![]() |
Lan Hà trong Trái tim bé bỏng - Ảnh tư liệu |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Tuổi mới lớn của làng quê ven biển ấy có một trò chơi (chừng như duy nhất) là trồng chuối (quay ngược đầu xuống đất). Để làm gì? Họ được nhìn khác đi quang cảnh (đời sống) xung quanh mình. Cũng dễ hiểu, gần với họ chẳng có gì đáng đợi chờ: cuộc mưu sinh kiếm vài đồng tiền lẻ; đàn ông lũ lượt ngoại tình, bỏ gia đình; đàn bà vừa làm vợ, mẹ, làm cả chồng, cha, sau cơm - áo - gạo - tiền chỉ biết sống với rượu và nỗi buồn...
Sài Gòn đón Mai, cô bé mới lớn mang nỗi day dứt về cuộc sống tối tăm, bằng cái nghề tủi nhục, bán thân. "Trái tim bé bỏng" chưa đi qua hết thơ dại, chưa kịp "tỉnh mộng" đã bị "vồ" lấy bởi mặt trái của đô thị. Cô sợ sệt, trốn chạy khi hay mình ở trong nhà chứa, nhưng lại giấu bặt cái đau trong lòng, sống cùng với nó như tính cách chịu đựng, rắn rỏi của người miền Trung...
Phim Trái tim bé bỏng, kịch bản Nguyễn Quang Lập, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, có sự tham gia của các diễn viên: Lan Hà, Hồng Ánh... đang dự tranh Cánh diều vàng 2007. Lịch chiếu miễn phí những phim còn lại: Rừng đen (9g ngày 7-3 tại Cinebox, 9g ngày 8-3 tại rạp Thăng Long A), Nụ hôn thần chết (15g ngày 6-3 tại rạp Tân Sơn Nhất), Sài Gòn tình ca (19g ngày 6-3 tại Fafilm), Vũ điệu tử thần (19g30 ngày 7-3, 9g30 ngày 8-3 tại rạp Tân Sơn Nhất), Em muốn làm người nổi tiếng (9g ngày 6-3 tại Cinebox, 19g ngày 7-3 tại Fafilm), Duyên trần thoát tục (9g ngày 6-3 tại Thăng Long A). |
Chuyện được kể tỉnh táo, có lúc lạnh lùng, cách nhìn rất buồn, lặng lẽ về phận người, nhưng hoàn toàn không có sự xuất hiện của nước mắt. Cái "nóng", cái xúc cảm trong tác phẩm chính là sự thể hiện tương phản về cảnh trí, tính cách nhân vật: sự phồn hoa, phức tạp của Sài thành - nắng gió khô hanh, đời sống nghèo khó của miền Trung; người nghèo - người giàu; người bần cùng, tha hóa - kẻ bần cùng, cam chịu; sự mất mát của Mai - cuộc sống được thay đổi của gia đình cô ở quê nhà... Sự tương quan đan xen ấy diễn ra liên tục, khơi gợi quan điểm và xúc cảm một cách chân thực, khách quan.
Âm nhạc của Quốc Trung chọn lựa với những khúc hát ru mộc mạc, điểm xuyết vào câu chuyện thật đắt. Sau Đời cát, Hồng Ánh lại vào vai phụ, lại có duyên với nắng gió miền Trung, với những mảnh đời bươn chải, nhưng lần này cô mang nhân dạng khác, nỗi buồn khác... Lan Hà, cô diễn viên nhí tám năm về trước (cũng trong Đời cát), đã kịp lớn lên để thành Mai khá rắn rỏi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận