20/06/2011 06:17 GMT+7

Ước mơ bình dị của những VĐV khuyết tật

TRUNG DÂN - QUANG VINH
TRUNG DÂN - QUANG VINH

TT - Sân Thống Nhất (TP.HCM) trưa 18-6 trời nắng như đổ lửa. Nhưng VĐV xe lăn thuộc đội tuyển người khuyết tật TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy vẫn miệt mài tập luyện trên sân, dù đây là giờ nghỉ để các VĐV khám sức khỏe chuẩn bị tham dự Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2011 (diễn ra từ ngày 1 đến 5-7 tại TP.HCM).

TT - Sân Thống Nhất (TP.HCM) trưa 18-6 trời nắng như đổ lửa. Nhưng VĐV xe lăn thuộc đội tuyển người khuyết tật TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy vẫn miệt mài tập luyện trên sân, dù đây là giờ nghỉ để các VĐV khám sức khỏe chuẩn bị tham dự Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc 2011 (diễn ra từ ngày 1 đến 5-7 tại TP.HCM).

Thúy tâm sự cô cố gắng tập luyện vào bất cứ thời gian nào với hi vọng sẽ đạt thành tích tốt tại giải sắp tới.

Bị bại liệt từ tuổi lên hai nhưng không đầu hàng số phận, cách nay bốn năm Thúy rời quê nhà Hòa Thành (Tây Ninh) xuống TP.HCM xin vào làm công nhân may cho Công ty cổ phần Việt Hưng (Q.12) với mức lương trên 2 triệu đồng/tháng.

Mới đây, theo sự động viên của bạn bè trong đội tuyển thể thao người khuyết tật TP.HCM, Thúy dồn hết số tiền dành dụm được để tự trang bị cho mình một “con ngựa sắt” - tập luyện thêm môn thể thao xe lăn. Đối với người bình thường, số tiền 8 triệu đồng mua một chiếc xe có khi không lớn lắm, nhưng với Thúy đó là một gia sản.

Đưa tay lau giọt mồ hôi giữa cái nắng gay gắt, cô gái có gương mặt xinh xắn này cho biết: “Hi vọng tại giải đấu sắp tới tôi sẽ giành được một tấm huy chương để bù đắp lại những tháng ngày tập luyện vất vả.”

Tương tự tâm trạng của Thúy, những ngày này các VĐV khuyết tật bơi lội TP Cần Thơ cũng khẩn trương tập luyện để cố gắng giành huy chương. Sáng 18-6, tại hồ bơi Hùng Quân (P.An Bình, TP Cần Thơ), chúng tôi chứng kiến cảnh bốn tay đua đến từ các miền quê đồng bằng sông Cửu Long gồm: Nguyễn Tấn Đạt, Nguyễn Chí Toàn, Nguyễn Tấn Hòa và Nguyễn Công Thành đang miệt mài tập bơi.

Bốn tay đua này đều xuất thân từ những gia đình nghèo khó, hiện đang làm việc trong xưởng mỹ nghệ của Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ. Kình ngư Nguyễn Chí Toàn (33 tuổi, bị liệt hai chân từ nhỏ) đến từ Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: “Trước đây tôi đã ba lần tham dự giải và từng đoạt HCV tiếp sức môn bơi tự do. Hi vọng ở giải này sẽ tiếp tục đoạt giải để kiếm tiền thưởng trang trải cuộc sống gia đình”

Được biết, những VĐV giành huy chương tại Giải thể thao người khuyết tật toàn quốc chỉ nhận được tiền thưởng từ địa phương họ đầu quân chứ không có tiền thưởng từ ban tổ chức (BTC). Lý do là trung bình mỗi giải BTC trao đến 1.500 tấm huy chương các loại nên không thể tìm đâu ra nguồn kinh phí. Vì thế sau khi kết thúc mỗi giải đấu, các VĐV thắng giải ngoài chiếc huy chương trong tay thường không nhận được bất kỳ phần thưởng nào khác từ BTC.

Tâm sự với chúng tôi, nhiều VĐV cho biết đã khá lâu rồi Đại hội thể thao khuyết tật toàn quốc mới quay lại TP.HCM, nên họ muốn có một món quà lưu niệm nhỏ từ BTC nếu thắng giải để lưu giữ sau lần được dự giải lớn nhất quốc gia. Tuy nhiên đi kèm 1.500 tấm huy chương, 1.500 món quà lưu niệm là điều không dễ làm đối với những nhà tổ chức.

Ông Phạm Ngọc Sơn - giám đốc Trung tâm Văn hóa - thể thao quận Tân Bình, đồng thời là thành viên BTC giải - cho biết: “Khả năng của chúng tôi chỉ có thể lo được một buổi tiệc chia tay cho khoảng 1.000 người. Còn những mục khác như trao thêm quà lưu niệm, tặng quà người chiến thắng... chắc phải nhờ đến sự hỗ trợ của các mạnh thường quân và những nhà hảo tâm khác”.

Hi vọng ở giải năm nay, những nhà tổ chức sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn của xã hội bởi trong thể thao, đặc biệt là với thể thao người khuyết tật, đôi khi kết quả thắng thua không quan trọng mà trên hết là những tấm lòng sẻ chia...

TRUNG DÂN - QUANG VINH

TRUNG DÂN - QUANG VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên