Từ những năm 70 của thế kỷ trước, lần đầu tiên khái niệm "telemedicine" được dùng nhằm mô tả việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh từ xa thông qua ứng dụng công nghệ thông tin. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở đây bao gồm chẩn đoán, điều trị, cung cấp thuốc men, tư vấn, dự phòng và phục hồi, bảo hiểm y tế, giảng dạy và nghiên cứu.
Tại Việt Nam, vào khoảng cuối những năm 90 thế kỷ trước, công nghệ telemedicine lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam trong khuôn khổ một dự án hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ. Cụ thể, vào tháng 12-1998, bác sĩ người Mỹ Michael Ricci tại Washington, Mỹ đã tiến hành khám cho một người bệnh ở Việt Nam thông qua hệ thống đường truyền ISDN. Đây cũng là lần đầu tiên các bác sĩ và sinh viên của 3 bệnh viện trung ương ở Hà Nội và ĐH Y Hà Nội được tiếp cận công nghệ chăm sóc sức khỏe tiên tiến có ứng dụng khoa học hiện đại.
Ứng dụng công nghệ Telemedicine trong điều trị ung thư - ẢNH: BVCC
Telemedicine ngày càng phổ biến
Tại Mỹ, một trong những bệnh viện hàng đầu là bệnh viện Johns Hopkins hiện đã sử dụng telemedicine trong các phòng cấp cứu của họ để khám cho các bệnh nhân có các nhu cầu điều trị ít cấp bách hơn, vì thế họ sẽ không bị thiếu nhân viên y tế cho những ca cấp bách hơn, và cũng không phải bắt người bệnh phải đợi lâu hơn để được chăm sóc.
Hệ thống phòng mổ OR1 tích hợp công nghệ telemedicine tại bệnh viên Quốc tế Mỹ AIH (Quận 2, TP.HCM) - ẢNH: BVCC
Theo ông Antony Rosen, phó trưởng khoa nghiên cứu của trường y khoa ĐH Johns Hopkins, những năm qua bệnh viện Johns Hopkins đã có thể nâng cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh đáng kể thông qua các sáng kiến về telemedicine và khoa học chính xác. Theo ông Antony Rosen, với những tiến bộ khoa học công nghệ như vũ bão hiện nay, giới khoa học y khoa như ông đang có cơ hội tái hình dung và tái sáng tạo y học trong thế kỷ này tương tự như những gì nó từng được sáng tạo khoảng 125 năm trước.
"Telemedicine mang chúng ta lại gần nhau hơn", ông Nicholas Maragakis, giám đốc Trung tâm ALS về phương pháp trị liệu tế bào và nghiên cứu tái sinh, nhận định.
Với các bệnh nhân của trung tâm ALS, ông Maragakis cho biết việc dùng telemedicine giúp các bác sĩ có thể "tới" tận nhà họ, tránh được nhiều giờ đáng lẽ phải tiêu tốn cho việc di chuyển trên đường và cũng giảm bớt khó khăn cho thân nhân nếu phải đưa người bệnh tới viện.
"Tôi đã thăm khám một người bệnh sống ở bang Maryland thông qua công nghệ video và chúng tôi cũng đã yêu cầu con gái ông ấy đang sống tại thành phố New York tham gia việc này", ông Maragakis nói. Trước đó trong buổi sáng, ông cũng đã liên lạc với một người bệnh từ Cộng hòa Dominica bằng telemedicine.
Giống như John Hopkins, công ty Dignity Health International, đơn vị cung cấp dịch vụ y tế điều hành một loạt bệnh viện tại 3 bang Arizona, California và Nevada cũng bắt đầu sử dụng telemedicine từ năm 2008.
Đó là khi họ sử dụng công nghệ này để chẩn đoán các bệnh nhân nghi bị đột quỵ, một biến cố sức khỏe mà mỗi phút đều trở nên vô cùng quý giá để ngăn chặn tình trạng tổn thương não nghiêm trọng.
Nhà cung cấp dịch vụ y tế có trụ sở tại thành phố San Francisco hiện cũng đã sử dụng các robot telemedicine trong các phòng cấp cứu và các phòng chăm sóc tích cực tại khoảng 20 bệnh viện ở California, giúp các nơi này có điều kiện tiếp cận các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như thần kinh học, tim mạch, sơ sinh, nhi khoa về sức khỏe tâm thần.
"Bất kể người bệnh ở đâu, chúng tôi vẫn có thể có mặt bên giường họ trong vài phút" bác sĩ Alan Shatzel của bệnh viện nói. "Theo đúng nghĩa đen, chúng tôi có nén lại thời gian và không gian với công nghệ này. Khoảng cách không còn ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận tới dịch vụ chăm sóc tốt nhất có thể của người bệnh nữa", ông nói.
Telemedicine trong điều trị ung thư
Theo các giai đoạn tiến triển của bệnh ung thư, tình trạng sức khỏe của người bệnh nhiều khi khiến việc phải đi tới phòng khám là điều rất mệt mỏi. Do đó, việc ứng dụng telemedicine ở những giai đoạn điều trị phù hợp sẽ giảm bớt đáng kể sức ép cả về tâm lý lẫn thể chất, thậm chí là tiền bạc cho họ.
Chẳng hạn tại bang Ohio, việc ứng dụng telemedicine trong chăm sóc bệnh nhân ung thư vú đã giúp những người bệnh giảm được một nửa số cuộc hẹn gặp bác sĩ đáng lẽ họ phải tới. Theo tạp chí The Lancet, từ năm 2001 Ấn Độ đã ứng dụng telemedicine vào điều trị ung thư tại Trung tâm Ung thư khu vực (RCC) của bang Kerala với hi vọng giảm ít nhất 30% số lượt tới viện khám của người bệnh tại các bệnh viện chữa trị ung thư của Ấn Độ.
Mặc dù việc hội chẩn qua video vẫn chưa tiến bộ tới mức có thể sử dụng để tiến hành các tầm soát sớm thiết yếu về ung thư vú nhưng vẫn có thể sử dụng phương pháp này kết hợp với các đơn vị chụp nhũ ảnh lưu động để tăng thêm số phụ nữ được khám vú.
Sau khi một phụ nữ được khám tầm soát, phần chẩn bệnh tiếp theo của họ có thể được thực hiện thông qua cuộc gọi video. Điều này khiến quá trình thăm khám trở nên dễ dàng hơn. Cùng với địa chỉ và số điện thoại, người bệnh có thể chia sẻ tài khoản Skype để có thể nhận kết quả trực tiếp trên mạng mà không phải tới gặp bác sĩ riêng hay bệnh viện.
Bệnh viện Johns Hopkins là bệnh viện đứng thứ 6 về chất lượng điều trị ung thư ở Mỹ trong bảng xếp hạng 100 bệnh viện có chương trình chăm sóc, điều trị người bệnh ung thư tốt nhất năm 2018 do tạp chí News & World Report bình chọn. Trung tâm ung thư toàn diện Sidney Kimmel tại bệnh viện này được thành lập năm 1973 và là nơi có nhiều chuyên khoa chuyên ngành giúp người bệnh được tiếp cận với một vài trong số những liệu pháp điều trị ung thư tân tiến và hiện đại nhất thế giới. Với việc triển khai rộng rãi telemedicine, số bệnh nhân ung thư được tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh với tiêu chuẩn tương đương Mỹ chắc chắn sẽ ngày càng tăng.
Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH đã có quan hệ hợp tác telemedicine với các hệ thống y tế hàng đầu nước Mỹ như Johns Hopkins Medicine International - ẢNH: BVCC
Kết nối tiêu chuẩn y khoa Mỹ với người Việt
Hiện tại, Bệnh viện Quốc tế Mỹ AIH (199 Nguyễn Hoàng, Quận 2, TP.HCM) đã có quan hệ hợp tác telemedicine với các bệnh viện lớn của Mỹ là Johns Hopkins International và Dignity Health International trong hoạt động chăm sóc y tế và đào tạo lâm sàng.
Một trong những lĩnh vực hợp tác điều trị đáng chú ý giữa AIH và 2 bệnh viện lớn của Mỹ vừa nêu là điều trị ung thư, đây cũng chính là thế mạnh chuyên môn và công nghệ của Johns Hopkins International và Dignity Health International.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận