Phóng to |
Một góc vịnh Vân Phong |
Vân Phong nằm ở phần nhô ra biển nhất của bán đảo Đông Dương. Theo các nhà quy hoạch, đây là vị trí lý tưởng nhất của Việt Nam để hình thành một cảng chuyển hàng quốc tế của khu vực. Về vị trí địa lý, Vân Phong nằm ngay ngã ba của các tuyến đường hàng hải quốc tế giữa châu Âu, Bắc Mỹ, Úc và các nước vùng Bắc Á, và giữa khu vực Bắc Á và Nam Á. Tuyến đường hàng hải này chiếm hơn 50% tổng lượng hàng hóa lưu thông bằng đường biển của thế giới.
Hơn nữa, do có nhiều núi quây xung quanh nên vịnh Vân Phong khá kín gió, luồng hàng hải vào vịnh rộng tới 6 ki-lô-mét và sâu trên 32 mét nên thích hợp cho các loại tàu lớn ra vào vịnh để tránh bão và xếp dỡ hàng. Theo nghiên cứu sơ bộ của Bộ Giao thông Vận tải, trong vịnh Vân Phong có hàng chục ki-lô-mét bờ biển có mực nước sâu 22 - 30 mét, thích hợp cho việc xây dựng những cảng biển để đón những tàu hàng có trọng tải đến 200.000 tấn.
Từ năm 1996, Việt Nam đã bắt đầu khai thác dịch vụ trung chuyển dầu thô tại vịnh Vân Phong. Nhờ vị trí thuận lợi, nhiều hãng vận chuyển dầu thô nước ngoài đã chọn Vân Phong làm địa điểm để chuyển dầu thô từ những tàu lớn có trọng tải 100.000 - 150.000 tấn sang những tàu nhỏ hơn để chuyển đến các nước khác trong khu vực.
Ngoài ra, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đang triển khai dự án xây dựng ở Khánh Hòa một kho ngoại quan tồn trữ và phân phối xăng dầu có công suất tới một triệu mét khối.
Kết quả khá thành công của dịch vụ trung chuyển dầu thô tại Vân Phong trong những năm qua không có nghĩa là việc phát triển dịch vụ chuyển hàng container quốc tế tại đây sẽ thuận lợi. Theo một số chuyên gia của Bộ Giao thông Vận tải, Hong Kong, Singapore hiện đang là những trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn bằng đường biển của khu vực và đây là những đối thủ cạnh tranh chính mà Việt Nam phải tính đến. Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là làm cách nào để có thể thuyết phục các hãng tàu lớn chọn Việt Nam làm điểm trung chuyển, thay vì Hong Kong hoặc Singapore.
Tuy nhiên, điều các hãng tàu quan tâm nhất là vấn đề chi phí và tốc độ lưu chuyển hàng hóa. Nếu Việt Nam đưa ra được chính sách thông thoáng cho hoạt động dịch vụ trung chuyển hàng và giá cả hấp dẫn thì vẫn có thể cạnh tranh được.
Ngoài ra, Việt Nam có thể thu hút nguồn hàng trung chuyển thông qua việc khuyến khích các tập đoàn hàng hải quốc tế vào đầu tư xây dựng cảng tại Vân Phong. Muốn vậy, Việt Nam phải dành cho nhà đầu tư những chính sách ưu đãi đặc biệt.
Tất nhiên làm được việc này không dễ, vì không phải cứ muốn trung chuyển qua Vân Phong là được mà còn phụ thuộc vào thị trường Việt Nam có đủ số container cần thiết cho mỗi chuyến hải hành của những chiếc tàu lớn hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận