Đường Hồ Chí Minh qua Ninh Bình - Ảnh: TUẤN PHÙNG
"Hôm 1-3-2019 là sinh nhật tròn 96 tuổi tướng Đồng Sỹ Nguyên, tôi đến thăm ông đang nằm ở Bệnh viện 108. Dù sức đã yếu, phải cấp oxy để thở nhưng ông vẫn nói với tôi: Thôi anh em động viên nhau cố gắng thông đường Hồ Chí Minh sớm đi", ông Phạm Hồng Sơn - nguyên tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông vận tải - kể lại.
Là người đề xuất đổi tên xa lộ Bắc Nam thành đường Hồ Chí Minh
Lần ngược thời gian, ông Sơn cho biết ông được gặp trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khi đang làm phó giám đốc Sở GTVT Kon Tum.
Lúc đó, ông Nguyên là Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 "trồng bảo vệ rừng phòng hộ" nên những năm 1995-1996 thường vào Kon Tum công tác. Còn ông Sơn có nhiệm vụ đảm bảo giao thông cho chương trình trồng rừng.
Đến khi Đảng, Chính phủ quyết định làm công trình xa lộ Bắc Nam, ông Sơn về làm phó chủ nhiệm Văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo Nhà nước về công trình này nên có dịp làm việc với ông Đồng Sỹ Nguyên nhiều hơn.
Theo ông Sơn, cuối năm 1996, Chính phủ nghiên cứu làm đường Hồ Chí Minh trên cơ sở đường Trường Sơn năm xưa. Ban đầu gọi là đường cao tốc Bắc Nam. Nhưng sau đó đổi tên thành Công trình Xa lộ Bắc Nam. Ông Đồng Sỹ Nguyên là đặc phái viên của Thủ tướng về công trình này nên cuộc họp nào ông cũng dự và có ý kiến về quy mô, hướng tuyến. Phần lớn các ý kiến được ông thống nhất mới triển khai thực hiện, nếu chưa đồng ý thì tiếp tục bàn luận.
Ông Phạm Hồng Sơn - nguyên tổng giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh - Ảnh: TUẤN PHÙNG
"Thực ra trung tướng Nguyên lúc đó đã đề nghị lấy tên đường Hồ Chí Minh nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói ta đang đầu tư xây dựng nên cứ giữ tên Xa lộ Bắc Nam hoặc đổi là đường Trường Sơn công nghiệp hóa đã. Đầu tư xong hoàn chỉnh hãy đổi tên thành đường Hồ Chí Minh.
Sau đó trong cuộc họp của Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý đổi tên thành đường Hồ Chí Minh theo đề nghị của tướng Đồng Sỹ Nguyên, nhưng trong báo cáo hồi đó không nói trực tiếp mà nói đổi tên theo đề nghị của một số đồng chí lão thành cách mạng. Có lần ông hỏi tôi: Chú có biết ai đặt tên đường Hồ Chí Minh không? Tôi bảo cháu biết bác chứ ai nữa, ông gật đầu cười"- ông Sơn kể.
Bộ Chính trị và Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định đổi tên dự án Xa lộ Bắc Nam thành đường Hồ Chí Minh và lập Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh vào ngày 11-8-1999. Qua trận đại hồng thủy ở Huế năm 1999, Bộ Chính trị yêu cầu đầu tư ngay đoạn từ Hà Tĩnh đến Kon Tum.
Một đoạn đường Hồ Chí Minh - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Mặc dù là đặc phái viên của Thủ tướng về dự án đường Hồ Chí Minh nhưng theo ông Sơn, với tình yêu và tâm huyết với Trường Sơn nên trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn thường xuyên đi thực tế công trường, làm việc với các đơn vị thi công, địa phương có tuyến đường đi qua với vai trò như một người trực tiếp thực hiện dự án.
"Năm 2000 khởi công dự án đường Hồ Chí Minh, ông đã 77 tuổi nhưng vẫn đi công tác trên tuyến đường ít nhất mỗi tháng 1 lần, chưa kể các chuyến đi đột xuất. Chuyến ngắn thì 5 ngày, dài thì 2 tuần. Mục đích đi là kiểm tra tiến độ, đôn đốc, lắng nghe các ý kiến từ công trường để tháo gỡ vướng mắc.
Nghe vướng mặt bằng ở đâu, ông vào từng nhà dân hỏi lý do vì sao không đồng ý bàn giao mặt bằng rồi thuyết phục rằng làm đường Hồ Chí Minh chỉ có lợi cho đất nước và gia đình mình. Có vấn đề gì nhà nước sẽ giải quyết đảm bảo chế độ chính sách chứ không nên cản trở.
Với các cơ quan liên quan như kiểm lâm, có lúc ông nói cứ cho triển khai thi công trước để đẩy nhanh tiến độ, thủ tục sẽ hoàn thiện sau. Ai mà cản trở chú cứ mời người ta đến gặp tôi. Nhờ uy tín của ông nên các cơ quan chức năng cũng thông cảm, cho phép triển khai trước khi hoàn tất thủ tục" - ông Sơn kể.
Cầu Cúc Phương thuộc đường Hồ Chí Minh qua vùng đệm Vườn quốc gia Cúc Phương - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Theo ông Sơn, trong những chuyến công tác, tướng Đồng Sỹ Nguyên đều thể hiện sự điều hành công việc từ tổng thể đến tỉ mỉ từng chi tiết. Kiểm tra công trường, thấy khó khăn ông yêu cầu Ban quản lý dự án phải ý kiến ngay để tháo gỡ.
Kết thúc chuyến công tác bao giờ ông cũng họp cả đoàn yêu cầu tất cả các thành viên nêu ý kiến nhận định tình hình công việc và nêu giải pháp rồi nhận xét ngay từng ý kiến trước khi kết luận, giao Ban quản lý dự án triển khai các công việc để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ.
Những vấn đề liên quan đến địa phương ông đề nghị Văn phòng Chính phủ có công thư cho UBND tỉnh nhắc nhở, đôn đốc. Việc gì liên quan đến Bộ GTVT và các bộ ngành thì ông đề nghị xử lý ngay. Còn cái gì vượt thẩm quyền các bộ thì ông báo cáo Thủ tướng xử lý nhanh chóng.
"Kể cả sau này không còn làm đặc phái viên nhưng ông vẫn bảo: Có khó khăn vướng mắc gì các chú cứ nói, tôi sẽ báo cáo Thủ tướng. Sau đó, ông trực tiếp viết thư gửi Thủ tướng. Nhận được thư, Thủ tướng đều yêu cầu các bộ ngành khẩn trương xử lý nên dự án triển khai thuận lợi.
Ông là con người có tầm vĩ mô nhưng tâm huyết, tỉ mỹ, cụ thể từng việc nhỏ. Từng là Ủy viên Bộ Chính trị, phó Thủ tướng nhưng đi công trường làm việc như làm công việc của chính mình, tuổi lớn nhưng không nề hà.Tôi học được rất nhiều về các điều hành công việc vừa tổng thể nhưng vừa sâu sát, quyết liệt của ông"- ông Sơn thừa nhận.
Dựng bia để người đời sau còn nhớ người hi sinh
Đi kiểm tra thi công đường Hồ Chí Minh là về lại với Trường Sơn, những chặng đường đi qua ông lại nhớ tới những đồng đội, chiến sĩ đã nằm xuống đại ngàn Trường Sơn, nhắc lại từng sự kiện, kỉ niệm trên với tuyến đường ông đã gắn bó 10 năm.
Ông Sơn kể lại một kỷ niệm đáng nhớ vào ngày 10-9-2001: khi ông còn đang đứng dưới suối ở ngầm Ka Tang thuộc đường 15A, xã Lâm Hóa, Minh Hóa, Quảng Bình (nay là đường Hồ Chí Minh) để xem xét việc thi công cầu. Nhận thấy dấu hiệu lũ thượng nguồn sẽ đổ về, từ trên xe ông Nguyên cầm loa tay gọi to như mệnh lệnh: "Chú Sơn lên bờ ngay!".
Lúc lên bờ, ông Nguyên kể lại ngày trước có 1 tiểu đoàn bộ đội đang đánh răng, rửa mặt bên bờ suối này thì lũ ống từ Lào bất ngờ đổ về cuốn trôi nhiều người.
"Đi thực tế trên tuyến, đến chỗ này chỗ kia ông bảo: Chú Sơn, chỗ ni thời chiến tranh xảy ra chuyện này, đây là di tích này… Sau đó ông đề nghị xây bia di tích tại những vị trí đó để kể lại lịch sử, tưởng nhớ những người đã hi sinh. Ông bảo làm vậy để những người thế hệ sau đi trên đường Hồ Chí Minh biết tới một thời kỳ lịch sử gian khó nhưng hào hùng mà tri ân những người hi sinh vì đất nước"- ông Sơn nhớ lại những chuyến đi cùng tướng Nguyên làm ông thấy rõ hơn ý nghĩa về hi sinh của những người đã ngã xuống.
Đồ họa của Tuổi Trẻ Online
Chỉ đạo là vậy nhưng trước khi dựng bia, vị tư lệnh Trường Sơn huyền thoại duyệt mẫu mã, nội dung, câu chữ từng bia để đảm bảo chính xác, đúng ý nghĩa rồi mới cho thi công, lắp dựng bia di tích để cho người đời biết chính xác.
"Ông là vậy đó, những lúc còn công tác cho đến những ngày cuối đời trên giường bệnh vẫn nặng lòng với đường Trường Sơn năm xưa, đường Hồ Chí Minh hôm nay"- ông Sơn bùi ngùi nhớ lại.
Một đoạn đường La Sơn - Túy Loan thuộc nhánh Đông đường Hồ Chí Minh trùng với đường cao tốc Bắc Nam phía Đông sắp được hoàn thành- Ảnh: Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh
Theo ông Sơn, khi làm đường Hồ Chí Minh, trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn quan tâm tới yếu tố quốc phòng bằng con mắt của một vị tướng từng đảm bảo giao thông, hậu cần trong chiến tranh chống Mỹ.
Theo quy hoạch đường Hồ Chí Minh đến Cam Lộ (Quảng Trị) sẽ thi công trước theo nhánh tây Trường Sơn từ huyện Đakrông lên huyện Nam Giang, Quảng Nam rồi lên Kon Tum. Còn đoạn Cam Lộ từ Đường 9 đi Túy Loan (Đà Nẵng) dài gần 200 km là cao tốc sẽ thi công sau năm 2020 vì đoạn này gần quốc lộ 1.
Nhưng trung tướng Đồng Sỹ Nguyên yêu cầu phải làm từ Cam Lộ thẳng tới Túy Loan rồi lên Hòa Cầm, Thạnh Mỹ (Quảng Nam) ngay.
"Ông nói: nếu không làm đoạn sớm này tôi chết không nhắm mắt được. Về mặt quân sự nếu hầm Hải Vân bị khống chế thì các chú đi đường nào?"- ông Sơn cho biết đến năm 2008 tướng Nguyên vẫn nhiều lần viết thư tới các cấp đề nghị làm ngay đoạn Cam Lộ - Túy Loan, nếu chưa đủ tiền thì mỗi năm làm một ít.
Hiện nay đoạn La Sơn - Túy Loan dài 77,5 km đã xây dựng gần xong để nối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Còn đoạn từ Cam Lộ - La Sơn dài 102 km là 1 trong 11 dự án thành phần của đường cao tốc Bắc Nam phía Đông sắp được khởi công.
"Nhiều người bảo nhờ cụ Đồng Sỹ Nguyên nên đoạn cao tốc Cam Lộ - Túy Loan được làm sớm so với quy hoạch nên sau này đặt tên là đường Đồng Sỹ Nguyên là hợp lý vì gắn với tâm tư của cụ lại mang tính chiến lược"- ông Sơn nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận