TTO - Có hai lý do để ban lãnh đạo M.U căm ghét Van Dijk. Thứ nhất, anh chơi cho Liverpool. Thứ hai, vì Van Dijk mà M.U phải bỏ ra đến 80 triệu bảng để sở hữu… Harry Maguire.

Van Dijk, Maguire và những Messi trong làng hậu vệ - Ảnh 1.

Những pha xử lý đẳng cấp của Van Dijk trong năm 2019 - Nguồn: YouTube

Hầu hết những chân sút xuất sắc của Giải ngoại hạng Anh đều bất lực trước Van Dijk - Ảnh: GETTY IMAGES

Chuyện "quỷ đỏ" phải nhận những tràng châm biếm mỗi khi để vuột mục tiêu mua sắm là quá quen thuộc. Nhưng giờ đây, họ vẫn bị cười nhạo kể cả khi đã mua được một trung vệ với mức giá vào hàng kỷ lục thế giới. Và hả hê nhất vẫn là những CĐV đến từ kình địch Liverpool. Những tràng cười nhạo thật ra được quăng trả lại chính cho người hâm mộ M.U

Gần 2 năm trước, khi thương vụ Liverpool mua Van Dijk với giá 75 triệu bảng chính thức hoàn tất, nhiều CĐV "quỷ đỏ" cười cợt Liverpool về việc phải bỏ ra một số tiền lớn đến vậy cho một trung vệ. M.U so sánh với chính họ và điều đó khá dễ hiểu.

Trước mùa hè này, M.U chưa bao giờ phải bỏ ra nhiều hơn 30 triệu bảng để mua một hậu vệ. Thương vụ Rio Ferdinand của mùa hè 2002 là một ngoại lệ hiếm hoi trong lịch sử chuyển nhượng M.U, khi họ sẵn sàng vung ra những khoản tiền kỷ lục (30 triệu bảng vào năm đó) để mua hậu vệ. Nhưng kỳ thật, lúc đó tầm ảnh hưởng của Ferdinand tại Old Trafford không quá lớn, nhiều người rất bất ngờ khi anh được định giá cao đến vậy.

Còn thương vụ kỷ lục Maguire lúc này?

Ai cũng hiểu vị thế của M.U trong mùa hè năm nay, họ buộc lòng phải mua một trung vệ giỏi để củng cố hàng thủ quá tệ hại của mình. Hồi đầu mùa, họ mua Aaron Wan-Bissaka với giá 31,5 triệu bảng. Nhưng Maguire với giá 80 triệu bảng thì thực sự choáng váng.

Van Dijk, Maguire và những Messi trong làng hậu vệ - Ảnh 4.

Mới một năm rưỡi trước, Maguire còn được định giá vỏn vẹn 10 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng (theo Transfermarkt). Nhưng hiện tại, giá trị của anh đã được tăng lên con số 50 và M.U còn phải bỏ nhiều hơn 30 triệu nữa để sở hữu trung vệ người Anh.

Hiển nhiên, Maguire đã chơi rất hay trong 2 năm qua, nhưng không đến mức tăng gấp 8 lần giá trị. Có nhiều thống kê cho thấy trung vệ người Anh thậm chí chưa bằng Shkodran Mustafi - trung vệ "nổi tiếng lóng ngóng" của Arsenal trong các khoản tắc bóng, không chiến, phá bóng…

Vậy điều gì khiến Maguire tăng mạnh giá trị đến thế, hiển nhiên là vì Van Dijk. Trung vệ người Hà Lan đã tạo nên một cơn sốt bóng đá suốt hơn một năm qua vì sự xuất sắc đến khó tin của anh. Sự xuất sắc của anh lớn đến mức nó gần như đã thay đổi các quan niệm về tầm ảnh hưởng của một trung vệ với đội bóng.

Van Dijk, Maguire và những Messi trong làng hậu vệ - Ảnh 5.
Van Dijk, Maguire và những Messi trong làng hậu vệ - Ảnh 6.

Van Dijk được ví như "Messi ở hàng thủ Liverpool" - Ảnh: REUTERS

"Không trao quả bóng vàng cho Van Dijk là tội ác", ngày ngày các CĐV Liverpool kêu gọi điều đó trên mọi diễn đàn. Họ có tự hào quá mức về cầu thủ con cưng của mình?

Xuyên suốt lịch sử Quả bóng vàng, chỉ duy nhất một trung vệ thực thụ giành được danh hiệu này - Fabio Cannavaro vào năm 2006. Năm đó tuyển Ý vô địch World Cup, đồng thời Ronaldo - Messi cũng chưa vươn mình trở thành siêu sao, và Cannavaro là một lựa chọn hợp lý.

Các CĐV Real Madrid bảo, nếu có sự công bằng cho các trung vệ - Sergio Ramos hẳn đã phải giành 2, 3 quả bóng vàng bởi anh giành vô số danh hiệu Champions League lẫn các cấp đội tuyển quốc gia. Cả Raphael Varane cũng vậy. Nếu chỉ bằng một chức vô địch Champions League đã vội vàng đánh giá Van Dijk vượt mặt các đàn anh như Cannavaro rồi Ramos là điều phi lý.

Van Dijk, Maguire và những Messi trong làng hậu vệ - Ảnh 7.

Nhưng không thể cứ đem danh hiệu ra để so sánh như thế. Cannavaro hay Ramos có nhiều danh hiệu hơn Van Dijk, nhưng chưa bao giờ trải qua cảm giác "một mình vực dậy đội bóng" như đồng nghiệp người Hà Lan.

Dù là ở Real Madrid hay tuyển Tây Ban Nha, Ramos luôn được đá cặp với một trung vệ ngang bằng anh về đẳng cấp - từ Pepe, Gerard Pique cho đến Raphael Varane. Cannavaro thì khỏi nói, anh sinh ra ở Ý - nền bóng đá của những hậu vệ hào hoa.

Còn Van Dijk? Trước khi anh đến, Liverpool nổi danh là đội bóng lấy công bù thủ. Họ có tỷ lệ thủng lưới nhiều hơn 1 bàn/trận ở mọi đấu trường, và thường thủng lưới 3, 4 bàn trong những trận quan trọng. Nửa đầu mùa 2017-2018 - khi Van Dijk còn chưa đến, Liverpool thủng lưới 28 bàn sau 23 trận ở Giải ngoại hạng Anh.

Van Dijk, Maguire và những Messi trong làng hậu vệ - Ảnh 8.

Và từ ngày có trung vệ Hà Lan, họ chỉ thủng lưới 10 bàn trong 15 trận. Tỷ lệ thủng lưới từ 1,21 bàn/trận giảm gần nửa còn 0,66 bàn/trận. Tất cả nhờ vào một mình Van Dijk!

Ở Liverpool 2 năm qua, Van Dijk luôn chơi tốt bất kể phải đá cặp với ai - từ Dejan Lovren hay mắc sai lầm, Joel Matip vụng về hay Joseph Gomez non nớt. Đó là sự khác biệt của Van Dijk khi đặt cạnh những trung vệ xuất sắc nhất lịch sử. Ferdinand có Vidic đá cặp, Cannavaro có Nesta, Ramos có Pepe rồi Varane…

Van Dijk vì thế, là một "Messi trong hàng hậu vệ".

Van Dijk, Maguire và những Messi trong làng hậu vệ - Ảnh 9.
Van Dijk, Maguire và những Messi trong làng hậu vệ - Ảnh 10.

Thông thường các trung vệ giỏi thường đi đủ cả cặp như Ferdinand và Vidic - Ảnh: AFP

75 triệu bảng cho Van Dijk để biến Liverpool từ một đội lấy công bù thủ trở thành đội công thủ toàn diện, từ một kẻ chuyên phá rối thành nhà vô địch. Vì vậy, đừng thắc mắc về con số 80 triệu bảng của Maguire.

Một trung vệ giỏi tất nhiên chưa thể là điều kiện đủ cho chức vô địch, nhưng đó gần như là điều kiện cần quan trọng nhất. M.U trong chuỗi sa sút dài 2 năm qua luôn có 1, 2 ngôi sao tấn công bùng nổ trong một thời điểm bất kỳ - từ Paul Pogba, Anthony Martial cho đến Marcus Rashford. Nhưng hàng thủ của họ thì luôn "ngáo" trong hầu hết các trận.

Xét về chất lượng - Chris Smalling, Phil Jones hay Victor Lindelof có lẽ không đến nỗi thua kém Lovren, Matip, Gomez của Liverpool. Cái họ thiếu là một thủ lĩnh hàng phòng ngự tầm cỡ Van Dijk.

Những đại gia khác cũng có một cầu thủ mang dáng dấp như vậy. Đó là Aymeric Laporte của Manchester City, hay Toby Alderwereld của Tottenham. Chelsea không cần trung vệ nào quá xuất sắc, nhưng họ có triết lý phòng ngự vững vàng được xây dựng từ hơn 10 năm qua, và tiền vệ phòng ngự xuất sắc nhất thế giới lúc này - N’Golo Kante.

Không có cơ sở nào để chứng minh, một tiền đạo sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của đội bóng nhiều hơn hậu vệ. Về cảm xúc, tiền đạo chắc chắn ấn tượng hơn, vì đôi khi họ thực hiện được một pha độc diễn ghi bàn. Còn đóng góp của hậu vệ luôn phải dựa trên tính tập thể.

Van Dijk, Maguire và những Messi trong làng hậu vệ - Ảnh 11.

Video Maguire và những khoảnh khắc ấn tượng trong năm 2019 - Nguồn: YOUTUBE

Nhưng trong thời đại số hóa, các hậu vệ cũng ngày càng được ca ngợi nhiều hơn khi xuất hiện những thống kê chi tiết. Chuỗi 65 trận liên tiếp không bị qua người của Van Dijk là một minh chứng, nó tạo hiệu ứng chẳng kém gì những siêu phẩm của Messi hay Ronaldo.

Hãy nhìn vào thành tích của Liverpool 2 năm qua. Mùa 2017-18, Mohamed Salah chơi bùng nổ, giành giải PFA (Cầu thủ xuất sắc nhất) nhưng Liverpool chỉ xếp hạng 4. Đến mùa 2018-19, Salah kém bùng nổ hơn, Van Dijk nổi lên và giành giải PFA, Liverpool lúc này xếp hạng 2 - trong một cuộc đua ấn tượng nhất lịch sử bóng đá Anh. Hoàn toàn có thể khẳng định, Van Dijk là cầu thủ mang tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Liverpool lúc này.

Nếu Maguire chứng tỏ được anh đáng đồng tiền bát gạo, mùa giải này cuộc đua vô địch Giải ngoại hạng Anh sẽ rất sôi động - khi mỗi đại gia đều sở hữu những trung vệ đắt giá hàng đầu thế giới.

Van Dijk, Maguire và những Messi trong làng hậu vệ - Ảnh 13.

Maguire sẽ giúp Manchester United cải thiện khả năng phòng ngự ở mùa giải năm nay - Ảnh: REUTERS

Van Dijk, Maguire và những Messi trong làng hậu vệ - Ảnh 14.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên