09/08/2012 11:07 GMT+7

Tuyển Mỹ quyết đòi nợ Nhật Bản

T.PHÚC
T.PHÚC

TT - Rạng sáng mai 10-8, tuyển Mỹ quyết tâm đá bại Nhật Bản để đòi lại món nợ thất bại ở chung kết World Cup 2011 và cũng để vực dậy bóng đá nữ Mỹ.

TT - Rạng sáng mai 10-8, tuyển Mỹ quyết tâm đá bại Nhật Bản để đòi lại món nợ thất bại ở chung kết World Cup 2011 và cũng để vực dậy bóng đá nữ Mỹ.

Nếu không có gì đột biến, nhiều tuyển thủ Mỹ sẽ phải “ngồi chơi xơi nước” chờ đến Giải vô địch thế giới 2015 tại Canada, do Giải bóng đá nữ chuyên nghiệp Mỹ sẽ không được tổ chức từ năm nay. Điều này khiến chỉ có bảy trong số 18 nữ tuyển thủ Mỹ sẽ tiếp tục được chơi bóng tại giải bán chuyên nghiệp Mỹ. Trong số đó có thủ môn Hope Solo, Alex Morgan, Sydney Leroux, Becky Sauerbrunn... Số còn lại sẽ chịu cảnh thất nghiệp hoặc phải tìm đường ra nước ngoài thi đấu.

Brazil và Mexico vào chung kết bóng đá nam

Đêm 7 và rạng sáng 8-8, cả hai đại diện châu Á là Olympic Nhật Bản và Olympic Hàn Quốc đều thất bại ở bán kết môn bóng đá nam. Ở trận thứ nhất, Olympic Nhật Bản sớm tạo được ưu thế trước Olympic Mexico nhờ pha lập công của Otsu ở phút 12. Tuy nhiên, Olympic Mexico đã ghi liên tiếp ba bàn nhờ công Fabian (phút 31), Peralta (phút 65) và Cortes (phút 90) để lội ngược dòng thắng 3-1.

Ở trận bán kết thứ hai, Olympic Brazil thể hiện đẳng cấp vượt trội khi thắng Olympic Hàn Quốc 3-0, trong đó có cú đúp của tiền đạo Damiao ở hiệp hai. Nhờ đó, Damiao vượt lên dẫn đầu danh sách Vua phá lưới với sáu bàn thắng.

Chủ tịch LĐBĐ Mỹ Sunil Gulati hi vọng tuyển Mỹ đăng quang Olympic 2012 để giúp bóng đá nữ Mỹ vượt qua khó khăn hiện tại. Ông Gulati nói: “Tôi sẽ làm việc với lãnh đạo các đội bóng để có giải pháp cho cầu thủ nữ. Chúng tôi sẽ làm hết sức để họ được chơi bóng tại Mỹ thay vì phải ra nước ngoài thi đấu”. Đồng thời đây cũng là thước đo để ông Gulati quyết định có tiếp tục hợp đồng (sẽ hết hạn cuối năm) với HLV người Thụy Điển Pia Sundhage hay không. Kể từ khi tiếp quản năm 2007, bà Sundhage đã giúp tuyển Mỹ vào đến chung kết cả ba giải đấu lớn là Olympic 2008, World Cup 2011 và Olympic 2012 nhưng tuyển Mỹ chỉ đoạt HCV Olympic 2008.

Trước trận đấu, thị trường cá cược nghiêng về khả năng chiến thắng của Mỹ khi Hãng William Hill ra kèo đặt 11 ăn 10 (đặt 11 đồng sẽ lấy về 21 đồng) nếu Mỹ thắng. Ngược lại, kèo Nhật Bản thắng là đặt 10 ăn 23 (đặt 10 đồng lấy về 33 đồng).

Tuy nhiên, người hâm mộ Mỹ không khỏi lo lắng sau khi chứng kiến đội nhà phải rượt đuổi trối chết mới giành được chiến thắng 4-3 ở phút cuối cùng hiệp phụ thứ hai trận bán kết với Canada. Trận đấu này khiến các cầu thủ Mỹ mất sức và bộc lộ nhiều lỗ hổng nơi hàng phòng ngự. Bù lại tuyển Mỹ có hàng công mạnh bậc nhất giải khi đã ghi 12 bàn thắng, riêng tiền đạo kỳ cựu Abby Wambach đã năm lần lập công. Wambach tràn trề hi vọng sẽ tiếp tục ghi bàn để vượt qua Christine Sinclair (Canada - sáu bàn) đoạt danh hiệu Vua phá lưới.

Bên kia chiến tuyến, sức mạnh của Nhật Bản là lối chơi đồng đội rất gắn kết. Họ có hàng thủ chặt chẽ khi chỉ bị thủng lưới hai bàn tại giải. Đặc biệt, các cô gái Nhật Bản luôn thi đấu với sự tự tin rất cao, chịu khó áp sát để hạn chế không gian hoạt động của những đối thủ giàu kỹ thuật như từng khóa được Marta, Cristiane của Brazil ở tứ kết.

Những cầu thủ dày dạn và thông minh như Homare Sawa, Aya Miyama... luôn đảm bảo cho Nhật Bản sự chắc chắn ở khu trung tuyến. Họ rất nguy hiểm trong những pha đan bóng an toàn như ru đối thủ rồi tung những đường chuyền sắc như dao cạo cho tuyến trên ghi bàn. Ngoài ra, Nhật Bản còn thứ vũ khí lợi hại để khai thông thế bế tắc là những tình huống dàn xếp đá phạt rất nguy hiểm.

T.PHÚC

T.PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên