phủ nước này lúc bấy giờ đã đi vào những việc rất cụ thể như vận động người dân không cởi trần đi ra đường, Phó thủ tướng yêu cầu trong năm 2016 mỗi hội, mỗi đoàn thể, mỗi thành viên ban chỉ đạo cần đề ra một số hoạt động thiết thực, cụ thể, gắn với các tiêu chí văn hóa để vận động người dân. Tập trung vào những vấn đề xã hội đang bức xúc như vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

Tỉ lệ không thực chất

Về thông tin cả nước có gần 18,8 triệu gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hóa, rất nhiều bạn đọc của báo Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) cho rằng đây là tỉ lệ không thực chất, chạy theo thành tích. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một thành viên ban chỉ đạo cho biết thường trực ban chỉ đạo đã đề xuất có sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá bình xét, công nhận sao cho phù hợp hơn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện phong trào.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên