Phóng to |
Hai cha con luôn bên nhau |
Suốt 27 năm nay, lúc nào cô con gái cũng phải nhờ cha bồng bế, thế mà thoắt cái giờ cô đã tốt nghiệp phổ thông. Tóc bạc, mắt mờ, nhiều khi bế con leo lên gác không nổi, song người cha 68 tuổi ấy vẫn không nguôi hy vọng rằng có ngày nhìn thấy con mình có việc làm và nở nụ cười hạnh phúc.
Cô gái mãi ở tuổi lên 6
Con gái ông, cô Lê Thanh Hằng, năm nay 27 tuổi, gương mặt trưởng thành, nhưng thân hình trông nhỏ xíu cứ như bé gái lên sáu, cân nặng chưa đến 30 kg. Mẹ Hằng cho biết, khi sinh ra, cô bé có vẻ mặt xinh xắn, kháu khỉnh, trông bình thường như bao trẻ khác. Thế rồi đến lúc 10-11 tháng, chân tay Hằng rũ xuống, sưng vù, co giật, đau nhức. Và cô bé chỉ biết khóc, mắt mở trừng trừng suốt đêm. Sau đó, đôi chân bé bị bại hẳn.
Vậy là tuổi thơ của Hằng trải qua hết ở bệnh viện này đến bệnh viện khác. Món quà thiết thực nhất của cô bé ngay từ thuở ấu thơ có lẽ là đủ thứ thuốc giảm đau, chứ không phải những viên kẹo ngọt.
Lớn lên một chút, Hằng nhìn bạn bè chạy nhảy, vui chơi mà không khỏi khóc thầm. Cô không bao giờ muốn nghĩ đến tương lai. Hằng không thể tự làm bất cứ một việc gì, kể cả tự vệ sinh. Làm gì cũng phải có bố hoặc mẹ ẵm. Gia cảnh ngày càng trở nên nghèo khó, bởi gánh nặng bệnh tật của Hằng. Mãi sau này, mới biết Hằng bị nhiễm chất độc da cam, bởi bố mẹ cô đều phục vụ trong quân đội, đặc biệt, bố Hằng từng là bộ đội vận chuyển xăng dầu ở Trường Sơn trong giai đoạn bom Mỹ bắn phá ác liệt.
Năm Hằng đến tuổi đi học, có đợt vận động con em đến trường. Khi được hỏi có thích đi học không, Hằng gật đầu, mắt rực sáng. Người bố suy nghĩ mấy đêm liền. “Mình có đứa con tội quá”. Kể đến đây, ông nghẹn ngào, mắt rơm rớm. Thế rồi, ông quyết đưa con đến trường, ngày nắng cũng như mưa bão; lúc bế, lúc đèo trên xe đạp. Mỗi buổi tan trường lại đón con về.
Ở lớp, Hằng tập thói quen không đi vệ sinh, để không làm phiền bạn bè. Suốt mấy năm trời học tiểu học, Hằng đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cô bé giỏi đều các môn. Nhưng rồi cơn đau bộc phát, cô lại phải nghỉ học. Sau đó, gia đình chuyển vào Sài Gòn.
Thời tiết trong Nam nắng ấm, khiến Hằng đỡ đau nhức mỗi khi trở trời. Cô bé lại vào học trường Nguyễn Thái Bình ở quận Tân Bình. Bố đăng ký cho Hằng học lại lớp 3. Hằng sáng dạ, học giỏi, thầy cô khen ngợi. Nhưng Hằng không hề kể về việc đến lớp, cô bé có bị bạn bè trêu chọc hay nói những câu làm cô buồn lòng hay không. Tất cả được giấu kín, vì cô không muốn bố mẹ bận lòng thêm nữa. Bao nhiêu năm qua, với cô bé, dường như đi học chính là niềm vui lớn nhất, là một sự tồn tại có ý nghĩa nhất để vượt qua những lúc yếu mềm nhất, chấp nhận nhưng không đầu hàng số phận.
Suốt mấy năm học cấp 2, Hằng đều là học sinh giỏi của lớp. Sang cấp 3, cô chuyển sang học vào ban đêm, Trung tâm giáo dục thường xuyên ở quận 1. Cô tốt nghiệp THPT với số điểm 35/60. Hằng ước mơ lên học đại học, Cũng có thầy giáo nhận cô vào trường công nghệ thông tin, nhưng vì bố cô nay đã yếu, không đủ sức đưa con gái đến trường, nên Hằng đành ở nhà, chủ nhật mới đi học lớp cắm hoa do Thế giới hoa tươi tổ chức.
“Em hy vọng mình có nghề mới, rồi phụ ba mẹ bán hoa. Ước mơ của em là có một chiếc xe lăn có tay gas dành cho người tàn tật, để em có thể di chuyển được”. Cô cất giọng Bắc nhỏ nhẹ. Hằng có một giọng nói thanh tao, dịu dàng và trong sáng. Nếu chỉ nghe giọng nói ấy, thể nào người cứng cỏi mấy cũng phải mềm lòng.
Chị Thùy Vũ - Giám đốc Công ty Thế giới hoa tươi - cho biết: “Khi mở lớp học miễn phí cho trẻ làng SOS TP.HCM và làng Hoà Bình - Bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi chọn rất nhiều, mới tìm được 10 em có năng khiếu. Và Hằng là một trong số những em đầu óc sáng dạ, học mau hiểu, chỉ có điều Hằng khó chủ động lấy nguyên vật liệu. Những khi cần, em đều phải nhờ bố giúp. Em hồn nhiên bảo, sau này, có bố mẹ phụ, em sẽ mở shop bán hoa tại nhà. Nghe em nói như vậy, tôi rất xúc động và chỉ muốn làm gì đó cho Hằng”.
Người cha tuyệt vời
Phóng to |
Hằng học cắm hoa |
Trong ngôi nhà nhỏ của bố mẹ Hằng ở quận Tân Bình (TPHCM), một gian nhỏ thưng ra làm tiệm uốn tóc cho chị dâu, một góc mẹ bán tạp hoá. Góc phòng vừa đủ chỗ cho bố uống trà. Buổi sáng, bố bế Hằng xuống gác. Suốt ngày, Hằng ở dưới nhà, phụ mẹ buôn bán lặt vặt.
“Bạn” của Hằng là chiếc máy tính cũ do làng Hòa Bình gửi tặng. Cô luyện đánh máy để hy vọng có lúc nào đó nhận được văn bản, tài liệu về đánh thuê, rảnh thì lên mạng chat với bạn bè cũ thời học trung học. Đến tối, bố lại ẵm Hằng lên gác.
Hằng cũng có một phòng riêng. Nơi đó treo đủ những bức ảnh thời trẻ của bố mẹ, của cả nhà. Khi đó, Hằng ở một thế giới khác. Một thế giới nơi cô có thể tự bước đi, của những câu chuyện cảm động về khát vọng sống mà cô vẫn đọc hằng đêm, về những ước mơ nằm ở khoảng giữa tâm hồn của một cô bé và một thiếu nữ.
Khi nhìn cô bé ngồi trên ghế, với một dáng điệu không thể tả nên lời, người đối diện có một cảm giác kỳ lạ. Nghị lực sống tràn đầy trong ánh mắt sáng của Hằng. Tất cả đều nhỏ xíu, chỉ có giọng nói là đúng tuổi, và ánh mắt bình thản, chấp nhận mọi điều diễn ra trong thực tại một cách phi thường.
“Có những lúc bố chở em đi học, ra đường, bị xe máy đụng phải, hai bố con nằm lăn lóc hai nơi. Chiếc xe gây tai nạn chạy mất tiêu. May có người giúp bố đưa em lúc đó bất tỉnh vào viện. Mẹ cứ khóc mãi vì sợ em chết rồi”.
Hằng kể, mắt ngấn nước: “Bố con em cứ bị xe va quẹt suốt, riết cũng quen. Thời học cấp 1, bố ẵm em đến trường, học cấp 2, bố đèo bằng xe đạp, sau này mới có xe máy để chạy. Em ngồi trước xe, cứ thế hai bố con túc tắc đi học. Có những đêm mưa tầm tã, hai cha con bị ngập nước ướt sũng dắt xe về đến nhà. Cũng có những khi bạn bè về hết, mà sao mãi chưa thấy bố đến đón. Em đợi, đợi mãi trong đêm".
"Năm em học lớp 12, bố yếu quá, nhiều lúc không bế em lên tầng 4. Thế là trong lớp, cả bạn gái, lẫn bạn trai thay nhau cõng em lên. Trong nhà, anh em học hết lớp 10 rồi bỏ ngang, còn chị cả thì tốt nghiệp Đại học Kinh tế tài chính, hiện đang làm kế toán. Cả hai đều đã lập gia đình, lại có con cái, nên chỉ có bố mẹ mới có thời gian chăm sóc em thường xuyên”.
Ông Ánh - bố Hằng - nhớ lại: “Khi phục viên, tôi vẫn chưa biết mình bị nhiễm chất độc da cam. Đến khi tóc bạc trắng hết cả đầu, dù lúc ấy tôi chưa tới 50 tuổi, và rồi sinh cháu Hằng, mới phát hiện ra. Thời trước, tôi đi bộ đội từ năm 1963, là lính sư 308, nổi tiếng là sư thép, sau về Cục Xăng dầu Tổng cục Hậu cần, là lính vận chuyển xăng dầu, làm đường ống xuyên Trường Sơn. Đó là những năm ăn rừng ngủ rú, ở trong hang hốc, uống nước suối, sống giữa những khu rừng trụi lá. Lúc bé, cháu đau ốm thường xuyên, tôi cứ phải bồng cháu suốt đêm. Cứ có dịp là đưa cháu đi chữa ở các bệnh viện, nghe tên ông bác sĩ nào giỏi là đến".
"Sau một quá trình chữa trị tốn kém, họ đều lắc đầu. Giá mà họ nói trước thì còn đỡ. Sau này, có một đoàn bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ đến phường khám miễn phí cho trẻ bị nhiễm chất độc da cam. Họ khuyên tôi, nên cho cháu nhập học và sinh hoạt ở làng Hoà Bình năm 1996. Từ đó, ngày tôi đưa cháu vào làng, đêm đi học bổ túc. Chỉ mong sau này cháu có một cái nghề, để khi bố mẹ già rồi, không đủ sức chăm con nữa, thì cháu còn có thể tự nuôi mình...”.
Mỗi ngày, Hằng ăn rất ít. Buổi trưa chỉ là một thìa cơm, buổi tối lại chỉ góc chén nhỏ. Bà Thậm - mẹ Hằng khoe: “Hai tuần nay, cháu đã cắm được hai bó hoa mang về tặng bố mẹ. Cháu rất vui. Cắm hoa cũng rất khéo, được cô giáo khen”. Chia tay, mắt Hằng nằng nặng: “Em thương bố mẹ lắm”.
Người cha trìu mến nhìn con, dường như trong mắt ông, đứa con gái nhỏ xíu năm nào vẫn như một thiên thần bé bỏng, cho dù ông còn phải bao bọc cho đến lúc không thể còn bao bọc được nữa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận