04/03/2015 08:42 GMT+7

Vấn đề là bán thế nào?

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TT - Dư luận đang quan tâm đến đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc bán một số cơ sở hạ tầng do Nhà nước đầu tư.

Nhà ga T1 cảng hàng không quốc tế Nội Bài - Ảnh: Tuấn Phùng

Nhà ga T1 cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sân bay Phú Quốc, một số đường cao tốc... nằm trong số đó.

Tôi ủng hộ chủ trương này, nhưng vấn đề đặt ra là bán thế nào để đạt mục đích và mang lại hiệu quả cao nhất?

Trước hết, phải nói rằng năm 2015 và trong tương lai ngắn hạn tình hình kinh tế chung của đất nước vẫn còn phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ, nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư vẫn hết sức khó khăn, rất nhỏ so với nhu cầu.

Tôi rất chia sẻ với quan điểm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu trước Quốc hội rằng động lực phát triển của chúng ta đã “cạn”, nếu như không tìm ra những cú hích mới, động lực mới để phát triển thì chúng ta sẽ tụt hậu.

Vì vậy quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa, bán đi một phần tài sản, vốn nhà nước ở những nơi có lợi thế cạnh tranh, có sức hấp dẫn thương mại là một quá trình tất yếu để tái cơ cấu đầu tư, thu hút vốn và nguồn lực (công nghệ quản lý - khai thác, nhân lực chất lượng cao...).

Đặt trong bối cảnh đó, đề xuất của Bộ Giao thông vận tải rất đáng lưu tâm và nên được ủng hộ. Nhà nước sẽ có thêm nguồn lực để gia tăng đầu tư cho các nhu cầu cấp thiết khác, xã hội sẽ được hưởng lợi (chất lượng dịch vụ, công ăn việc làm).

Tuy nhiên, như đã nói, vấn đề đặt ra là bán thế nào cho có hiệu quả, tức Nhà nước thu được giá trị cao nhất có thể và xã hội được hưởng lợi từ chất lượng dịch vụ, tránh chuyện bán rẻ trong khi xã hội phải nhận dịch vụ tồi, còn lợi ích rơi vào tay một nhóm nào đó thông qua quy trình thiếu minh bạch.

Việc mua bán phải rất rõ ràng, thông qua đấu thầu, đấu giá công khai, rộng rãi chứ không phải là ưu tiên anh này anh kia. Đồng thời, Nhà nước phải đưa ra những quy định để đảm bảo quá trình khai thác, vận hành theo những nguyên tắc nhất định, đảm bảo quyền lợi của xã hội, của khách hàng và người tiêu dùng.

Ví dụ, khi bán quyền khai thác đường cao tốc 30 năm chẳng hạn thì toàn bộ vấn đề phí cầu đường (tăng hoặc giảm) trong quá trình này phải tuân thủ quy định, nguyên tắc của pháp luật, chứ không thể để doanh nghiệp khai thác tùy ý tăng, giảm.

Hay là chuyện giá cả các dịch vụ liên quan đến hàng không, đến sân bay bấy lâu nay người dân, hành khách kêu ca như vậy thì cần phải có nguyên tắc quản lý giá, xác định giá cả thế nào.

Có những công trình, dự án phục vụ dân sinh bản thân nó chứa lợi thế độc quyền tự nhiên nên việc lo ngại về sự độc quyền là hoàn toàn có cơ sở. Ví dụ, bán nhà ga T1 Nội Bài cho Vietnam Airlines hay bán cho VietJet Air thì một trong hai bên đều lo ngại bên sở hữu sẽ cố tình tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, chẳng hạn như dành cho mình vị trí kinh doanh, vị trí đỗ máy bay “đẹp”, còn đẩy bên kia sang những vị trí “xấu”.

Lo ngại này đòi hỏi Nhà nước phải đặt ra “luật chơi” chung (kiểm soát giá cả, chất lượng dịch vụ, nguyên tắc khai thác...) mà bất cứ doanh nghiệp nào trúng thầu cũng phải tuân thủ, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp khác và khách hàng.

“Luật chơi” chung phải được thể hiện bằng các văn bản pháp luật mới tạo ra được “sân chơi” bình đẳng.

TS NGUYỄN PHI THƯỜNG
(đại biểu Quốc hội TP Hà Nội)

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: thời sự suy nghĩ