* Thưa tiến sĩ, tại sao việc ăn sữa chua hằng ngày lại cần được chú trọng và hình thành như một thói quen cần thiết?
Không ít người Việt Nam đến lúc này vẫn chỉ mới xem sữa chua là một món ăn “cho vui miệng”. Tuy nhiên, thực tế sữa chua là một trong những loại thức ăn rất quan trọng và cần thiết cho cơ thể để tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, giữ một vóc dáng cân đối, gọn gàng. Rất nhiều bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng trên thế giới đều khuyến khích hình thành thói quen ăn sữa chua đều đặn mỗi ngày.
* Bằng cách nào những hộp sữa chua nhỏ bé chúng ta “nạp vào” hằng ngày có thể làm được điều đó, thưa tiến sĩ?
Sữa chua là nguồn dinh dưỡng quý giá đã được sử dụng từ mấy ngàn năm nay. Vào năm 1910, nhà bác học người Nga Ilya Metchnikoff đã đoạt giải Nobel cho những khám phá về vai trò của sữa chua đối với sức khỏe con người. Chỉ riêng điều đó cũng đủ nói lên phần nào công dụng tuyệt diệu của sữa chua trong chế độ ăn hằng ngày.
Nên nhớ sữa chua thường được làm từ sữa tươi nên có giá trị dinh dưỡng không thua kém bất cứ loại sữa tươi nào. Báo cáo của phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Hoan (trưởng phòng quản lý khoa học của Viện Dinh dưỡng quốc gia) trong buổi hội thảo cũng đã nêu bật giá trị dinh dưỡng đó. Cứ 100g sữa chua chứa khoảng 100kcal, có chất đường (15,4g), chất đạm (3,1g), chất béo (3g), canxi và một số loại vitamin như A, D, E… Trong 226g sữa chua (khoảng 2 hộp) cung cấp hơn 20% protein, 30-40% canxi và một lượng vitamin, khoáng chất quan trọng khác cơ thể cần mỗi ngày.
* Nhắc đến công dụng của sữa chua, bên cạnh giá trị dinh dưỡng, người ta thường nghĩ đến việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, rất có lợi cho đường ruột, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn. Tiến sĩ nhận định thế nào về điều đó?
Hầu như bà mẹ nào cũng từng ít nhất một lần nghe nói đến các tác dụng này. Trong sữa chua có chứa rất nhiều lợi khuẩn. Chính các lợi khuẩn đó sẽ giúp tăng sức đề kháng, chống lại các bệnh vặt. Sữa chua còn là bài thuốc tự nhiên ngăn ngừa và giảm bớt triệu chứng của những căn bệnh đường ruột phổ biến như: khó tiêu, ợ chua, viêm loét dạ dày… Đặc biệt với phụ nữ, sữa chua giúp bổ sung canxi, chống loãng xương rất hiệu quả. Đã thế sữa chua lại không kỵ với bất kỳ loại thực phẩm nào khác nên có thể trộn chung nhiều loại thực phẩm khác để tạo sự ngon miệng. Trẻ em có thể ăn sữa chua từ 6 tháng tuổi trở lên.
* Xin tiến sĩ giải thích rõ hơn về tác dụng bổ sung canxi này…
Như trong buổi hội thảo, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Hoan đã trình bày, một hộp sữa chua ăn 100g có chứa tới 148mg canxi (so với 120mg canxi trong 100ml sữa tươi). Thêm vào đó, lượng vitamin D dồi dào sẵn có trong sữa chua giúp cơ thể dễ hấp thụ canxi hơn.
Chỉ cần tạo thói quen ăn 2-3 hộp sữa chua mỗi ngày thì người lớn, đặc biệt là phụ nữ, đã có thể cung cấp gần như đầy đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể để chống loãng xương, giúp xương chắc khỏe, cơ thể vững chắc, dẻo dai. Còn đối với trẻ em, canxi trong sữa chua sẽ giúp trẻ tăng chiều cao một cách tốt nhất.
* Là thực phẩm bổ dưỡng và có lợi như thế nhưng tình hình sử dụng sữa chua hiện nay trong bữa ăn của người Việt Nam hình như vẫn còn khá thấp?
Phải nói là rất thấp mới đúng. Do tuyên truyền rộng rãi về các công dụng rõ rệt của sữa chua từ rất lâu nên trên thế giới, nhất là tại các nước châu Âu và Mỹ, người ta ăn sữa chua rất nhiều. Trung bình mỗi người ăn đến 210g sữa chua/ngày (hơn 2 hộp). Trong khi đó, ở Việt Nam chúng ta chỉ mới ăn trung bình 10g sữa chua/ngày (1/3 hộp).
Nên biến việc ăn sữa chua thành thói quen mỗi ngày của người Việt Nam, vì đó chính là "công thức vàng" giúp mọi người trong gia đình từ già trẻ lớn bé được tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, tạo cho cơ thể một vóc dáng khỏe mạnh, cân đối.
Một lưu ý nhỏ là mọi người nên bảo quản sữa chua ăn ở nhiệt độ 6 độ C để đảm bảo các men vi khuẩn có lợi trong sữa chua được bảo vệ tốt nhất.
* Xin cảm ơn tiến sĩ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận