5h sáng, tôi mở cửa lều. Một khung cảnh như ở cõi thần tiên hiện ra trước mắt: những quầng mây trắng như bông chờn vờn ngay bên cạnh, những ngọn núi cao xanh ngắt mờ mờ ảo ảo như tranh thủy mặc; dưới tầm mắt, con đường ngoằn ngoèo của đèo Mã Pí Lèng như một chú rắn khổng lồ, bên phải là dòng sông Nho Quế lúc ẩn lúc hiện…

Hồi cao điểm dịch COVID-19 cách đây 1 năm, con trai tôi đang làm việc ở nước ngoài gởi tôi xem những bức ảnh mà anh Nguyễn Trung Đức, một hướng dẫn viên du lịch ở Hà Giang, chụp cảnh anh cắm trại ở một vách đá trắng, nhìn ngây ngất. 

Con hẹn: "Hết dịch, con về, hai cha con mình phải cắm lều ngủ ở đây nhé!". Giữa tháng 7-2022, hai cha con tôi đã thực hiện được lời hẹn ấy.

Vách đá trắng - chốn ngủ view ngàn tỉ - Ảnh 1.

Thật ra, thời điểm lý tưởng nhất để cắm trại ngủ đêm ở Vách đá trắng là vào tầm tháng 9, 10, bởi khi ấy có thể ngắm được lúa vàng bậc thang ở vùng cao nguyên đá và thời tiết cũng thuận lợi hơn.

Còn mùa tháng 7 này, trời mưa nhiều, ruộng bậc thang đã qua mùa đổ nước, lại chưa tới mùa lúa chín (hai thời điểm đẹp nhất để du lịch vùng núi phía Bắc).

Vách đá trắng - chốn ngủ view ngàn tỉ - Ảnh 2.
Vách đá trắng - chốn ngủ view ngàn tỉ - Ảnh 3.

Núi chen núi, mây hòa mây, cung đường ra - vào Vách đá trắng vô vàn cảnh đẹp lung linh

Nhưng cái lợi của mùa thấp điểm du lịch là ít khách. Vách đá trắng đã bắt đầu được nhiều phượt thủ biết tới, nên chỉ cần một nhóm 5-6 người có mặt trước thì người tới sau rất có thể sẽ phải tiu nghỉu lội bộ trở ra.

Bằng sức người, hơn 1.000 thanh niên xung phong và hơn 1.200 dân công đã làm nên con đường này sau gần 6 năm thi công, gian khổ nhất là tạo nên con đèo Mã Pí Lèng. Con đường được hoàn thành ngày 20-3-1965, trùng Ngày Quốc tế hạnh phúc nên được gọi là Con đường hạnh phúc.

Vách đá trắng - chốn ngủ view ngàn tỉ - Ảnh 4.

Đây là lối lên “mỏm đá tử thần” nổi tiếng. Nơi này rồi cũng sẽ được đưa vào diện “quản lý” như nơi cắm trại ở Vách đá trắng nhằm đảm bảo an toàn cho lữ khách mê phiêu lưu

Mã Pí Lèng nằm ở độ cao 1.500m so với mặt biển, Vách đá trắng là lưng của một ngọn núi thuộc đỉnh đèo này, nơi lộ ra mảng đá vôi lớn màu trắng.

Theo những người Mông ở Mèo Vạc, Vách đá trắng là nơi ngày xưa Vua Mèo cùng đoàn tùy tùng thường dừng chân nghỉ ngơi. Con đường mòn với những bậc thang bằng đá dẫn lên đây đã có từ rất lâu.

Có nhiều ngả đường để đi đến Vách đá trắng, chúng tôi chọn đi bằng con đường xuất phát từ Tượng đài Thanh niên xung phong trên đèo Mã Pí Lèng (thôn Séo Sả Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).

Vách đá trắng - chốn ngủ view ngàn tỉ - Ảnh 5.

Đây chính là nơi mà ngày xưa Vua Mèo thường dừng chân cùng đoàn tùy tùng (khoanh tròn). Giờ đây nó là nơi để cắm trại yêu thích của dân phượt

Từ đó vào đến Vách đá trắng tầm trên 3km, trong đó có hơn 2km đường bêtông nhỏ, có thể đi xe ôm của các thanh niên bản địa với giá 50.000 đồng/người. Tuy là đường bêtông nhưng cũng đầy cảm giác hồi hộp với dân thành phố, khi trải qua "ngàn thước lên cao ngàn thước xuống" với những lần cua tay áo thót tim.

Chặng cuối cùng là gần 1km đường đá bậc thang gập ghềnh, những phiến đá nhẵn thín, trơn nhẫy sau cơn mưa được dân bản địa xếp không biết từ thuở nào…

Con đường đá chỉ vừa một người đi, một bên là vách núi sừng sững, một bên là vực sâu hun hút. May thay, năm 2019 huyện Mèo Vạc đã đầu tư làm lan can tay vịn cho con đường mòn này, vừa để an toàn cho du khách vừa cho cả người bản địa đi nương, chăn dê núi…

Tuy chỉ chưa đầy 1km lội bộ nhưng cũng đủ để tôi - tuy không còn trẻ nhưng mỗi sáng đều chạy bộ 7-10km - phải thở dốc. "Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm" ấy là một đặc trưng địa hình khó quên nữa của vùng này.

Vách đá trắng - chốn ngủ view ngàn tỉ - Ảnh 7.

Nơi cắm lều để ngủ ở Vách đá trắng, một cảnh tượng mà phượt thủ Nguyễn Đông Hòa, phó tổng giám đốc SaiGontourist, bảo rằng “view ngàn tỉ”!


Vách đá trắng - chốn ngủ view ngàn tỉ - Ảnh 8.

Cạnh Vách đá trắng có một vách đá hõm vào, tạo nên một khoảng trống có thể dựng được chừng 5, 6 chiếc lều đơn. Từ độ cao tầm 1.200m so với mặt biển này, nhìn xuống dưới là dòng sông Nho Quế, xa xa nhấp nhô núi biếc và một cung đường uốn lượn mê hoặc thuộc đèo Mã Pí Lèng. Khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp, hùng vĩ ấy khiến ta ngây ngất.

Hõm đá này có một bãi đất trống có chiều rộng lớn nhất tầm 3m và chiều ngang tầm 10m. Ở đây có xếp đá thành một “cái bàn” để có thể làm bàn ăn dã chiến. Phía dưới là dòng sông Nho Quế, và ánh đèn của bến tàu du lịch ngắm hẻm Tu Sản

Đặt chân đến được hõm đá để dựng lều ngủ đêm, mọi mệt mỏi đều như tan biến. 6h chiều, trời mùa hè vẫn còn sáng dù vừa dứt một cơn mưa. Chúng tôi dựng lều mất 30 phút, vẫn còn đủ thời gian chụp vài tấm hình trước khi trời tối hẳn.

Vách đá trắng - chốn ngủ view ngàn tỉ - Ảnh 10.

19h tối, vệt đèn của những chiếc xe đi lại trên đèo Mã Pí Lèng đã vẽ nên một vòng cung “lửa” giữa khung cảnh trầm mặc của núi rừng khi mặt trời tắt nắng

Sau bữa tối đơn giản, tôi ngồi cạnh con trai mình trò chuyện và chợt nghĩ những ông bố và con nên thu xếp với nhau để thực hiện những cuộc cắm lều ngủ qua đêm thế này, vì trong khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên, của sự tĩnh mịch ở một nơi cheo leo lưng chừng trời, cha và con sẽ dễ dàng cùng trải lòng về nhiều chuyện trong cuộc sống như giữa hai người bạn thân, dễ hơn hẳn giữa nhịp sống hối hả của chốn phồn hoa đô hội.

Gần 9h, trời đen đặc, chúng tôi cùng chui vào lều ngủ để sáng mai dậy thật sớm đón bình minh. Đêm giữa trời không hề yên lặng. Tiếng côn trùng, tiếng những con thú rừng, cả tiếng xe ì ì qua đèo Mã Pí Lèng. Nhưng rồi chúng tôi đều chìm vào một giấc ngủ ngon chưa từng có trong đời.

Vách đá trắng - chốn ngủ view ngàn tỉ - Ảnh 11.

Những bức tranh panorama cứ 5 phút đổi một cảnh, giúp buổi ngủ bụi bội phần hấp dẫn

4h30 sáng, hai cha con tôi cùng dậy, dựng chân máy để chuẩn bị ghi lại những hình ảnh của ban mai. Trong tầm mắt rộng mở, cứ vài phút là lại có một bức tranh panorama mới. 

Chìm đắm trong khung cảnh lộng lẫy ấy, tôi bất giác nhớ đến một trò chơi hồi nhỏ, với cái máy xem ảnh có 12 cảnh đẹp lung linh bằng phim nằm trên chiếc đĩa giấy hình tròn.

Mỗi lần kéo cần gạt xuống, một khung cảnh thần tiên mới mẻ lại hiện ra. Hai cha con hai máy ảnh, gắn cố định trên tripod, tấm thẻ 64Gb chả mấy chốc báo đầy. 

Không bức ảnh nào giống hệt nhau, bởi khi mây ùn ùn kéo đến, những rặng núi mờ hẳn đi, cảnh trí như trong phim Tây du ký, lúc Tôn Ngộ Không dùng cân đẩu vân bay nhảy giữa trời.

Vách đá trắng - chốn ngủ view ngàn tỉ - Ảnh 12.

7h sáng chúng tôi xếp lều để quay ra, vì mây bắt đầu kéo đến dày đặc. Vách đá trắng dần chìm vào màn sương mây buổi sớm. 

Con đường quay ra trong buổi ban mai cũng vô cùng ấn tượng, với những bà những chị váy áo sặc sỡ lao xao đi chợ sớm, những đoạn dốc mà bầu trời như cánh cung mây sà xuống giao hòa với đất, với núi.

Trên triền đồi, lác đác những ngôi nhà nho nhỏ nằm chung chiêng, lúc mờ lúc tỏ. Hơn 3km lội bộ trở về nhẹ như không nhờ khung cảnh bồng lai ấy…

Vách đá trắng - chốn ngủ view ngàn tỉ - Ảnh 13.

Sáng sớm, trên đường trở ra lại Tượng đài Thanh niên xung phong, chúng ta sẽ gặp được những bà, những chị người Mông đi chợ, đi nương sớm

Vách đá trắng - chốn ngủ view ngàn tỉ - Ảnh 14.


Vách đá trắng - chốn ngủ view ngàn tỉ - Ảnh 15.
HUY THỌ
NGỌC THÀNH


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0