19/07/2006 20:03 GMT+7

Tuyệt chủng động thực vật: Báo động những thảm họa đối với con người

Theo Sức khỏe & đời sống
Theo Sức khỏe & đời sống

Cứ 20 phút lại có một loài động vật hay thực vật nào đó bị tuyệt chủng và 50 năm trở lại đây, tốc độ tuyệt chủng đã tăng nhanh gấp 40 lần so với thời kỳ cách mạng công nghiệp. Hành tinh của chúng ta đang bước vào giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6.

1Pj3gjRa.jpgPhóng to
Gấu trúc, loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng
Cứ 20 phút lại có một loài động vật hay thực vật nào đó bị tuyệt chủng và 50 năm trở lại đây, tốc độ tuyệt chủng đã tăng nhanh gấp 40 lần so với thời kỳ cách mạng công nghiệp. Hành tinh của chúng ta đang bước vào giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6.

Những ghi nhận trong quá khứ

Lịch sử địa chất trái đất từng ghi nhận 5 đợt tuyệt chủng hàng loạt (TCHL), trong đó phải kể đến đợt tuyệt chủng lớn nhất kết thúc vào kỷ Permi, cách đây 250 triệu năm. Nó đã tuyệt diệt 90% các loài sinh vật biển và 75% các loài động, thực vật trên cạn, để lại một châu Âu gần như... không còn sự sống.

Các đợt tuyệt chủng hàng loạt khác xảy ra vào các kỷ Cambri, Triat, Creta, Tertiary... của thời tiền sử đã “xóa sổ” nhiều loài động vật mà ngày nay chúng chỉ được biết đến qua tên và những hóa thạch như khủng long siêu bộ, khủng long có cánh, voi ma mút, thằn lằn rùa cổ rắn, thằn lằn cá...

Lần đầu tiên con người góp phần tạo ra một đợt tuyệt chủng có tính chất toàn cầu là vào khoảng 15.000 - 25.000 năm trước. Qua săn bắn, con người đã tuyệt diệt gần 86% giống thú lớn hơn 44kg ở 3 lục địa: Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Australia.

Năm 1600, trên toàn thế giới đã ghi nhận sự tuyệt chủng của 700 động vật có xương sống, không xương sống và thực vật có mạch.

Từ năm 1600 đến nay, thêm khoảng 21% các loài động vật và 1,3% các loài chim trên thế giới đã bị tuyệt chủng.

Cần lưu ý rằng những con số ghi nhận được về sự tuyệt chủng nhỏ hơn nhiều so với thực tế và cũng nhỏ hơn rất nhiều so với dự đoán trong những thập kỷ tới.

Theo thống kê của các tổ chức quốc tế nghiên cứu về môi trường, những loài sinh vật hiện có trên trái đất chỉ còn chiếm 2% so với khi sự sống xuất hiện, tức là 98% các loài sinh vật đã bị tuyệt chủng qua các thời kỳ.

Tác động của con người

Nguyên nhân của những đợt TCHL là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Nhưng rõ ràng từ hàng nghìn năm trước, con người đã gây những biến đổi sinh cảnh quan trọng, làm ảnh hưởng rất lớn đến các loài động, thực vật.

Từ ít nhất 50.000 năm trước, những vụ cháy có chủ ý đã xảy ra ở các thảo nguyên châu Phi. Cách đây 5.000 năm ở châu Âu và khoảng 4.000 năm ở Bắc Mỹ, việc phá rừng và biến đổi các vùng đất tự nhiên thành bãi chăn gia súc đã xuất hiện phổ biến, tạo điều kiện cho các loài cỏ dại và động vật ăn cỏ mở rộng phạm vi cư trú, gây ra sự tuyệt chủng của hàng loạt các loài bản địa.

Theo quy luật tự nhiên, loài này mất đi thì sẽ có loài khác hình thành và tốc độ hình thành loài thường ngang bằng hoặc hơn tốc độ tuyệt chủng để thế giới tự nhiên luôn cân bằng và tiến hóa. Vậy tại sao lại có những đợt TCHL?

Thời tiền sử, chủ yếu là các thảm họa từ thiên nhiên gây ra sự tuyệt chủng. Ngày nay, các nhà nghiên cứu cho rằng hơn 99% những sự tuyệt chủng là do loài người - một loài luôn muốn khẳng định sự bá chủ của mình đối với muôn loài. Việc con người khai thác bừa bãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên như săn bắn vô tội vạ, phá rừng bừa bãi, sử dụng quá mức đất đai canh tác, làm ô nhiễm mặt nước, làm khô cạn ao hồ rồi các cuộc chiến tranh tàn khốc... đang hủy hoại môi trường. Các hoạt động du lịch thiếu bền vững, xây dựng, thăm dò và khai thác thiếu quy hoạch, các hoạt động công nghiệp đã tạo ra các nguồn khí thải độc hại làm cho khí hậu nóng lên, tạo ra những lỗ hổng ở tầng ôzôn... đe dọa trực tiếp đến sự sống trên trái đất.

Để đối phó với nguy cơ mất cân bằng sinh thái trên trái đất và ngăn chặn nguy cơ TCHL của các loài, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của mỗi con người, mỗi quốc gia. Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các đạo luật về bảo vệ các loài và môi trường sinh thái. Hiện nay, Công ước quốc tế về buôn bán các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) đã được ban hành nhằm kiểm soát và quan trắc việc buôn bán các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Vài lời cảnh báo

Các nhà nghiên cứu cho rằng hành tinh của chúng ta đang bước vào giai đoạn TCHL lần thứ 6.

Hiện tại các loài đang bị tuyệt chủng với tốc độ vượt xa nhiều lần tốc độ hình thành loài, nhanh nhất kể từ trước đến nay và không theo bất kỳ một quy luật nào. Cứ 20 phút lại có một loài động vật hay thực vật nào đó bị tuyệt chủng và 50 năm trở lại đây, tốc độ tuyệt chủng đã tăng nhanh gấp 40 lần so với thời kỳ cách mạng công nghiệp.

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) ngày 2-5-2006 đã cảnh báo: Hơn 16.000 loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu và với tốc độ phá hủy nơi cư trú như hiện nay thì trong vòng 10 năm tới mỗi năm sẽ có khoảng 25.000 loài động, thực vật bị tuyệt chủng. Sự biến mất của các loài động, thực vật sẽ dẫn tới sự sụp đổ dây chuyền của các loài khác sống phụ thuộc vào chúng trong đó có loài người.

Sách đỏ 2006 cũng ghi rằng 25% các loài bò sát và động vật có vú, 20% các loài lưỡng cư, 12% các loài chim, 10% các loài thực vật hiện có trên trái đất sẽ phải đối mặt với sự tuyệt chủng trong vòng 30 năm tới.

Tạp chí New Scientist số ra tháng 5-2006 công bố một nghiên cứu cho rằng khoảng 200 con sông lớn nhất thế giới sẽ thay đổi dòng chảy trong vòng 300 năm tới do trái đất nóng lên, làm ảnh hưởng đến sự sống của 80% các loài sinh vật dưới nước.

Theo các tác giả của một nghiên cứu đăng trên tạp chí Conservation biology, những thay đổi về khí hậu sẽ khiến hàng chục nghìn loài động vật và thực vật bị tuyệt chủng trong các thập kỷ tới. Đặc biệt sự tuyệt chủng này xảy ra nghiêm trọng tại các khu vực dồi dào sự sống nhất như vùng núi Andes nhiệt đới hoặc khu vực Caribbean. Các tác giả ước tính 39-43% số loài ở những vùng này - tức 56.000 loài thực vật và 3.700 loài động vật xương sống - sẽ biến mất kèm theo sự tăng gấp đôi lượng dioxid carbon có mặt trong khí quyển so với thời tiền công nghiệp.

Ông Achim Steiner - Tổng giám đốc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về sự biến mất nhanh chóng của các loài khiến đa dạng sinh học ngày càng giảm. “Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống và kế sinh nhai của hàng tỷ người phụ thuộc vào chúng. Hậu quả trong tương lai là khôn lường và khó có thể cứu vãn được”.

Gần đây, con người liên tiếp phải gánh chịu những thiên tai, thảm họa bất ngờ từ thiên nhiên như bão, lũ, sóng thần, động đất... làm hàng chục nghìn người thiệt mạng. Đó mới chỉ là một phần cái giá mà con người phải trả cho cách mà con người đã đối xử với thiên nhiên. Rõ ràng là con người cần phải nhận thức được rằng sự phá hủy của mình và sự phát triển không bền vững đang ngày càng tác động đến cuộc sống và tương lai của chính loài người. Nếu chỉ nhìn vào những lợi ích trước mắt thì về lâu dài loài người sẽ phải chuốc lấy những thiệt hại vô cùng to lớn và không thể lường hết được.

Theo Sức khỏe & đời sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên