Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết sẽ báo cáo Thủ tướng phương án xử lý BOT Cai Lậy trong vài ngày tới - Ảnh: Lê Kiên
Liên quan đến phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, các quan chức Chính phủ khẳng định việc có nhiều quan điểm khác nhau và có phản biện lẫn nhau là bình thường.
Sẽ báo cáo trong vài ngày tới
- Về trạm BOT Cai Lậy, Thủ tướng đã quyết định tạm dừng thu phí một thời gian, yêu cầu Bộ GTVT báo cáo, xin hỏi là Bộ đã báo cáo về việc này như thế nào?" - phóng viên nêu câu hỏi.
Đáp lại, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: trên cơ sở yêu cầu của Thủ tướng, bộ GTVT đã nghiên cứu, đề xuất 4 phương án khác nhau, mỗi phương án đều có mặt ưu điểm, hạn chế riêng, và đều liên quan đến thời gian thu phí khác nhau.
"Với các phương án này đều có ưu điểm và hạn chế riêng, theo đó đều liên quan đến yếu tố ban đầu về hợp đồng có điều chỉnh và thời gian thu phí cũng sẽ có khác nhau. Ví dụ có phương án đề nghị dừng thu phí thì cần xem xét có nguồn tiền nào để trả và trả theo thời gian, cùng với đó, phải đàm phán với nhà đầu tư" - ông Đông tiết lộ.
Ông nói thêm: Với phương án chỉ thu phí trên tuyến tránh thì phải theo dõi lượng xe để tính toán lại thời gian. Nếu thu cả 2 trạm trên QL 1 và tuyến tránh thì cũng phải tính khác…
Tất cả cái đó đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu và sẽ sớm báo cáo về những phương án tiếp theo, trong đó có phương án giảm mức phí cho phương tiện từ 30%-100% cho một số xã lân cận, chúng tôi sẽ tính toán con số cụ thể để báo cáo Chính phủ trong vài ngày tới".
Chính phủ sẽ công bố phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
- Về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, tư vấn nước ngoài cho rằng không nên mở rộng sân bay về phía Bắc, nhưng nhóm tư vấn nghiên cứu của TP.HCM lại không đồng tình với ý kiến này. Trước những tranh cãi như vậy, xin hỏi quan điểm của Chính phủ như thế nào khi mà thời hạn chốt phương án không còn nhiều?
Với câu hỏi trên, thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông giải thích: sân bay Tân Sơn Nhất đã có quy hoạch từ trước, và trước kia là do tư vấn VN lập, Bộ GTVT đã trình lên Chính phủ. Chúng ta phải xem xét chung trong cả khu vực vì nó có tác động lớn đến phát triển và duy trì hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất trước mắt cũng như lâu dài, vì nó liên quan đến phát triển sân bay Long Thành tới đây.
"Trước chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tìm tư vấn nước ngoài nghiên cứu, rà soát quy hoạch để xác định một cách khách quan nhất, Bộ đã tuyển công ty tư vấn ADPi của Pháp, và đơn vị này đã tổ chức nghiên cứu hết sức công phu, thảo luận nhiều lần, trong đó có báo cáo tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.
Cùng với đó, còn có ý kiến các nhà khoa học, nhà phản biện.Cách đây 2 ngày, Bộ GTVT đã họp và công khai các ý kiến khác nhau về vấn đề này" - ông Đông nói.
Ông giải thích thêm: Từ nay đến 2025, đúng theo lộ trình mà Quốc hội thông qua là phải đưa sân bay Long Thành vào khai thác, và dự báo chung cho phát triển về hành khách hay hàng hoá không thể tách rời với từng sân bay.
Đối với Tân Sơn Nhất trong giai đoạn từ nay đến 2020 khi chưa có sân bay Long Thành phải làm sao đáp ứng nhu cầu vận tải, và vẫn phải duy trì mô hình này trong tương lai, giống như một số mô hình khác ở Nhật Bản, Bang-kok.
Với những ý kiến phản biện như của TP.HCM, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết Bộ hoan nghênh và tiếp thu, tiếp tục yêu cầu đơn vị tư vấn làm rõ trong nghiên cứu từ dự báo, hướng phát triển, xem quy hoạch có phù hợp không, lộ trình có hợp lý, hiệu quả tương quan giữa hai sân bay thế nào.
Giải thích thêm về nội dung này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: Khi nghiên cứu các phương án thì quan điểm khác nhau là bình thường. Thủ tướng đã giao phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì việc này. Tới đây các phương án đều được đánh giá kỹ và báo cáo Thủ tướng. Kết quả cuối cùng như thế nào chúng tối sẽ thông báo công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận