Phóng to |
Từ mùa bóng 2013 trở đi, CLB đoạt chức vô địch V-League sẽ nhận được nhiều hơn 3 tỉ đồng từ BTC và VPF - Ảnh: Dương Minh |
|
* 8 tỉ đồng cho ngôi vô địch. Một con số khá hấp dẫn. Nhưng e rằng không dễ để CLB có thể sở hữu trọn vẹn ngần ấy tiền thưởng?
- Chính xác. Trong phiên họp tổng kết V-League vào ngày 6-10, VPF sẽ trình làng những tiêu chí để các đội bóng có thể nhận được khoản hỗ trợ từ VPF. Nào chỉ đội vô địch, ngay cả đội rớt hạng cũng nhận được hỗ trợ của VPF. Mọi cuộc chơi đều có luật riêng. Ai vi phạm sẽ bị trừ tiền. Càng bị phạt nhiều thì đến cuối giải CLB ấy sẽ không nhận đủ khoản hỗ trợ mà VPF đặt ra cho từng thứ hạng trong giải của CLB đó. Chúng tôi sẽ làm mạnh tay để thiết lập trật tự kỷ cương, đưa bóng đá đẹp đến nhiều hơn với công chúng.
* Ông có thể nói cụ thể hơn về khoản hỗ trợ đó?
- Từ mùa bóng 2013 trở đi, tất cả đội bóng đều phải đóng tiền dự giải. Lâu nay chúng ta không thực thi việc này nên mất khoản thu không nhỏ. Tôi đơn cử thế này: CLB dự V-League phải đóng lệ phí 500 triệu đồng. Chẳng may rớt hạng, mỗi đội sẽ được hỗ trợ 1,2 tỉ đồng. Có thể xem đó là chút an ủi khi phải chia tay V-League. Đôi ba năm tới, khoản tiền hỗ trợ này sẽ được nâng lên rất cao.
* Thông tin này khá hấp dẫn. Ông có thể hé lộ đôi chút?
- Trong thời gian vừa qua, với tư cách đứng đầu VPF, tôi đã có nhiều cuộc làm việc với các thương hiệu nổi tiếng hàng đầu thế giới qua việc đặt vấn đề tài trợ bóng đá Việt Nam. Chưa thể nói trước điều gì khi mọi chuyện mới dừng lại với việc tìm hiểu lẫn nhau. Nhưng nếu “thuận buồm xuôi gió”, bóng đá Việt Nam sẽ nhận được tài trợ rất nhiều. Khi ấy, không loại trừ mức hỗ trợ cho đội vô địch V-League sẽ lên đến 30 hay 50 tỉ đồng.
Phóng to |
Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng - Ảnh: S.H. |
* Ông có ước tính mùa bóng 2013 VPF sẽ chi hỗ trợ các đội dự giải hạng nhất và V-League bao nhiêu tiền?
- Khi thành lập VPF, chúng tôi thống nhất tiền thu được từ bóng đá sẽ dành hết cho bóng đá. Không ai trong VPF được phép trục lợi. Ngoài việc chi hỗ trợ cho 28 CLB ở hai giải bóng đá hàng đầu quốc gia dự kiến lên đến 30 tỉ đồng, VPF còn dành ra khoản kinh phí đáng kể để hỗ trợ các đội tuyển từ trẻ đến đỉnh cao, cả nam lẫn nữ.
* Khoản tiền thu được sau mỗi mùa giải, VPF sẽ chi dùng ra sao, thưa ông?
- Sau khi sử dụng đúng mục đích cho các khoản chi, tiền còn lại chúng tôi đưa vào quỹ dự phòng. Làm bóng đá hay bất kỳ ngành nghề nào cũng cần phải có quỹ dự phòng để sử dụng khi “trái gió trở trời”. Biết đâu lúc nào đó không kêu gọi được tài trợ thì quả bóng V-League vẫn lăn dài vào mỗi cuối tuần với kinh phí lấy ra từ quỹ dự phòng ấy.
* Cơn bão” tài chính đang càn quét qua nhiều CLB. Việc nợ lương, thưởng gần như CLB nào cũng gặp phải. Hỏi thật ông nếu không vượt qua được “cơn bão” tài chính, nhiều đội sẽ lẳng lặng rút lui, vậy V-League sẽ ra sao?
- Chúng tôi đã lường trước nhiều khó khăn từ các CLB nên thống nhất trong VPF - cũng như với Tổng cục TDTT và VFF - rằng còn bao nhiêu CLB thì "chơi" bấy nhiêu. Tùy số lượng đội đăng ký dự giải sẽ có hình thức tổ chức tương ứng. Tóm lại, quả bóng vẫn phải lăn đúng lịch trình trong năm 2013. Nếu lùi thời gian tổ chức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chuẩn bị của đội tuyển Việt Nam (dự vòng loại Asian Cup), đội tuyển U-23 Việt Nam (chuẩn bị co SEA Games 27 tại Myanmar).
* Theo ông, liệu rồi sẽ đến lúc V-League diễn ra với toàn là cầu thủ trong nước hay không?
- Mọi chuyện đều có thể xảy ra. Quyền quyết định tùy thuộc khả năng tài chính của các ông bầu, các nhà tài trợ cho CLB. Anh muốn có ngoại binh mà túi tiền không cho phép thì đành chịu thiệt thòi. Và nếu như anh có hệ thống đào tạo cầu thủ trẻ, giỏi, xuất sắc thì can cớ gì không sử dụng lực lượng này để hạn chế việc “chảy máu” ngoại tệ qua việc lót tay, trả lương thưởng cao cho ngoại binh. Nhưng xu thế chung thì khó xảy ra việc CLB quay lưng với cầu thủ ngoại.
* Xin cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận