Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí The Lancet ngày 21-2, đến năm 2030, Hàn Quốc là quốc gia điển hình nhất trong số nhiều nước ghi nhận mức tuổi thọ trung bình của nữ giới lên tới 90 tuổi.
Việc Hàn Quốc được coi là quốc gia điển hình bởi đây là quốc gia có chỉ số phát triển kinh tế ổn định, cùng với đó là chế độ dinh dưỡng khoa học lành mạnh, điều kiện chăm sóc sức khỏe toàn diện với các công nghệ hiện đại.
Cùng với Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là quốc gia luôn duy trì ở mức thấp số lượng người mắc bệnh béo phì và phụ nữ hút thuốc.
Theo nghiên cứu nói trên, được thực hiện tại 35 nước thành viên thuộc Tổ chức Kinh tế Hợp tác và Phát triển (OECD), tuổi thọ trung bình nữ giới ở các nước phát triển như Pháp và Nhật Bản trong 15 năm tới có thể lên 88 tuổi.
Trong khi đó, tuổi thọ trung bình của nam giới ở các nước Hàn Quốc, Australia và Thụy Sĩ vào năm 2030 sẽ là 84 tuổi.
Bên cạnh việc đưa ra con số dự tính về tuổi thọ trung bình nêu trên, nghiên cứu cảnh báo tình trạng dân số già cũng kéo theo nhiều thách thức cho hệ thống y tế và dịch vụ xã hội, đòi hỏi các quốc gia có điều chỉnh quy định về lao động đề phù hợp với điều kiện tuổi tác người lao động.
Năm 2015, Nhật Bản, Singapore và Tây Ban Nha là ba nước ghi nhận tuổi thọ trung bình của nữ giới cao nhất thế giới, lần lượt là 87, 86 và 85,5; Hàn Quốc xếp vị trí thứ 4.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nói trên, từ năm 2010-2030, tuổi thọ trung bình ở nữ giới của Hàn Quốc sẽ có bước nhảy vọt, tăng tới 6,6 năm tuổi, tiếp theo là Slovenia (4,7 năm tuổi) và Bồ Đào Nha (4,4 năm tuổi).
Tương tự đối với nam giới, Hugarry ghi nhận mức tăng 7,5 năm tuổi, tiếp đến là Hàn Quốc (7 năm tuổi) và Slovenia (6,4 năm tuổi).
Trong hai thập kỷ qua, tuổi thọ trung bình ở Mỹ tăng ở mức bình thường, từ 81,2 lên 83,3 tuổi ở nữ giới và từ 76,5 đến 79,5 tuổi ở nam giới.
Năm 2015, 5 nước có tuổi thọ trung bình thấp nhất, từ 50 đến 55 tuổi, đều tập trung tại khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận