12/09/2003 09:08 GMT+7

Tuổi 25"bay" cùng giấc mơ tiến sĩ

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT (TP.HCM) - 21 tuổi, anh tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại giỏi khoa điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Tiếp tục hoàn thành bậc cao học đạt loại ưu, chưa đầy một năm sau anh bảo vệ thành công hai công trình nghiên cứu khoa học của mình trong vai trò chủ nhiệm đề tài... Đó là thạc sĩ Từ Diệp Công Thành - một trong những giảng viên còn rất trẻ ở bộ môn cơ điện tử, khoa cơ khí.

Pq0wY03j.jpgPhóng to
Thạc sĩ Từ Diệp Công Thành bên chiếc máy chế tạo ozone của mình
TT (TP.HCM) - 21 tuổi, anh tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại giỏi khoa điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Tiếp tục hoàn thành bậc cao học đạt loại ưu, chưa đầy một năm sau anh bảo vệ thành công hai công trình nghiên cứu khoa học của mình trong vai trò chủ nhiệm đề tài... Đó là thạc sĩ Từ Diệp Công Thành - một trong những giảng viên còn rất trẻ ở bộ môn cơ điện tử, khoa cơ khí.

Diện tuyển thẳng mà vẫn phải thi

Rời mảnh đất Qui Nhơn (Bình Định) vào TP.HCM năm 1992, gia đình Thành khi ấy xem như trở lại vạch xuất phát ban đầu. Mảnh đất Sài Gòn dẫu nhiều điều kiện, thừa cơ hội cũng không thể làm cho việc học hành của Thành thuận lợi hơn chỉ vì thiếu... hộ khẩu thành phố.

Chạy vạy nhiều nơi, cuối cùng Công Thành cũng được nhận vào học lớp 9 Trường THCS Cầu Kiệu, quận Phú Nhuận. Năm 1993, Công Thành tốt nghiệp cấp II với kết quả loại giỏi và được xếp ở vị trí thứ hai của toàn quận Phú Nhuận.

Nhưng một lần nữa, cái hộ khẩu thành phố kia lại khiến Thành không thể xin vào bất kỳ một trường THPT công lập nào dù với kết quả đó Thành đương nhiên phải có tên trong danh sách những học sinh được tuyển thẳng vào cấp III. Lại gõ đủ cửa, và nhờ may mắn, Thành được nhận vào Trường THPT Phú Nhuận nhưng bắt buộc phải vượt qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 như những bạn khác.

Không chỉ vượt qua kỳ thi tuyển vào lớp 10, Thành còn chiếm luôn một ghế trong lớp chọn A1 của trường với số điểm quán quân môn vật lý. Những năm học sau đó, chưa bao giờ Công Thành lọt khỏi top những học sinh luôn dẫn đầu lớp.

Yêu môn lý, ham mê khám phá, chẳng thế mà không còn vật dụng nào trong nhà lại không lọt vào tầm ngắm của Thành. Khi cái quạt bàn, lúc chiếc radio, mọi thứ... đều bị tháo ra lắp vào. Thấy niềm ham thích cậu con trai, bố Thành đã định hướng con trai thi vào trường khối kỹ thuật. Tháng 8-1996, Từ Diệp Công Thành vượt vũ môn một cách khá nhẹ nhàng vào Trường ĐH Bách khoa TP.HCM với điểm số ba môn đạt 27,5.

“Lướt” qua những tín chỉ

Với phòng đào tạo của ĐH Kỹ thuật (cũ) và cả ĐH Quốc gia TP.HCM lúc ấy, chuyện SV học vượt hẳn một học kỳ vẫn còn là chuyện hiếm và vượt ngoài tầm giải quyết của trường thành viên. Giai đoạn ĐH đại cương theo chương trình chung là ba học kỳ nhưng Công Thành chỉ cần hai học kỳ đã kết thúc giai đoạn này.

Phải mất cả tháng trời để việc học vượt của Thành được ban giám đốc ĐH Quốc gia xem xét, quyết định. Chẳng lẽ nghỉ xả hơi một học kỳ? Không. Công Thành đăng ký vào học chuyên ngành luôn, quyết tâm học đuổi và phải nhập lớp cùng các anh chị khóa trước. Cuộc rượt đuổi thành công, Thành trở thành SV khóa 95 trong khi không ít bạn bè khóa 96 của mình còn chưa vượt được “cửa” đại cương.

Chuyện vượt cấp của Thành chưa hết gây sốc cho bạn bè lại đến lượt tạo lúng túng cho các thầy. Do áp dụng học chế tín chỉ, ngoài số môn học mà SV phải hoàn thành trong một học kỳ, họ còn có thể đăng ký học thêm những môn khác.

Có học kỳ Thành đã đăng ký học đến... 14 môn và học luôn cả học kỳ hè (còn gọi là học kỳ III). Chính thầy Trương Chí Hiền (lúc ấy là trưởng phòng đào tạo) của trường còn tỏ vẻ ái ngại vì sợ Thành không qua nổi!

Để được chấp nhận chuyện hi hữu này, Thành phải đính kèm thêm bản cam kết với phòng đào tạo rằng sẽ tự chịu trách nhiệm nếu có gì trục trặc trong suốt quá trình học. Kết quả Thành không chỉ “hạ cánh” an toàn với những gì mình đăng ký mà còn vượt thêm một học kỳ của giai đoạn chuyên ngành, tốt nghiệp ĐH với tấm bằng loại giỏi cùng SV khóa 95 sau bảy học kỳ trong khi chương trình đào tạo chung là chín học kỳ.

Khước từ những lời mời hợp tác làm việc với nhiều mức lương khá hấp dẫn, Thành quay về nộp hồ sơ vào bộ môn cơ điện tử khoa cơ khí vì quá mê hình ảnh của một giảng viên ĐH. Chân ướt chân ráo về với bộ môn cũng chỉ mới vừa hình thành chưa đầy một năm, ngay sau đó Thành trúng tuyển cao học với vị trí thứ tư trên tổng số hơn 200 học viên đủ điều kiện trúng tuyển năm đó.

Thế là vừa gánh vác vai trò trợ lý bộ môn, vừa phải tập trung hoàn thành khóa học, vừa phụ thực hiện những đề tài khoa học cùng các thầy. Hành trang của Thành giờ đây đã có hai đề tài do chính anh đứng tên chủ nhiệm cùng hai đề tài khác mà anh đang hướng dẫn SV thực hiện.

“Máy bắn banh tennis phục vụ luyện tập” - đề tài đã được chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ Thành đoàn tài trợ 78 triệu đồng, và đề tài cấp trường vừa được nghiệm thu hôm 22-8-2003 - “Nghiên cứu và chế tạo máy sản xuất ozone phục vụ xử lý môi trường” được công nhận có tính khả thi cao.

Khi bài viết này hoàn thành, Công Thành đã lên đường đến ĐH Ulsan (Hàn Quốc) theo một học bổng nghiên cứu sinh toàn phần ngành cơ điện tử trong thời gian ba năm mà Thành tìm được qua mạng. Sẽ là một “chuyến bay” mới khi chàng trai 25 tuổi này đã đưa ra một lời “thề hẹn”: sẽ trở về với tấm bằng tiến sĩ sau hai năm.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên