Sau công văn của bộ là công văn của các sở với nội dung tương tự.
Tuy nhiên, các công văn trên dường như chẳng có tác dụng bao nhiêu trong nhiều trường THPT. Tuần rồi, phụ huynh chúng tôi có con em đang học lớp 12 được nhà trường mời dự họp để phổ biến kế hoạch ôn tập chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phụ huynh được phổ biến kỳ thi học kỳ II nhà trường tổ chức ngay tuần đầu tháng 4 để dành thời gian hơn một tháng rưỡi còn lại tập trung ôn luyện thi. Trước đó, trong tháng 3 các môn học phụ như công nghệ, thể dục, tin học... đã được nhà trường kết thúc sớm.
Mới đây, ở Hà Nội khi kiểm tra 28 trường THPT, Sở GD-ĐT Hà Nội phát hiện nhiều trường THPT ngoài công lập không thực hiện nghiêm chương trình. Tình trạng cắt xén, dạy dồn chương trình để kết thúc sớm ở một số môn vẫn diễn ra. Thậm chí có trường đã kiểm tra học kỳ II môn lịch sử, trong khi còn tới gần hai tháng nữa mới kết thúc năm học! Nếu tại TP.HCM ngành chức năng mở đợt kiểm tra thì chúng tôi nghĩ số trường vi phạm cắt xén chương trình chắc cũng không “thua kém” ở Hà Nội.
Năm 2014, với việc rút bớt môn thi tốt nghiệp THPT từ sáu xuống còn bốn môn, trong đó có hai môn thi tự chọn, phụ huynh chúng tôi hi vọng sẽ giảm bớt tình hình ôn luyện thi nặng nề, căng thẳng nhưng thực tế tình hình này vẫn vậy. Tại cuộc họp phụ huynh nói trên, chúng tôi được phổ biến các năm trước việc ôn tập tổ chức theo đơn vị lớp thì năm nay phải xáo trộn theo môn học sinh tự chọn, phiên thành các lớp mới. Học sinh phải ôn luyện liên tục các buổi sáng trong tuần và một số buổi chiều. Học sinh đến trường và ra về đều phải bị kiểm tra thuộc bài chưa. Với kế hoạch ôn luyện thi căng thẳng như vậy, phụ huynh chúng tôi nói đùa nhà trường chẳng khác nào một trung tâm luyện thi (trong khi ai cũng biết không cần phải căng thẳng như vậy vì con cái chúng ta rồi gần như ai cũng... đậu cả!).
Việc cắt xén chương trình, tổ chức luyện thi nặng nề, căng thẳng theo kiểu “cấm trại” đưa đến không ít tai hại cho học sinh trong việc chủ động tiếp thu bài vở và học lên cao vì đánh mất khả năng tự học. Vấn đề này đã được các nhà sư phạm cảnh báo nhiều lần, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại. Vấn đề cần mổ xẻ sâu là tại sao năm nào hết bộ rồi sở đều có công văn nhắc nhở nhưng tình hình cắt xén chương trình vẫn không giảm?
Cũng tại cuộc họp phụ huynh, mỗi phụ huynh được gợi ý đóng 300.000 đồng để bồi dưỡng thầy cô. Đó là chưa kể từ đầu năm nhà trường tổ chức tăng tiết đồng loạt ở tất cả các lớp 12, không phân biệt học sinh giỏi, dở. Mức học phí tăng tiết gần 300.000 đồng/tháng (ngoài học phí chính thức 90.000 đồng/tháng) phụ huynh vẫn đóng đủ.
Mới đây, Sở GD-ĐT Hà Nội có công văn cấm các trường lợi dụng việc ôn thi để gợi ý phụ huynh đóng góp. Chúng tôi nghĩ việc ra văn bản cấm cắt xén chương trình, cấm yêu cầu phụ huynh đóng góp không phải chỉ làm cho có. Bộ và các sở cần phải tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những trường vi phạm để mong sao tình trạng này không lặp lại vào năm sau!
Chuyên mục “Giáo dục dưới mắt mọi người” và “Câu chuyện giáo dục” đã nhận được bài viết của các tác giả: Vũ Viết Tuân, Minh Thái, Nguyệt Anh, Long Nguyệt (Hà Nội), Nguyễn Thị Phinh, Kim Thoa, Đỗ Minh Thuyết (Thanh Hóa), Trần Hoàng, Lê Triều Sơn (Huế), Lý Thị Thủy, Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên), Nguyễn Thị Thu Hiền, Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng), Nguyễn Thị Thu Ny (Khánh Hòa), Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng), Đào Hồng Khởi, Nguyễn Văn Công, Vũ Thị Ni Na (Đồng Nai), Nguyễn Thị Phương (Bình Phước), Lê Phương Trí, Lê Minh Tiến, Nguyễn Thị Thiên Nga, Trần Văn Tám, Võ Thị Phước, Trịnh Minh Giang, Hải Văn Trần, Thái Hoàng, Nguyễn Xuân Lạc, Hà Kim, Đỗ Mạnh Kha (TP.HCM), Nguyễn Thanh Dũng (Long An), Lê Minh Hoàng (Tiền Giang), Nguyễn Hữu Nhân (Đồng Tháp), Thanh Thảo (An Giang), Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu) cùng với các tác giả Cát Minh, Hoa Tuyết, Nguyễn Quốc Minh, Công Bằng, Lê Hải Đăng, Nguyễn Hoàng Duy, Vũ Tiến Chương, Thu Hương, Chí Thị Nhung, Nguyễn Ngọc Duy... TUỔI TRẺ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận