27/02/2005 19:09 GMT+7

Tuổi 95, Hoàng Lập Ngôn "mãi còn mê ly"

Theo Nhân Dân
Theo Nhân Dân

Ở tuổi 95, Hoàng Lập Ngôn đã rong ruổi suốt đời mình qua hai thế kỷ và để lại một dấu ấn khó phai mờ trong hội họa Việt Nam đương đại, không chỉ bởi tác phẩm mà còn bởi sức sống phi thường.

3T6xsuhf.jpgPhóng to
Ở tuổi 95, Hoàng Lập Ngôn đã rong ruổi suốt đời mình qua hai thế kỷ và để lại một dấu ấn khó phai mờ trong hội họa Việt Nam đương đại, không chỉ bởi tác phẩm mà còn bởi sức sống phi thường.

Lần đầu tiên tôi có dịp được tiếp cận lão họa sĩ tài hoa ấy là vào năm 1993, khi ông khai mạc triển lãm tranh Tinh tướng họa tại Hà Nội. Những bức tranh vẽ trên giấy rất đơn giản, còn nguyên nét chì dựng tỷ lệ, sao mà thật có hồn. Đó là chân dung những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ nổi tiếng, mỗi người một dáng vẻ nhưng đầy tính cách và sống động dưới nét vẽ đơn sơ.

Sau này tôi thỉnh thoảng vẫn gặp ông ở đâu đó tại Hà Nội, khi chỉ là một câu chào hỏi, khi bên chén nước chè xanh hay khoanh chân trên căn gác nhỏ nghe ông kể về xuất xứ của một bức tranh. Qua những tác phẩm ấy tôi có thể hình dung những chặng đường rong ruổi của họa sĩ từ bắc vào nam từ thời còn trẻ trung, sôi nổi. Hình như cảm hứng của ông luôn bắt nguồn từ những chuyến đi, như thể dấu ấn của một thời "Nhà lăn Mê Ly" vẫn luôn ở trong ông.

Ông vẫn nhớ rất rõ cái chuyến đi thời trai trẻ, giữa thế kỷ 20, khi có người hỏi chuyện. Những lúc ấy trên gương mặt ông sáng lên một niềm vui cùng với giọng nói đầy sôi nổi. Chắc chắn tiếng gọi của niềm đam mê nghệ thuật trong chàng họa sĩ Ngôn phải lớn lắm mới khiến ông tự đóng xe ngựa, cùng vợ và con gái chưa đầy một năm tuổi rong ruổi đường trường thiên lý từ bắc vô nam. Bạn bè có người đi theo ông như họa sĩ Dương Bích Liên nhưng giữa đường không kham nổi phải quay về. Trên “Nhà lăn Mê Ly” - chiếc xe ngựa đặt theo tên cô con gái đầu lòng, họa sĩ đi tìm con đường nghệ thuật cho chính mình.

Đến hôm nay, khi tuổi gần tròn thế kỷ, Hoàng Lập Ngôn vẫn ít khi chịu ngồi yên một chỗ lâu ngày trừ phi sức khỏe không cho phép. Lúc đó, trong căn phòng nhỏ, ông lặng lẽ luyện Yoga và dưỡng thần. Chính nghị lực sống phi thường ấy đã cho ông sức mạnh và người họa sĩ già lại khăn gói lên đường ngay khi mới khỏe lại.

Một trong những tác phẩm hiếm hoi có kích thước lớn của Hoàng Lập Ngôn là bức tranh Ngây thơ hiện trưng bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tại Hà Nội. Bức chân dung có khuôn mặt ngây thơ và cái nhìn trong trẻo ấy được vẽ với người mẫu là Dương Thị Nhung, em họ của vị bác sĩ cũng là họa sĩ Dương Cẩm Chương, Việt kiều sống tại Pháp, bạn rất thân của tác giả. Paris với ông Ngôn đã trở thành duyên nợ, thành một kỷ niệm thật đẹp trong ký ức. Mỗi lần tôi nói chuyện với ông về thành phố ấy là Hoàng Lập Ngôn bỗng trở nên khác hẳn, sôi nổi hẳn. Ông nói nhiều, thỉnh thoảng điểm thêm vài câu tiếng Pháp rất đúng ngữ điệu dân Paris. Và tôi như được sống lại với Paris năm 1948, cùng với chàng họa sĩ Ngôn mang gạo từ VN sang Pháp bán để có tiền sinh sống. Ông đã đến Paris với lòng ham hiểu biết, bằng sự ngưỡng mộ các nhà danh họa của châu Âu và quan trọng hơn là để được đi được thấy tất cả bằng chính đôi mắt và trái tim mình. Những ngày ở Paris đã khắc một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong lòng họa sĩ, quãng thời gian ấy với ông thật sự là thời huy hoàng. Rồi ông say sưa kể về những cuộc triển lãm nhỏ ở Paris, ở đó ông ngồi vẽ tranh chân dung bán cho khách. Bây giờ ông vẫn tiếp tục vẽ tranh như thế nhưng nhiều khi chỉ để tặng.

Tên tuổi Hoàng Lập Ngôn gắn với Tinh tướng họa - một phong cách vẽ chân dung do chính họa sĩ tạo nên, theo như ông giải thích "Tinh là tinh thần, tướng là tướng mạo, như thế Tinh tướng họa thể hiện cái thần bên trong cùng với diện mạo bên ngoài của nhân vật". Họa sĩ có khả năng nắm bắt ngay được cái thần của người đối diện, lọc bỏ đi những điều không cần thiết, để chỉ trong vài nét bút có thể thể hiện đầy đủ những đường nét cơ bản và chiều sâu nội tâm của nhân vật.

Có hôm tôi đến thăm ông trước lúc họa sĩ lên đường. Khoác chéo sau lưng chiếc túi vải dài đựng giấy bút vẽ, chiếc túi dết bên hông và cây gậy chống để bước đi tuổi cửu tuần thượng thọ thêm vững chãi, ông sẵn sàng cho một hành trình mới với những cảm xúc mới. Một nụ cười rạng rỡ trên môi. Mỗi lần lên đường trong ông vẫn vẹn nguyên cảm xúc từ thuở “Nhà lăn Mê Ly” ấy. Không phải ngẫu nhiên mà họa sĩ chọn biểu tượng cho mình là chiếc bánh xe với những chiếc nan xòe ra như những tia nắng mặt trời.

Chú lùn ta vẽ nước nonBắc Nam rong ruổi mãi còn mê ly(thơ Hoàng Lập Ngôn)

Quả là chẳng còn gì tuyệt vời hơn, mê ly hơn niềm đam mê cuộc sống và sáng tạo...

Theo Nhân Dân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên