Hình ảnh giun lúc nhúc trong ruột non bệnh nhân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Ban đầu, bệnh nhân bị nghi chảy máu dạ dày. Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã chụp cắt lớp khảo sát mạch máu ruột non, phát hiện bất thường, và xác định bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa từ ruột non nên cho nội soi.
Khi nội soi ruột non, bác sĩ bất ngờ khi thấy ở một đoạn ruột non có nhiều giun. Giun bám trên niêm mạc ruột non hút máu gây nhiều điểm tổn thương, gây chảy máu và dẫn đến thiếu máu.
Khi gắp giun và sinh thiết điểm tổn thương, bác sĩ ghi nhận có tới 20 con giun mỏ ở ruột non bệnh nhân.
Bác sĩ Đặng Trung Thành - phó trưởng khoa nội tiêu hóa Bệnh viện E, người đã tham gia điều trị cho bệnh nhân - cho biết loại giun này có đôi răng hình bán nguyệt sắc, ngoạm vào niêm mạc ruột để hút máu. Trong khi hút máu, giun tiết ra chất chống đông làm các vết thương liên tục chảy máu, kể cả khi giun đã sang ký sinh ở vị trí khác.
Các bác sĩ đã nội soi gắp 20 con giun mỏ, loại giun hút máu người và tiết ra chất chống đông máu - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Loại giun này cũng tiết ra độc tố ức chế cơ quan tạo máu sinh sản hồng cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng mất máu của bệnh nhân. Do triệu chứng của bệnh là thiếu máu nên chẩn đoán bệnh không dễ, dễ nhầm lẫn với loét dạ dày, tá tràng. Chu kỳ vòng đời của giun mỏ lên tới 10-15 năm nếu không được điều trị.
Bác sĩ Thành cho biết loại giun này sống trong phân hoặc đất, thân cây, ngọn cỏ, ấu trùng giun có thể "leo" cao tới 2m và có khả năng xâm nhập vào người qua da, niêm mạc, kẽ ngón chân, cẳng chân... rồi theo tĩnh mạch về tim, phổi.
Ở phổi, ấu trùng phát triển rồi lên họng, hầu và được nuốt lại xuống ruột, ký sinh ở tá tràng thành giun trưởng thành.
Bác sĩ cũng cho biết nghề nghiệp của bệnh nhân là trồng quế và cây ăn quả nên thường xuyên tiếp xúc với đất, nhưng không sử dụng đồ bảo hộ, thường ngủ trên nền đất, uống nước suối...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận