10/01/2011 09:34 GMT+7

Vài suy nghĩ về cách thức - Những phép màu xảy ra như thế nào - Kỳ 1

MICHAEL SCHUMAN
MICHAEL SCHUMAN

TTO - Sự chuyển biến này đã thu hút tôi hướng tới châu Á. Khi còn là một sinh viên đại học, tôi đã đọc đôi chút về phát triển kinh tế và tôi muốn trải nghiệm điều này trong đời sống thực với thời gian thực. Châu Á không làm tôi thất vọng.

uwBvQsBk.jpgPhóng to

Mỗi lần tôi bắt tàu điện trên không (Skytrain) chạy xuyên qua thủ đô Bangkok chật ních người hay đón một chiếc taxi Ambassador cũ chạy vòng quanh New Delhi hoặc tản bộ xuôi theo những con đường sầm uất náo nhiệt của Thượng Hải, tất cả những thành phố này đều trông như giàu có hơn và hiện đại hơn so với những lần viếng thăm trước đó của tôi. Châu Á đang thay đổi từng ngày.

Chuyến thăm châu Á đầu tiên của tôi là vào năm 1991, với tư cách là một sinh viên thực tập ở tạp chí Far Eastern Economic Review, văn phòng tại New Delhi. Trước đó, tôi chưa từng đến một đất nước nào kém phát triển như Ấn Độ. Sự nghèo đói đã làm cho tôi bị sốc. Tại Kolkata (tên cũ là Calcutta), tôi không thể nào bước ra khỏi khách sạn của mình mà không bị những đám trẻ đường phố vây bám từng bầy xung quanh, tất cả chúng đều kéo áo tôi để xin tiền. Tôi mua cho chúng những nải chuối.

Tại Varanasi, thành phố linh thiêng nhất của những người theo đạo Hindu, tụ tập bên bờ con sông Hằng thiêng liêng là những người dân địa phương đang dành cả buổi sáng tắm rửa, đánh răng và giặt giũ quần áo bằng thứ nước bốc mùi hôi thối, bị ô nhiễm vì nước thải chưa qua xử lý từ những cống hở của thành phố đổ xuống đây. Ban đầu, tôi phát hiện mình đã cho cạn túi nhưng sau vài tuần, qui mô và mức độ của sự thống khổ quá lớn đến nỗi cách duy nhất để tồn tại là tôi phải tự miễn nhiễm bản thân mình trước sự nghèo đói bần cùng đó. Tôi cảm thấy mình có lỗi nhưng tình trạng tuyệt vọng của Ấn Độ khiến tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác.

Ngày nay, cái đói cái nghèo vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi trên đất nước Ấn Độ nhưng một sức sống kinh tế vốn là điều không thể tưởng tượng được trong chuyến thăm đầu tiên của tôi đã hiện diện ở một phạm vi rộng không kém. Từ Mumbai cho đến Chennai, nhiều lao động trẻ có tay nghề, ăn mặc bảnh bao chen nhau đến những rạp chiếu phim đa năng trong khi các tài xế taxi nói chuyện liến thoắng qua điện thoại di động.

Tại thành phố Hồi giáo cũ Hyderabad ở miền nam Ấn Độ, các khu công nghệ hoành tráng mọc lên cách ngôi chợ truyền thống của thành phố, nơi các nghệ nhân vẫn đe các lá vàng, lá bạc bằng những chiếc búa cũ kỹ, chỉ một vòng lái xe ngắn. Ngay cả Kolkata cũng đã hồi sinh. Các nhà hàng dọc phố Park, một con đường lớn nổi tiếng với ánh đèn đêm và những quán ăn, đã trở nên sầm uất tấp nập với những thực khách nói chuyện ồn ào và một niềm tin vô tận.

Làn sóng gia tăng ồ ạt của cải vật chất mới mẻ này đã có tác động vượt ra ngoài phạm vi châu Á. Phép màu đã đem lại cho châu lục này một tiếng nói có tầm ảnh hưởng đến các vấn đề thế giới nhiều hơn so với những gì mà họ đã có suốt hàng trăm năm qua, có lẽ là từ thế kỷ 14, khi các đại hãn Mông Cổ thống trị suốt từ Moscow, qua Baghdad đến Quảng Châu. Lần đầu tiên, các thị trường chứng khoán tại Hồng Kông và Thượng Hải đã trở thành cơ sở quyết định điều gì xảy ra tại phố Wall.

Những tuyên bố của lãnh đạo các ngân hàng trung ương tại Tokyo và Bắc Kinh gần như cũng được theo dõi chặt chẽ giống như tuyên bố của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Các nhà đầu tư châu Á đã trở thành những nhân vật quan trọng trong các thị trường chứng khoán, tiền tệ và bất động sản toàn cầu. Đi cùng với quyền lực kinh tế đó chắc chắn là quyền lực chính trị. Được hậu thuẫn bởi những nền kinh tế đang tăng trưởng, các quốc gia châu Á đang theo đuổi những lợi ích chiến lược của mình một cách xông xáo hơn so với những gì mà họ đã làm trong nhiều thế kỷ trước.

Sự háo hức tìm kiếm các nguồn tài nguyên thiên nhiên của họ đã làm dấy lên cuộc cạnh tranh dữ dội đối với các nguồn năng lượng và nguyên liệu thô toàn cầu. Các nước châu Á đã phát động một cuộc tấn công ngoại giao từ các phòng họp lớn tại Mỹ cho đến các thủ đô của châu Phi. Trung Quốc đặc biệt phô trương sức mạnh ngoại giao và tài chính mới của mình trong các vấn đề quốc tế then chốt như biến đổi khí hậu, tự do hóa thương mại, không phổ biến vũ khí hạt nhân và nhân quyền.

Sự thần kỳ là chiều hướng đơn lẻ quan trọng nhất trong lịch sử thế giới kể từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ II với tác động kéo dài và sâu rộng tới tương lai hơn cả sự tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu hay cuộc chiến chống khủng bố.

Tại Mỹ và châu Âu, sự nổi lên của châu Á đã khiến người ta lo sợ rằng khu vực này sẽ lấn át, làm lu mờ vai trò của phương Tây. Nhà sử học người Anh Niall Ferguson viết rằng “sự đi xuống tương đối của phương Tây sẽ trở thành điều tất yếu” một khi châu Á hiện đại hóa và kết quả “không có gì khác hơn là thế giới sẽ thay đổi chiều hướng”. Suốt 30 năm qua, các chính trị gia, các nhà báo và các nhà kinh tế học đã cảnh báo về mối đe dọa đến từ châu Á.

Clyde Prestowitz, một nhà đàm phán thương mại sau chuyển thành học giả chống tự do thương mại, đã liên tục dự báo từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20 rằng một châu Á đang lên sẽ tiêu diệt nền kinh tế Mỹ. Kẻ đi chinh phạt đầu tiên được cho là Nhật Bản và sau đó mối đe dọa chuyển sang Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 2005, Prestowitz viết: “Dù nhanh hay chậm, các lực lượng vốn đem lại sự giàu có thịnh vượng và quyền lực cho châu Á cũng sẽ mang đến cho phương Tây hậu quả khủng hoảng và yêu cầu đòi hỏi phải điều chỉnh đau đớn.

Xa dần vị trí dẫn đầu trong cuộc hành quân tiến tới tự do toàn cầu, Mỹ có thể rồi sẽ cảm thấy khó khăn trong việc gìn giữ một mức sống vừa phải và bảo vệ những quyền lợi sống còn của mình”. Prestowitz cảnh báo độc giả Mỹ rằng các điều kiện xảy ra “sự kiện 11/9 trong kinh tế” có thể đã định hình.3

Dù chúng ta cần phải giữ tâm lý hoang mang sợ hãi này theo đúng quy luật phát triển của nó - chẳng hạn như nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn chưa bằng ¼ qui mô của nền kinh tế Mỹ - nhưng cũng không thể chối cãi được rằng trong vài chục năm nữa, Mỹ sẽ phải đương đầu với một châu Á sở hữu một quyền lực kinh tế càng ngày càng lớn. Không phải phương Tây “đi xuống” mà là phương Đông đi lên.

Sự vươn lên của châu Á đang tạo ra một thế giới mà ở đó nền kinh tế thế giới sẽ có không chỉ một cường quốc thống trị. Nhà kinh tế học Jeffrey Sachs viết năm 2004: “Khi trọng tâm kinh tế của thế giới chuyển sang châu Á, sự độc tôn thống lĩnh của Mỹ chắc chắn sẽ bị thu hẹp. Thế kỷ 21 có thể sẽ là một giai đoạn phát triển phồn thịnh và tiến bộ khoa học chưa từng có tiền lệ nhưng có thể cũng là một thời kỳ mà Mỹ sẽ phải học làm quen với việc trở thành một trong nhiều nền kinh tế thành công thay vì là một quốc gia không thể thay thế được của thế giới”.

Trong một báo cáo có nhiều ảnh hưởng vào năm 2003, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã dự báo, vào năm 2041, Trung Quốc sẽ soán ngôi vị là nền kinh tế lớn nhất thế giới từ Mỹ. Ấn Độ có thể sẽ qua mặt Nhật Bản vào năm 2032, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Goldman cho rằng đến năm 2050, hai nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ kết hợp lại sẽ lớn hơn gấp đôi qui mô nền kinh tế Mỹ. Báo cáo của Goldman kết thúc bằng một câu hỏi đơn giản nhưng thật đáng ngại: “Bạn đã sẵn sàng đón nhận điều này chưa?”.

Tốt hơn là tất cả chúng ta nên sẵn sàng. Có rất ít lý do để tin rằng một ngày nào đó Phép màu sẽ sớm kết thúc. Nó vẫn là nhân tố chính quyết định các quan hệ kinh tế và các sự kiện toàn cầu trong tương lai gần. Châu Á có thể sẽ trải qua một cuộc khủng hoảng nhất thời giống như cuộc khủng hoảng đã khuấy động Hàn Quốc vào cuối thập niên 1990 trên con đường đi đến Phép màu.

Các nền kinh tế có thể sẽ phát triển chậm lại hoặc thậm chí rơi vào suy thoái như đã từng trải qua trong suốt thời gian diễn ra tai ương khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 hoặc đi lệch hướng vì tác động của tình hình rối ren xã hội và biến động chính trị. Nhưng rốt cuộc, chúng ta vẫn đang nói về một Sự thần kỳ và giống như mọi điều thần kỳ khác, dù có thật hay mới chỉ tồn tại trong giả thuyết, tự trong bản chất của nó hay ở hiện tượng bên ngoài cũng gây ấn tượng sâu sắc.

Năm 2005, tôi đi đến vùng cực tây của Trung Quốc và gặp Chen Xiangjian, khi đó là một nhân viên kinh doanh 32 tuổi, đeo kính cận, làm việc cho một công ty công nghiệp quốc doanh tại Trùng Khánh, một trong những trung tâm đô thị lớn nhất thế giới với 32 triệu dân. Chen Xiangjian kể với tôi cuộc sống của anh đã thay đổi như thế nào chỉ trong vòng 5 năm qua. Thu nhập của anh đã tăng gấp ba, anh đã sở hữu được một chiếc máy quay video kỹ thuật số của Sony, một máy vi tính xách tay và hai căn hộ, đang tính đến chuyện mua chiếc xe hơi đầu tiên của mình.

Chen Xiangjian hào hứng nói về tương lai của riêng mình và thậm chí còn sôi nổi hơn khi nói về những viễn cảnh tươi sáng của con gái mới chỉ được 1 tuổi mình, Châu Châu. Anh dự báo: “Đến khi cháu bằng tuổi tôi bây giờ, cháu sẽ có cuộc sống tốt đẹp không thua gì một người thành công nhất trong xã hội Mỹ”. Ở châu Á hiện đại, giấc mơ đó đang trở thành sự thật.

MICHAEL SCHUMAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên