![]() |
Phụ huynh và thí sinh xem kết quả tuyển sinh ĐH Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) sáng 31-7-2008 - Ảnh: Như Hùng |
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Thông tin mặt bằng điểm thi thấp hơn năm 2007 khiến nhiều thí sinh có điểm thi không cao khấp khởi hi vọng. Tuy nhiên, tình hình đó không diễn ra ở tất cả trường. Thậm chí ở một số trường điểm chuẩn còn tăng. Điển hình là ngành công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Năm 2007 điểm chuẩn khối B ngành này là 24 điểm, năm nay trường dự kiến mức điểm chuẩn 25 điểm. Tiếp đó, điểm chuẩn ngành công nghệ môi trường khối B cũng tăng từ 20 điểm lên 24 điểm.
Các ngành còn lại đều dự kiến điểm chuẩn bằng hoặc cao hơn năm 2007 như: toán tin: 16 điểm, vật lý: 15 điểm, điện tử viễn thông: 19 điểm; công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin: 20 điểm; hải dương học và khí tượng thủy văn: 15 điểm, hóa học: 16 điểm, địa chất khối A: 15 điểm, khối B: 20 điểm, khoa học môi trường khối A: 16 điểm, khối B: 22 điểm, công nghệ môi trường khối A: 16 điểm, khoa học vật liệu: 15 điểm, sinh học: 19,5 điểm và công nghệ sinh học khối A: 20 điểm.
Khối B, C: điểm chuẩn sẽ tăng
Điểm chuẩn Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM): Giảm 1-3 điểm Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) là trường đầu tiên công bố điểm chuẩn trúng tuyển chính thức vào các ngành của trường, điểm chuẩn hầu hết các ngành của trường đều giảm 1-3 điểm. Trong đó, hai ngành công nghệ thông tin và cơ điện tử có điểm chuẩn cao nhất với 21 điểm. Ngành điện - điện tử: 20, cơ khí: 19, công nghệ dệt may: 16, kỹ thuật nhiệt lạnh: 16, công nghệ hóa - thực phẩm: 20, kỹ thuật xây dựng: 20,5, kỹ thuật địa chất dầu khí: 17, quản lý công nghiệp; 17,5, kỹ thuật và quản lý môi trường: 16, kỹ thuật giao thông: 16,5, kỹ thuật hệ thống công nghiệp: 17, công nghệ vật liệu: 17; trắc địa - địa chính, vật liệu và cấu kiện xây dựng, thủy lợi - thủy điện - công trình thủy, cơ kỹ thuật, vật lý kỹ thuật: 16 và công nghệ sinh học: 18. |
Ở khối ngành khoa học xã hội và nhân văn, sau một vài năm có điểm chuẩn khá thấp, nhiều ngành sẽ nhích lên trong năm 2008. Có thể nhận thấy điều này ở ngành ngữ văn và ngôn ngữ của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM). Năm ngoái ngành này chỉ tuyển ở mức 14,5 điểm. Nhưng nếu lấy ở mức điểm này, năm 2008 trường có gần 500 thí sinh. Đặc biệt, thí sinh dự thi khối C có điểm thi cao hơn nhiều so với khối D. Vì thế, nếu dành một nửa trong tổng số 200 chỉ tiêu cho khối C, điểm chuẩn khối này sẽ lên đến 19 điểm.
Trong trường hợp trường định mức điểm chuẩn cho khối D từ 14,5-15,5 điểm, điểm chuẩn khối C sẽ rơi vào khoảng 17,5 điểm. Tương tự, ngành báo chí chắc chắn cũng sẽ có sự thay đổi điểm chuẩn theo hướng tăng lên. Trong đó, điểm chuẩn khối C có thể sẽ tăng thêm đến 3 điểm so với 17,5 điểm của năm 2007 nếu trường dành 50% tổng chỉ tiêu để xét tuyển khối này. Ở khối D, điểm chuẩn có thể sẽ thấp hơn nhưng vẫn rất khó cho những thí sinh có điểm từ 18,5 điểm trở xuống.
Một ngành khác nhiều khả năng tăng điểm chuẩn là quan hệ quốc tế. Tính từ mức điểm chuẩn 17 của năm 2007, ngành này đã có hơn 400 thí sinh đạt được trong khi chỉ có 170 chỉ tiêu. Và nếu căn cứ theo số chỉ tiêu đã công bố, điểm chuẩn ngành quan hệ quốc tế sẽ không thấp hơn 19 điểm. Các ngành như lịch sử, địa lý, xã hội học... có thể sẽ có mức tăng điểm chuẩn ít hơn từ 0,5-1 điểm so với năm 2007. Riêng các ngành nhân học, triết học, thư viện thông tin... sẽ tiếp tục giữ mức điểm chuẩn như cũ hoặc bằng điểm sàn.
Bên cạnh đó, nhóm ngành nhận được sự quan tâm nhiều nhất trong thời gian qua là tài chính - ngân hàng cũng có dấu hiệu sẽ giảm điểm chuẩn. Thống kê cho thấy có hơn 1.000 thí sinh dự thi ngành tài chính - ngân hàng của Trường ĐH Ngân hàng đạt từ 21 điểm trở lên. Con số đó tương ứng với tổng chỉ tiêu của ngành này. Vì vậy, sau khi đã tính đến điểm ưu tiên khu vực, nhiều khả năng điểm chuẩn ngành tài chính - ngân hàng của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM sẽ khoảng 21,5-22 điểm. Hai ngành cũng "thời thượng" không kém là quản trị kinh doanh và kế toán - kiểm toán sẽ khó giữ mức điểm chuẩn 18 như năm 2007 mà có thể sẽ tăng thêm 0,5-1 điểm.
Nhiều ngành khối A hạ điểm
Trong khi đó, kết quả thi của hơn 23.000 thí sinh dự thi vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho thấy chắc chắn điểm chuẩn của trường sẽ không còn giữ ở mức 21,5 điểm như năm 2007. Chỉ cần dành khoảng 70% để tuyển NV1, điểm chuẩn của trường đã giảm một vài điểm. Tuy nhiên, với một số lượng thí sinh dự thi đông và nguồn tuyển lớn như thế, có thể trường sẽ dành tỉ lệ lớn hơn để xét tuyển NV1. Nếu Trường ĐH Kinh tế TP.HCM xét tuyển như năm 2007, những thí sinh đạt từ 18 điểm trở lên, kể cả điểm ưu tiên, sẽ có hi vọng trúng tuyển.
Đối với Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, điểm chuẩn sẽ tùy thuộc từng ngành. Nhiều năm qua, hai ngành kỹ thuật điện - điện tử và công nghệ thông tin luôn là những ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường. Năm 2007, điểm chuẩn của hai ngành này đều là 20,5 điểm. Tuy nhiên, với kết quả điểm vừa được công bố, điểm chuẩn ngành này ít nhất sẽ giảm 2-3 điểm. Bởi sau khi đã tính điểm ưu tiên, ngành kỹ thuật điện - điện tử cũng chỉ có 72 thí sinh đạt mức điểm từ 20,5 điểm trở lên trong khi chỉ tiêu của ngành này là 180 sinh viên. Vì vậy, nếu tuyển 100% chỉ tiêu NV1, ngành điện - điện tử sẽ có điểm chuẩn khoảng 16,5-17 điểm.
Trong khi đó, điểm chuẩn ngành công nghệ thông tin nhiều khả năng còn thấp hơn mức điểm đó. Các ngành còn lại như điện công nghiệp, cơ khí chế tạo máy, kỹ thuật công nghiệp, cơ điện tử, công nghệ tự động... sẽ có điểm chuẩn khoảng 15 điểm, thậm chí có ngành sẽ có điểm chuẩn bằng điểm sàn.
Tương tự, những tính toán cho thấy điểm chuẩn Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cũng sẽ dừng lại ở mức khá thấp. Nếu tuyển đủ chỉ tiêu 1.800 từ số thí sinh dự thi vào trường, điểm chuẩn của trường có thể xuống tới... 13 điểm.
Dĩ nhiên, trường sẽ không thể xét tuyển như thế. Và cho dù trường có dành nhiều chỉ tiêu cho NV2 thì nhiều khả năng điểm chuẩn khá nhiều ngành của trường sẽ ngang bằng với điểm sàn chung. Ngay cả hai ngành kinh tế vận tải biển và kinh tế xây dựng được nhiều thí sinh quan tâm cũng sẽ có điểm chuẩn không cao.
Tại Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, theo đánh giá của nhà trường, mặt bằng điểm thi của thí sinh có giảm chút ít. Đối với một số ngành "truyền thống", nhiều khả năng điểm chuẩn sẽ không thấp. Điển hình là ngành kiến trúc công trình. Với hơn 400 thí sinh đạt từ 18 điểm trở lên, sau khi đã tính điểm ưu tiên khu vực, nếu tuyển 100% NV1, điểm chuẩn ngành này sẽ không thể dưới 20,5 điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận