12/05/2015 16:26 GMT+7

Tuổi mới lớn nói trước quên sau

BS Tịt Tuốt
BS Tịt Tuốt

Chị Uyên ở quận 2 - TP.HCM than phiền: “Con tui học giỏi, thông minh. Ở trường thầy cô khen quá trời, đi họp phụ huynh mình nở mày nở mặt. Vậy mà không hiểu sao về nhà mình dặn việc gì nó cũng quên trước quên sau, người cứ đểnh đoảng, đụng đâu hư đó, bực mình hết sức!”. Lời than phiền của chị Uyên cũng là tâm trạng của đa số bậc cha mẹ có con trong tuổi mới lớn.

Mẹ sai thì quên…

Theo các nhà khoa học, số lượng tế bào thần kinh trong bộ não của các em ở độ tuổi này đã bằng người lớn nhưng chúng chưa có khả năng kết nối chặt chẽ với nhau.

Việc “sai bảo” của các bà mẹ không tạo được sự chú ý của trẻ nên sự liên hệ của các tế bào thần kinh không được thành lập. Vì thế trẻ nhớ được mẹ bảo “đi đâu” nhưng lại quên béng động cơ “làm gì”. Thế nhưng nếu  bà mẹ nói: “Con gái ơi, lên lầu, mở tủ, lấy giùm mẹ cái bóp. Mẹ quên chưa đưa cho con tiền dằn túi tuần này”. Bảo đảm cô con gái đi nhanh và lấy được cái bóp, không hề quên. Nói như vậy không phải vì người mẹ nhấn mạnh quyền lợi nhưng nếu cắt đi vế thứ hai là cho tiền, chỉ cần giọng nói ngọt ngào sẽ dễ “thấm” hơn là cách sai bảo. Tế bào não của trẻ thích “uống nước đường” hơn những “món” khô cứng.

Những nghiên cứu chẩn đoán hình ảnh về não bộ cũng cho thấy, vỏ não thùy trán đóng vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ thấu hiểu người lớn. Tiếc là với tuổi mới lớn vùng này chưa hoàn chỉnh, nên chúng chưa bao giờ thực sự lắng nghe phụ huynh, nhất là khi cha mẹ giải thích kinh tế gia đình, kể khổ… để mong chúng thông cảm. Gặp những trường hợp như bà mẹ trên, khi chúng quên thì nhắc chúng làm lại lần thứ 2, đừng vội làm thay hay chê trách. Bởi chúng không để những chuyện ấy lọt vào tai thì làm sao nhớ được mà chỉ thấy “mẹ phiền quá, mẹ kể lể nhiều quá”.

…Nhưng thầy giảng lại nhớ

Các nhà khoa học  cũng nói rằng: việc các đường dẫn truyền thần kinh chưa được định hình rõ nét là ưu thế để giúp trẻ dễ dàng học được nhiều kiến thức mới. Dễ chịu như âm nhạc, khó nhằn như ngoại ngữ nếu tạo ra sự hứng thú chúng sẽ học và nhớ rất nhanh. Môi trường đầm ấm trong gia đình và cách truyền đạt của thầy cô cũng là liều thần dược đối với bộ não của trẻ.

Tại sao trẻ nhớ lời bạn mà quên lời mẹ?

Giải thích đơn giản là ngôn ngữ của những trẻ cùng trang lứa sẽ dễ chịu hơn là mệnh lệnh của phụ huynh. Gặp bạn, trẻ tíu tít trò chuyện, gặp phụ huynh là những câu thăm hỏi kiểu: “hôm nay con làm bài được không”. Nếu trẻ trả lời: “tệ lắm” mà được mẹ hay ba động viên: “thua keo này ta bày keo khác” thì giống như được tiếp sức, đằng này đa số là “sao vậy”?. Phụ huynh nào mà nặng lời là trẻ “găm” những lời đó vào não hoặc nổi khùng! Với một bộ não chưa có khả năng kiểm soát hành vi và cảm xúc trong khi lại luôn ham muốn phần thưởng và lời khen ngợi thì rất dễ phản ứng quá khích với sự chê bai, đòi hỏi của cha mẹ.

Tuổi mới lớn như quả bom hẹn giờ

Hormon bài tiết điều khiển cả tâm lý, tình cảm, cộng với một bộ não đang vật vã thay đổi khiến tuổi mới lớn được ví như quả bom hẹn giờ, có thể bùng nổ bất cứ khi nào. Các bậc cha mẹ sẽ khó chịu khi thấy chúng “cực kỳ khó hiểu”. Tuy nhiên trẻ cũng đang ở giai đoạn định hình nhân cách, vì thế bạn phải hiểu chúng để giúp chúng vượt qua thời kỳ khó khăn này.

Tuổi Trẻ Cười số 522 ra ngày 1/5/2015 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

BS Tịt Tuốt
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên