Cảnh trong phim Soy Cuba - Ảnh: Alociné |
Soy Cuba (Tôi là Cuba) sản xuất năm 1964 là tác phẩm của đạo diễn Mikhail Kalatozov và quay phim Sergey Urusevsky - bộ đôi từng đoạt giải Cành cọ vàng ở Cannes 1958 và giải hình ảnh của tiểu ban kỹ thuật với phim Ðàn sếu bay.
Căn cứ trên kịch bản của nhà văn Cuba Enrique Pineda Barnet và nhà thơ Nga Evgueny Evtushenko, Soy Cuba cũng là sản phẩm hợp tác đầu tiên giữa Hãng Mosfilm (Liên Xô) và Viện Nghệ thuật - công nghệ điện ảnh Cuba.
1 Soy Cuba đầu tiên là phim nhà nước đặt hàng nhằm ca ngợi thắng lợi cách mạng và chế độ Cuba mới, nhưng đề án vấp trục trặc ngay từ... kịch bản: Sau thời gian sống tại Cuba với tư cách đặc phái viên báo Pravda, Evtushenko không còn sự hồ hởi ban đầu với chính quyền và cảm nhận người Cuba không mấy thiện cảm người Nga, đổ vạ các khó khăn cuộc sống của họ trên đầu nước bạn Xô viết. Kalatozov và các biên kịch quyết định chuyển hướng chủ đề phim, thay vì Cuba của chế độ cách mạng, bộ phim sẽ ca ngợi khát vọng tự do, độc lập của người Cuba trong thời kỳ sau cuối của chế độ Batista độc tài, lệ thuộc Mỹ.
Thành phẩm dĩ nhiên không đúng chờ đợi của lãnh đạo văn hóa cả hai nước, sau buổi công chiếu đầu tiên và duy nhất tại Matxcơva, phim bị cất đi, chỉ dùng làm tư liệu tham khảo.
Ðó là lý do chúng tôi không được biết nhiều về tác phẩm được làm nên bởi một đạo diễn tài năng, và ngôn ngữ điện ảnh trong nó còn diệu ảo hơn Ðàn sếu bay mà khi đó được xem là giáo trình kinh điển của trường điện ảnh.
Do không hiểu khúc mắc nội dung, nên tôi và đồng môn không biết mình may mắn được xem Soy Cuba khá sớm, trong khi phải đến 30 năm sau phim mới được thế giới phát hiện: Bị xếp là phim tuyên truyền, Soy Cuba bị cấm chiếu suốt thời gian chiến tranh lạnh tại Hoa Kỳ, chỉ ra mắt lần đầu năm 1992 tại Liên hoan phim Telluride (Mỹ).
Một chiến dịch khôi phục giá trị phim của các nhà điện ảnh Hollywood, mà tiên phong là hai đạo diễn lớn Martin Scorsese và Francis Ford Coppola đã giúp Soy Cuba phát hành quốc tế năm 1995. Ngày nay, khi phim được công chiếu rộng rãi (phim cũng đã chiếu tại Việt Nam vào năm 2011), giới làm phim và phê bình đều đánh giá Soy Cuba xứng đáng là tác phẩm hàng đầu của điện ảnh thế giới, như Martin Scorsese từng tuyên bố: “Nếu phim được chiếu từ năm 1964 thì bộ mặt của điện ảnh thế giới đã thay đổi”.
2 Soy Cuba bao gồm bốn câu chuyện tách biệt, được nối kết bằng giọng nữ (diễn viên Raquel Revuelta) ngân nga các đoạn thơ của Evtushenko, với điệp khúc “Soy Cuba!”, “Soy Cuba!” truyền cảm. Ðó là câu chuyện của Maria - gái nhảy hộp đêm Tropicana dẫn khách Mỹ mua vui về nhà để kiếm thêm tiền, bị chồng chưa cưới phát hiện.
Tiếp theo là câu chuyện của tá điền Pedro, tự đốt cháy ruộng mía và nơi cư trú khi biết mảnh đất mình đang thuê đã vào tay một công ty Mỹ. Rồi chuyện của Enrique - sinh viên cầm đầu biểu tình - bị giết chết bởi chính tên chỉ huy cảnh sát mà anh từ chối ám sát.
Kết phim là câu chuyện của Mariano - người nông dân vùng núi Sierra Maestra - gia nhập kháng chiến sau khi không quân Batista oanh tạc nông trại của ông hòng truy bắt Fidel Castro. Một số du kích bị bắt giữ. Khi bị địch tra hỏi: “Fidel ở đâu?”, mỗi người đều đáp: “Tôi là Fidel!” một cách kiêu hùng.
3 Từ một đề án phim tuyên truyền chính trị, Kalatozov và Urusevsky đã làm ra kiệt tác ngôn ngữ điện ảnh. Như cú sốc thị giác, xem Soy Cuba khó thể không sững sờ trước những tìm tòi nghệ thuật, trong đó đối thoại bị hạn chế tối thiểu, nhường chỗ cho bố cục và vận động của khung hình.
Quay toàn bộ bằng ống kính góc rộng - như trong Ðàn sếu bay nhưng tinh luyện hơn - bộ phim tìm được định dạng thích đáng với tính sử thi mà các tác giả mong muốn. Phim chỉ hai màu trắng - đen, nhưng là những trắng - đen tương phản, sáng chói; vẽ nên bức tranh thiên nhiên Cuba nên thơ mà dũng mãnh, óng ánh mà dung dị, sống động mà khoan hòa...
Cảnh gây ấn tượng nhất là cảnh đồng mía nhà Pedro bị cháy, trong đó động tác máy và ánh sáng tạo ra xúc cảm ma mị.
Máy quay của Sergey Urusevsky luôn chuyển động và 10 năm trước khi có steadicam, nhà quay phim đã cầm tay chiếc máy nặng hàng chục ký để thực hiện những hiệu quả phi thường, mê hoặc như cảnh mở đầu phim, các động tác múa may ngây ngất trên sàn nhảy hộp đêm...
Phần lớn bộ phim được xây dựng trên những cảnh - trường đoạn (plan séquence) kỳ ảo. Như cảnh ở khách sạn Tropicana với cú máy từ dàn nhạc trên sân thượng “đi” dần xuống tầng gác lửng, “lặn” luôn xuống nước của hồ bơi!
Hay cảnh đám tang của Enrique khi máy quay từ mặt đường ngập người biểu tình đi theo quan tài, “bay” vút lên sân thượng của một tòa nhà, “băng” ngang con dường trên không, “nhào” sang sân thượng của tòa nhà khác, “xuyên” xưởng xì gà, “lao” ra, “lướt” trên đoàn tuần hành theo sau quan tài phủ cờ Cuba...
Ðó là những cú máy kinh diệu khó phân tường biên thuật mà các kỹ xảo hôm nay cũng chỉ làm được đến thế, nhưng thiếu hồn vía hơn.
Không phải vô cớ Martin Scorsese tuyên bố bộ mặt của điện ảnh thế giới đã thay đổi nếu Soy Cuba được trình chiếu sớm. Trong mắt Martin Scorsese, Soy Cuba, với một phong cách thẩm mỹ đáng kinh ngạc, là bài học điện ảnh, hơn thế “cho ta lòng tin vào điện ảnh”.
Bất luận mọi uẩn khúc sáng tác, Soy Cuba đã làm được điều không phải định hướng ý chí nào cũng làm được: khiến người xem dạt dào yêu đất nước Cuba...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận